Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

24/12/10

Bí quyết làm đẹp từ nước vo gạo

Dùng nước vo gạo rửa mặt hằng ngày sẽ giúp làn da của bạn đẹp lên trông thấy. Ngoài ra bạn có thể dùng nó để đánh răng... 
 

Sau đây là một vài gợi ý làm đẹp từ nước vo gạo đơn giản dành cho bạn:

Làm nước rửa mặt

Mỗi ngày bạn nên dùng nước vo gạo để rửa mặt, nhất là vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ, da bạn sẽ đẹp lên trông thấy. Bởi trong nước vo gạo có chứa vitamin B5 rất có lợi cho da, nuôi dưỡng tế bào da, làm cho da sạch, trắng và mịn. Tuy nhiên không được để nước vo gạo qua ngày hôm sau vì nó sẽ bị biến chất.

Làm nước tẩy trang

Dùng nước vo gạo thay cho nước tẩy trang trong thời gian dài sẽ giúp da bạn trắng sáng, mịn màng. Nhưng sau khi dùng nước vo gạo, bạn phải rửa mặt sạch với nước ấm.

Làm mặt nạ

Ngoài nước vo gạo, bạn cũng có thể dùng cặn của nước vo gạo để đắp mặt sẽ cho kết quả bất ngờ.

Chống lão hóa da


Thường xuyên dùng nước vo gạo rửa tay chân, có tác dụng làm da tươi bóng, đồng thời còn phòng chống được sự lão hóa.

Làm mượt tóc

Nước vo gạo để chua có thể sử dụng làm gội đầu hằng ngày. Do lúc này nước vo gạo đã lên men thành chất axit loãng có tác dụng bảo vệ tóc. Cách này có khả năng lưu giữ hàm lượng dinh dưỡng vitamin A và C giúp tóc óng mượt, vitamin B giúp các tế bào sắc tố màu đen trở nên đen hơn.

Bạn có thể áp dụng cách này 2 lần/ tuần. Mái tóc của bạn sẽ đen óng ả và khỏe mạnh. Bạn có thể không cần để chua mà chỉ cần nhỏ vài giọt chanh vào nước vo gạo, khi gội cũng có tác dụng tương tự.

Làm trắng răng

Sau mỗi lần vo gạo hằng ngày, bạn hãy giữ lại nước gạo để đánh răng, Nó có tác dụng rất tốt trong việc chữa các chứng bệnh liên quan đến răng miệng.

Vì nước vo gạo chứa vitamin PP sẽ làm tẩy sạch các chất dơ đóng quanh chân răng, làm sạch răng bị sâu, chống được chứng viêm nha chu và sát khuẩn, làm giảm mùi hôi ở miệng.

(Theo Thegioisanhdieu)

Cẩn trọng xuất khẩu gạo vì dự trữ không còn nhiều

Ngày 6-12, tại cuộc họp các doanh nghiệp (DN) lương thực diễn ra tại Long An, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VN), lưu ý từ nay đến tháng 1 và 2-2011, DN nên cẩn trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo vì lượng dự trữ không còn nhiều.
 

Theo ông Phong, thời gian tới, giá lương thực trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động. Một số nước dù dự trữ lương thực khá dồi dào vẫn dè dặt chào bán. Vừa qua, nhiều DN trong nước đã phải hủy hợp đồng (1,4 triệu tấn gạo) do lỡ ký nhưng không đủ hàng để giao. Một vấn đề khá bức xúc của ngành gạo là có nhiều DN không đủ năng lực cũng tham gia xuất khẩu khiến thị trường bất ổn. Hy vọng Nghị định 109 quản lý xuất khẩu gạo vừa ban hành sẽ loại bớt số DN này.

Dự kiến xuất khẩu gạo cả năm 2010 đạt 6,7 triệu tấn. Đến hết tháng 11, DN xuất khẩu hơn 6,26 triệu tấn gạo với trị giá 2,67 tỉ USD, tăng 10% về lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Theo Pháp Luật

Indonesia đang làm nóng thị trường gạo châu Á

Sau khi nhập 100 ngàn tấn, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu tiếp 250 ngàn tấn gạo. Kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ nhưng ông này thùa nhận lượng gạo có thể được mua của Thái Lan.
 

Indonesia đã mở thầu gạo và nhập 100000 tấn gạo 5% tấm của Thái Lan. Trong khi đó Cơ quan hậu cần Lương thực Indonesia (Bulog) đang tăng sức ép đối với Việt Nam để giao hàng hết 500 ngàn tấn trong tháng 12/2010.

Mahendra Siregar thư trưởng Bộ Thương mại Indonesia cho biết Chính Phủ cũng đang xem xét khả năng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo. Mức thuế hiện nay là 450 rupiah cho 1 kg gạo nhập khẩu (khoảng 50 USD/tấn). Tin tức mới cho hay Chính phủ Indonesia sẽ bỏ thuế nhập khẩu gạo của Buglog đến tận tháng 2 năm 2011.

Một quan chức cao cấp của Bộ Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa phát biểu rằng Indonesia có kế hoạch nhập khẩu tiếp 250 ngàn tấn gạo. Kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ nhưng ông này thùa nhận lượng gạo có thể được mua của Thái Lan. Lượng gạo này sẽ được nhập cuối năm nay, và tổng lượng gạo nhập trong năm đạt mức 850 ngàn tấn.

Theo Vietstock

Bangladesh mua gạo dài hạn của Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, Bangladesh sẽ ký thỏa thuận dài hạn về việc nhập khẩu gạo của Việt Nam.



Theo đó, Bangladesh sẽ thỏa thuận với Viêt Nam sớm để mua gạo bất cứ lúc nào trong trường hợp có khủng hoảng lương thực hay thiên tai. Khoảng 300.000-500.000 tấn gạo có thể được nhập khẩu theo thỏa thuận này trong năm tới.

Theo thông tin của Bộ Lương thực Bangladesh, nước này đã nhập khẩu 95.000 tấn gạo từ Việt Nam trong năm nay và có thể sẽ nhập 100.000 tấn gạo nữa trong đầu năm tới.

Theo Dân Việt

3/12/10

Giá lúa gạo liên tục tăng

Suốt hai tuần qua, giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng, giá hôm sau cao hơn hôm trước. Trong những ngày đầu tháng 11, giá lúa chất lượng cao ở khu vực dao động từ 4.800 đến 5.000 đồng/kg, tùy loại lúa và tùy độ ẩm, nhưng từ ngày 10/11, giá tăng thêm 200 đồng/kg lên mức 5.200 đồng/kg, rồi 5.350 đồng/kg, và vào ngày 19/11 đạt mức giá 5.500 đồng/kg. Với giá này bà con nông dân cho là mức giá cao kỷ lục. 
 

Thế nhưng, kỷ lục này cũng đã bị phá: ngày 24/11, giá đã vượt qua ngưỡng 6.000 đồng/kg; ngày 25/11: 6.050 đồng/kg; ngày 26/11: 6.150 đồng/kg...

Giá lúa tăng mạnh đã khiến cho nông dân trồng lúa vô cùng phấn khởi, nhưng khi bán rồi thì lại cảm thấy tiếc nuối, nhưng giữ lúa lại chờ giá thì hầu như không người nào dám. Giá đang ở mức cao, hầu hết nông dân khi thu hoạch lúa xong mang về nhà đều bán hết, vì bà con rất sợ giá lúa đang lên "vùn vụt" rồi "bỗng dưng" rớt như hồi vụ đông xuân năm 2008.

Tuy nhiên, giá lúa thu đông năm 2009 hoàn toàn khác với vụ lúa đông xuân 2008 - 2009, vì hơn hai tuần qua giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chu kỳ tăng giá và từ đấy cho đến nay giá tiếp tục tăng đều đặn. Bình quân mỗi ngày tăng thêm 100-150 đồng/kg lúa.

Một nông dân ở phường Long An, thị xã Tân Châu cho biết: "Tôi vừa suốt xong 1,5 ha lúa về nhà, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, thương lái tới nhà trả giá 5.750 đồng/kg lúa (ngày 22/11), thấy giá tốt tôi bán ngay. Nhà bên cạnh suốt sau tôi 2 ngày (24/11) bán với giá 6.000 đồng/kg, và hôm 25/11 em của tôi vừa bán 8,5 tấn lúa với giá 6.050 đồng/kg. Tôi bán lúa trước 3 ngày đã mất 300 đồng/kg lúa".

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Bạc Liêu, dự kiến đợt thầu mở vào ngày 1/12 đối với loại gạo 25% tấm của Philippines sẽ có giá 540 USD/tấn giá (CIF = doanh nghiệp sẽ giao gạo tại cảng Manila và cho trả chậm trong 9 tháng), trị giá FOB khoảng 480-490 USD/tấn. Do vậy, giá lúa trong nước ở mức 6.000- 6.100 đồng/kg là hoàn toàn phù hợp với giá gạo trên thị trường thế giới.

Có thông tin cho rằng, giá lúa trong nước tăng là các doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua gạo vào để đón đợt thầu 600 ngàn tấn gạo của Philippines ngày 1/12 tới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, quy định đấu thầu của Philippines rất nghiêm ngặt, không phải ai muốn tham gia cũng được, một doanh nghiệp muốn dự thầu thì trong quá khứ doanh nghiệp này phải đã ký hợp đồng bán gạo cho Philippines có số lượng trên 50 ngàn tấn/hợp đồng mới được tham gia.

Philippines sẽ mở liên tục 3 gói thầu với số lượng là 1,8 triệu tấn gạo vào các ngày: 1/12 (600 ngàn tấn); 8/12 (600 ngàn tấn) và ngày 15/12 (600 ngàn tấn). Tổng lượng gạo Philippines sẽ gọi thầu trong tháng 12/2009 là 1,8 triệu tấn gạo, cộng với 250 ngàn tấn gạo đã mở thầu, như vậy từ nay tới tháng 4 và tháng 5/2010 nước này sẽ nhập 2,050 triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo 25% tấm. Trong đó, Việt Nam là nước có khả năng thắng thầu cao nhất.

Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu gạo của Thái Lan mới đây đã tuyên bố, trong 3 gói thầu mà Philippines sắp mở, Thái Lan chỉ tham gia đấu thầu khoảng 300.000 tấn gạo. Thái Lan tham gia ít vì họ dự đoán giá gạo thế giới sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, có thể lên 1.000 USD/tấn.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành lương thực Việt Nam cho biết: rất có thể đây chỉ "động tác giả" của Thái Lan, và các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức cẩn thận. Hiện nay, thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến khá phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức thận trọng, làm thế nào để bỏ thầu không bị "hố giá", cũng không quá cao để bị thất thầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện rất hoang mang vì không ai biết được diễn biến giá gạo trên thị trường thế giới sẽ như thế nào vì có quá nhiều ẩn số, và tất cả chỉ là dự đoán!

Giá gạo hiện nay so với giá gạo hồi tháng 9/2009 đã lên 2.000 đồng/kg, và mỗi kho chỉ cần thiếu 1.000 tấn gạo thì doanh nghiệp sẽ mất 2 tỷ đồng. Đây đúng là bài toán đau đầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vì "sai một ly sẽ đi một dặm".

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Sóc Trăng, để tránh thua thiệt, khi ký với Philippines, nên chia ra từng gói nhỏ để ký thăm dò như vậy ít rủi ro hơn, như hồi năm ngoái chúng ta lỡ ký bán với số lượng lớn, khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh chúng ta trở tay không kịp, như vậy rất nguy hiểm, vì nếu lỡ ký bán với số lượng lớn mà giá gạo thế giới tăng cao thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng./. Theo TBKT

Xuất khẩu gạo đầu 2011: mùa được giá

Thị trường xuất khẩu gạo sắp bước vào mùa sôi động khi hàng loạt quốc gia có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn sắp mở thầu. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định: giá gạo sẽ ở mức cao và nhiều khả năng tăng thêm vào đầu năm tới…

Gạo xuất khẩu tăng giá, hy vọng giá lúa cũng tăng theo đem lại lợi ích cho người nông dân.

Nếu như đầu tháng 11 năm ngoái, Philippines chính thức khởi động mở thầu nhập khẩu gạo thì năm nay, dự kiến kế hoạch này chậm lại hơn một tháng.

“3 triệu tấn gạo đông xuân đã có thị trường”

Đánh giá về động thái trên, sáng 30.11, ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2011. Vì theo ông, nội dung chi tiết về kế hoạch mua gạo năm tài khoá 2011 sẽ được chính phủ nước này công bố vào ngày 6.12 tới. Và có thể trong tháng này hoặc chậm nhất là qua đầu tháng 1.2011, họ sẽ mở thầu nhập khẩu khoảng 1,4 – 2 triệu tấn gạo.

Ngoài Philippines, hai thị trường khác là Indonesia và Malaysia cũng hứa hẹn mang lại sự sôi động cho thị trường gạo vào đầu năm tới. Indonesia, sau hai năm nỗ lực tự túc bằng cách tăng cường sản xuất thì đến cuối năm nay, họ cũng nhập hơn nửa triệu tấn gạo và dự kiến nhập thêm khoảng 700.000 tấn trong tháng 1.2010.

Ngoài ra, có dự báo nguồn gạo tồn kho ở Cuba, các quốc gia châu Phi, Trung Đông còn khá thấp cũng khiến họ phải đẩy mạnh việc mua gạo dự trữ.

Có thể nói, nhu cầu nhập khẩu gạo vào các tháng đầu năm 2011 là rất lớn, trong khi đó, do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, mưa bão khiến sản lượng lúa ở nhiều quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu giảm sút.

Đến cuối tháng 10 vừa qua, Thái Lan chính thức thừa nhận vụ mùa chính (đang thu hoạch và kết thúc tháng 3.2011) giảm khoảng 1,6 triệu tấn lúa, từ 23,5 triệu tấn năm ngoái, xuống còn 21,9 triệu tấn và dự kiến năm 2011 chỉ có thể xuất khẩu 8,5 – 9 triệu tấn, thấp hơn 500.000 tấn so năm 2010…

Ấn Độ tuy tồn kho gấp đôi năm ngoái, lên đến hơn 20 triệu tấn, nhưng đứng trước mối lo giá cả tăng cao, lạm phát nên họ phải cân nhắc quyết định tham gia xuất khẩu…

Từ những phân tích nói trên, ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, vào đầu năm tới, trong lúc nhu cầu mua rất lớn thì hầu như chỉ còn Việt Nam là nước duy nhất có khả năng đủ nguồn cung ứng cho thị trường. Philippines, Indonesia hay Malaysia là những thị trường tập trung truyền thống của Việt Nam. Chủng loại gạo họ mua thường là 25% tấm nên chúng ta có nhiều cơ hội bán gạo cho họ. Hơn nữa, các nước này mua gạo từ Việt Nam không chỉ có giá cả cạnh tranh hơn Thái Lan, Pakistan, hay Myanmar mà còn lợi thế về cước vận chuyển rẻ do cự ly gần…

“Tuy các nước chưa mở thầu, nhưng tôi khẳng định hợp đồng xuất khẩu cho toàn bộ sản lượng gạo hàng hoá vụ đông xuân 2011 – khoảng 3 triệu tấn – gần như cơ bản đã có”, ông Huệ tự tin nói như vậy.

Nông dân sẽ có lời cao?

Cho đến cuối tháng 11, lúa gạo hàng hoá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn ổn định mức khá cao: lúa thu đông trên 6.300 đồng/kg, gạo nguyên liệu từ 8.100 – 8.300 đồng/kg. Hiện giá gạo xuất khẩu cũng đang khá tốt, loại 5% tấm khoảng 500 USD/tấn, 25% tấm trên 450 USD, tăng khoảng 10% so với với một tháng trước.

Nhận định về xu hướng giá trong thời gian tới, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA cho rằng, giá gạo sẽ rất khó giảm, vì nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn vào đầu năm sẽ là đòn bẩy để giữ, thậm chí nâng giá cao hơn mức hiện nay. Ngoài yếu tố cung cầu, cơ sở nhận định giá gạo sẽ tiếp tục đứng vững mức cao, theo ông Bảy, còn xuất phát từ nguyên nhân giá thành sản xuất lương thực trên thế giới (bắp, đậu nành, lúa mì…) đã tăng mạnh trong vòng nửa năm nay do tác động từ giá dầu tăng đẩy nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu tăng. Giá thành đầu vào tăng, cộng với những bất ổn về sản lượng đã khiến cho giá hầu hết các mặt hàng lương thực trên thế giới tăng rất mạnh và lúa gạo cũng không nằm ngoài quy luật này.

Còn theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá thành sản xuất lúa vụ đông đông xuân 2010 – 2011 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến hơn 1,6 triệu ha) cũng sẽ cao hơn năm trước. Hiện nay, giá phân bón tăng trung bình trên 30% so với vụ hè thu và đang có xu hướng tăng nữa do ảnh hưởng tỷ giá, lãi suất và giá thế giới tăng.

Tuy nhiên, với việc thị trường đầu ra sáng sủa, giá gạo thế giới dự kiến đứng vững mức cao thì theo VFA, nông dân có thể yên tâm với giá lúa vụ đông xuân sắp tới.

“Chúng ta không phải lo thị trường, lo giá lúa thấp mà cần xuống giống tối đa diện tích, tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng lúa”, ông Phạm Văn Bảy khuyến cáo.

Theo SGTT.VN

Giá gạo thế giới có thể tăng gấp 3 trong 18 tháng tới

Nếu khả năng này xảy ra, giá gạo sẽ vượt mức đỉnh cao vào thời kỳ khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008 đã gây ra nhiều bất ổn xã hội.
 

Theo tổ chức quản lý tài sản Duxton Asset Management Pte, giá gạo, loại thực phẩm thiết yếu đối với hơn 3 tỷ người trên thế giới, sẽ có thể tăng gấp 3 trong 10 tháng tới bởi nguồn cung hạn chế do lũ lụt tại Thái Lan và nhu cầu gạo tăng cao.

Ông Ed Peter, giám đốc điều hành của Duxton Asset Management, cho rằng: “Mức tăng của giá vàng sẽ cao hơn nhiều so với cổ phiếu.”

Ngân hàng Deutsche Bank AG năm 19% cổ phần của Duxton Asset Management.

Như vậy, nếu dự báo của ông Peter trở thành sự thật, giá gạo sẽ lên vượt mức đỉnh cao vào thời kỳ khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008 đã gây ra nhiều bất ổn xã hội.

Ông Kiattisak Kanlayasirivat, chuyên gia tại tổ chức Novel Commodities SA chuyên giao dịch gạo, cho rằng nông dân sẽ có thể trồng gạo nhanh chóng ngay khi lũ lụt giảm bớt.

Ông cho rằng: “Việc giá gạo tăng từ 10 đến 20% đã quá nhiều chứ không nói đến việc tăng gấp đôi hay gấp ba.” Quỹ của ông giao dịch khoảng 1,5 triệu tấn gạo/năm.

Gạo thái trắng loại B 100% vào tháng 5/2008 giao dịch ở mức 1.038USD/tấn. Tuần trước, giá loại gạo này là 551USD/tấn, cao hơn 15% so với cuối tháng 6/2010.

Theo CAFEF.VN

20/11/10

Tại sao gạo Việt Nam chưa phổ biến ở Úc?

Trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì ở nơi góc bếp hàng ngày của cộng đồng người Việt định cư ở Úc từ hơn ba thập niên qua hầu như không có sản phẩm gạo nhập từ quê hương. Vì sao?
 Bao giờ thì gạo Việt đến với cộng đồng gốc Việt ở các nước tiên tiến như Úc nhiều hơn? Ảnh nhỏ bên trái: Gạo Thái bán tại cửa hiệu tạp hóa ở Melbourne cũng có dòng chữ Việt ‘Gạo nếp thượng hạng’. 

Gạo Việt thiên về lượng hơn chất?

Trong cuộc trao đổi với Bay Vút vào đầu tháng 11-2010, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp và cựu Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, thừa nhận tuy Việt Nam là quốc gia sản xuất gạo nhiều vào hàng thứ nhì thế giới nhưng gạo Việt chưa thể xâm nhập được vào thị trường các quốc gia tiên tiến, phát triển cao như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp .... Gạo Việt được bán chủ yếu cho Philippines, Malaysia và các nước Châu Phi, tức những nơi không cần gạo có chất lượng cao.

Từ giới tiêu thụ cho tới chuyên gia nông học hoặc người kinh doanh, buôn bán và nhập khẩu mặt hàng gạo từ Việt Nam đều thừa nhận lý do khiến gạo Việt gặp trở ngại tiêu thụ ở thị trường các nước tiên tiến là bởi có vấn đề về ‘chất lượng’ (không dẻo, thơm và đồng nhất như gạo Thái Lan).

Ông Trần Hữu Hòa, Giám đốc Thương mại Triple H, công ty chuyên nhập khẩu một số hàng hóa như hải sản, lương thực thực phẩm, trong đó có gạo, từ Việt Nam sang Úc phát biểu: “Bốc một nắm gạo Thái lên xem thì trăm hột như một. Trong khi đó gạo Việt thì hột trong, hột đục, hột dài, hột ngắn, hột mập, hột ốm. Đó là về hình thức. Về chất lượng thì trong 100 hột có 60 hột dẻo, 40 hột không dẻo bằng.”

Giải thích rõ hơn về vấn đề chất lượng, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho Bay Vút biết trong khi nông dân Thái Lan chỉ trồng giống lúa cho ra loại gạo thơm và ngon thì nông dân Việt trồng ‘hằng hà sa số’ loại lúa khác nhau và chất lượng cũng không đạt chuẩn bằng gạo Thái.

Giáo sư Xuân cho biết chính phủ Thái Lan có chính sách rất rõ ràng và minh bạch. Họ mua toàn bộ lúa ‘rặc’, tức lúa đồng nhất và chất lượng cao do nông dân làm ra và kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong suốt quá trình trồng và thu hoạch. Ở Thái Lan, ai trồng không đảm bảo chất lượng thì chính phủ không thu mua. Công nghệ xay xát gạo của Thái lại tốt hơn của Việt Nam rất nhiều. Từ đó, gạo Thái rất có uy tín và độc chiếm thị trường thế giới từ rất nhiều năm qua.

Đặc điểm của nông dân Việt là họ chỉ trồng những giống lúa nào cho sản lượng cao, từ 6, 7, 8 cho tới thậm chí 9 hoặc 9 tấn rưỡi/héc ta. Trong khi đó, nông dân Thái chỉ trồng loại lúa nào cho ra gạo ngon, thơm chứ họ không lưu tâm tới sản lượng. Vì là loại lúa ngon nên năng suất của các giống lúa Thái không cao, chỉ khoảng 3 tấn/héc ta.

Thời gian trồng những giống lúa ở Thái cũng dài hơn giống lúa của Việt Nam khá nhiều: trong khi mọi giống lúa của Việt Nam chỉ thu hoạch trong vòng chưa tới 100 ngày thì giống lúa Thái Lan từ 120 tới 140 ngày.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay một lý do khác khiến Việt Nam không trồng lúa năng suất thấp vì diện tích trồng lúa chỉ vỏn vẹn từ 3.8 triệu tới 4 triệu héc ta. Trong khi đó Thái Lan có diện tích trồng lúa tới 10.2 triệu héc ta, rộng gầp hơn hai lần rưỡi so với Việt Nam.

Quá trình thu mua lúa gạo tại Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết “việc thu mua gạo ở Việt Nam phải qua nhiều trung gian và thủ tục nhập nhằng, tạo ra rất nhiều bất công và thiệt thòi cho người nông dân”.

Tìm gạo Việt ở Úc

Một thực tế là tại những cửa hàng thực phẩm ở những khu thương mại tập trung đông người Việt nhất ở Melbourne, Sydney, Adelaide, Queensland… gạo Việt gần như hoàn toàn vắng bóng ! Nhiều chủ tiệm cho hay họ không thể nhập gạo Việt vào cửa hàng vì lý do “không có khách”. Riêng gạo ‘bản xứ’ Úc thì gần như không thuyết phục nổi khẩu vị của người Á châu, trong đó có người Việt.

Thương gia Trần Hữu Hòa cho biết gạo Việt do công ty Triple H của ông nhập từ tỉnh Tiền Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sang tới Úc chỉ bán được ở vài vùng có đông người Việt như Foostcray, Richmond ... và mỗi vùng chỉ có một tiệm duy nhất và “số bán ra cũng không nhiều”.

Trên khía cạnh kinh doanh, ông Hòa cho hay trong khi người nhập gạo Thái được ‘gối đầu’ thì công ty ông không được hưởng ưu đãi này khi nhâp gạo Việt. Các công ty xuất khẩu của Thái Lan có tiềm lực ‘trường vốn’ và gạo lại là mặt hàng bán chạy nên họ sẵn sàng cho khách hàng, tức người nhập khẩu, hoãn trả tiền một phần hoặc toàn phần và cứ đến đợt hàng kế tiếp mới thu tiền đợt cũ. Trong khi đó công ty nhập gạo Việt phải thanh toán ngay cho mỗi đợt hàng nhập từ Việt Nam.

Chị Trần Lê Nhi, cư dân vùng Springvale, một trong các tụ điểm chính của người Việt ở tiểu bang Victoria, cho biết đã có lần chị đã mua và ăn thử gạo Việt thì thấy gạo Việt không dẻo bằng gạo Thái.

Tuy nhiên vì khẩu vị của gia đình chị Nhi là không thích ăn gạo dẻo mà chỉ muốn ăn gạo rời và cũng vì muốn ủng hộ hạt gạo từ quê hương nên chị vẫn mua gạo Việt. Gần đây, chị Nhi cho hay gia đình đã quay trở lại dùng gạo Thái vì phát hiện trong bao gạo Việt có sạn.

Ông Lê Huy, phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc Châu cho biết qua kinh nghiệm từ công ty nhập khẩu thực phẩm mà ông làm chủ, thì “khi nhập khẩu gạo của Thái chúng tôi an tâm hơn vì gạo Thái dễ dàng vượt qua tiêu chuẩn kiểm dịch gạo nhập từ nước ngoài của Úc.
Ông Lê Huy cũng thừa nhận số lượng gạo nhập từ Việt Nam vào Úc rất ít và chỉ “chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất như mì, bún, bánh phở hoặc để sản xuất cho gia súc ăn chứ ít khi bán ra thị trường.”

Trong vấn đề nhập khẩu, gạo Việt còn gặp bất lợi về giá vận chuyển. Trong khi giá cước một container 20 feet, chứa từ 8 tới 10 tấn gạo, xuất phát từ Việt Nam là 1500 đô la thì gạo Thái chỉ khoảng từ 1200 tới 1300 đô la.

Một lý do khác khiến nhiều người ngần ngại kinh doanh mặt hàng gạo từ Việt Nam là chuyện nhiều người cung cấp bên Việt Nam chưa ý thức được dịch vụ hỗ trợ thương gia sau khi giao hàng. Ví dụ như nếu gặp đợt hàng giao chưa đúng quy định (như tỷ lệ hột gạo bị gẫy hoặc vỡ quá nhiều, gạo bị pha trộn nhiều...) thì theo nguyên tắc người cung cấp phía Việt Nam có trách nhiệm phải giảm giá hoặc bù trừ cho đợt hàng kế tiếp. Tuy nhiên, việc đền bù hoặc xử lý này thường khó khăn và nhiều khi ‘tranh cãi’ kéo dài không có hồi kết.

Vì nhiều lý do vừa nêu, việc đưa gạo Việt sang Úc gặp nhiều truân chuyên. Ông Hòa cho hay cách nay khoảng 7 năm, một số người đã thử nhập gạo Việt vào bán tại Úc lần đầu tiên nhưng cuối cùng bị thua lỗ. Mãi tới hôm nay đường đi của gạo Việt đến Úc vẫn còn trong giai đoạn chập chững, thăm dò. Ông Hòa cho hay trước đây gạo do công ty ông bán tại Úc có tên ‘Hương Lài’ nhưng kể từ tháng 11-2010 đã đổi tên thành gạo ‘Sài Gòn’ để “người mua biết đây là gạo Việt và mong sao họ ủng hộ sản phẩm từ quê nhà.”

Vẫn hy vọng
Dù sao đi nữa, vẫn có nhà kinh doanh tìm cách đưa gạo Việt sang thị trường Úc dù hạt gạo nước này rõ ràng ‘thất thế’ nhiều so với gạo từ nước láng giềng Thái Lan.

Thương gia Trần Hữu Hòa khẳng định “ưu điểm lớn nhất của gạo Việt là giá rất rẻ”. Mỗi bao gạo Việt (25 ký) rẻ hơn bao gạo Thái khoảng 10 đô la. Trong khi gạo Thái giá từ 45 tới 50 đô la/bao thì gạo Việt chỉ khoảng 38 đô/bao. Ông Hòa cũng cho hay gạo Việt ‘lợi cơm’ (nở nhiều hơn khi nấu chín) so với gạo Thái.

Dầu vậy, có lẽ còn rất lâu vị trí độc chiếm thị trường của gạo Thái mới bị lung lay bởi gạo Việt.

Nhìn chung, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, có lẽ còn phải rất lâu gạo Việt mới có thể có mặt tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Úc.
Như Mai 

12/11/10

Hội nghị Lúa gạo Quốc tế và vấn đề an ninh lương thực

Sen Lam  

Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ 3 đã khai mạc ở Hà Nội vào ngày 9/11 với sự tham dự của 1.700 nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và đại diện ngành công nghiệp gạo từ hơn 60 quốc gia.
 
 Một cánh đồng trồng lúa tại Úc. Gạo là lương thực chính của khoảng hơn ba tỷ người, tức phân nửa dân số thế giới. (ABC)

Tại hội nghị, các diễn giả kêu gọi thế giới cần mau chóng hành động để cải thiện cách thức canh tác kém hiệu quả hiện nay giúp nâng cao năng suất.
Cải thiện và nâng cao sản lượng gạo

Tiến sĩ Robert Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), trụ sở ở Manila, Philippines, cho biết nâng cao sản lượng gạo là nhiệm vụ rất khẩn thiết. Theo ông, nếu không hành động ngay thì trong vài thập niên tới nhân loại sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một minh chứng rõ ràng về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lúa gạo. Trước đây trong suốt nhiều năm, thế giới đã không chú ý nhiều vào việc đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, nghiên cứu và mở rộng mạng lưới toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, kinh tế. Hậu quả của chuyện này là vào năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bùng nổ.

Theo Tiến sĩ Zeigler, điều quan trọng là phải cải thiện hiệu năng của việc trồng trọt và xem xét các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay. Hàng triệu nông dân đang trồng lúa trên những cánh đồng nhỏ hẹp. Những người chỉ có vài sào hoặc một héc-ta đất sẽ không thể nào có được một cuộc sống tươm tất. Do đó, nhiệm vụ của các chuyên gia và giới chức trách là phải tìm ra được kỹ thuật tốt nhất để những nông dân này có thể áp dụng nhằm nâng cao năng suất trồng trọt cũng như cải thiện đời sống của chính họ.

Bên cạnh đó, cơ cấu hạ tầng ở nông thôn cũng phải được quan tâm đúng mức, các hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế phải diễn ra minh bạch và có hiệu quả.

Nhìn về tương lai, ông Zeigler cho biết nếu ngay từ bây giờ thế giới đầu tư thích đáng cho nông nghiệp thì các thế hệ sắp tới sẽ có đủ lúa gạo để ăn.
Thành tích của Việt Nam

Tiến sĩ Zeigler nhận định: “Trong thập niên 1980, Việt Nam đã thực hiện một quyết định chiến lược và nhờ thế Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp gạo cho nhiều nước trên thế giới từ vị thế một nước nhập khẩu gạo. Với tư cách là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn vào hàng thứ nhì thế giới, Việt Nam nay đã có thể chuyển đổi hoàn toàn ngành công nghiệp lúa gạo, chính sách sản xuất cũng như hạ tầng cơ sở. Trong lĩnh vực lúa gạo, Việt Nam là một khuôn mẫu để các quốc gia khác noi theo.

Nhìn chung, những phương cách mà Việt Nam đang áp dụng trong ngành công nghiệp lúa gạo có tính bền vững. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Zeigler, Việt Nam cũng cần giải quyết một số vấn đề như quản lý mùa màng, nông phẩm. Thêm vào đó, Việt Nam phải đương đầu với tình trạng thay đổi khí hậu quan trọng. Hai vùng trồng lúa nhiều nhất ở Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và châu thổ sông Hồng là những nơi rất dễ bị ngập lụt vì mực nước biển dâng cao hoặc bão tố.
 

3/11/10

Khủng hoảng lương thực đang đe dọa toàn thế giới

Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc tháng trước tăng 5%, hiện nay đang ở mức cao trong 2 năm qua. Trong nửa năm qua, giá lúa mì và ngô thế giới tăng 57%, giá gạo và giá đường ăn lần lượt tăng 45% và 55%; giá đậu tương hiện nay đang ở mức cao nhất trong 16 tháng. Tình trạng này có thể gây bất ổn ở nhiều nước, trong khi các nhà khoa học dự báo hạn hán và lũ lụt đang lan rộng.
 

Giá lương thực tăng mạnh

Gần đây, giá lương thực không ngừng tăng. Giá các sản phẩm lương thực chính và giá các loại rau đã lập mức cao mới trong 2 năm qua, trong khi các nhà khoa học dự báo sẽ xảy ra hạn hán và lũ lụt trên diện rộng.

Lương thực Pakistan và Nga trong năm nay thất thu nghiêm trọng, tuy nhiên nhìn chung kho dự trữ lương thực của các nước này vẫn đảm bảo yêu cầu. Mặc dù vậy, giá đường và giá gạo vẫn lập kỷ lục ở mức cao trong lịch sử.

Tờ Reuters cho biết về chỉ số giá hàng hóa, gần đây, giá lúa mì và giá ngô toàn cầu trong vài tuần qua đã tăng lên gần 30%; giá thịt hiện nay cũng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuần trước Mỹ dự báo, sản lượng lúa mì thế giới sẽ giảm 30 triệu tấn so với năm ngoái, giảm 5,5%. Trong khi đó, giá cà chua của Ai Cập, giá tỏi của Trung Quốc và giá bánh mỳ của Pakistan đều đã gần ở mức cao trong lịch sử.

Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc cho biết: “Từ tháng 9, tình hình ngày càng trở nên xấu hơn. Trong vài tuần qua, tình hình này cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thực trạng giống năm 2008”. Ông cũng cho biết: “Giá lương thực có thể không đạt được mức năm 2008, tuy nhiên thời gian giá lương thực ở mức cao sẽ có thể lâu hơn”.

Biến động thị trường xảy ra liên tiếp trong 5 năm

Cố vấn chính sách lương thực Oxfam cho biết: “ Khủng hoảng lương thực quy mô tương đương với 2 năm trước chưa có khả năng xảy ra nhưng nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng năm 2008 vẫn còn tồn tại”.

Các nhà phân tích cho biết, khả năng xảy ra là rất lớn, đặc biệt là hiện nay giá dầu tăng mạnh, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng xấu như lũ lụt ở Pakistan và trận cháy rừng kinh hoàng của Nga hay tình trạng đầu cơ đang diễn ra sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường lương thực toàn cầu.

Thống đốc ngân hàng Thế giới Robert Zoellick bày tỏ: “ Chúng ta ngày càng lo ngại những bất ổn thị trường lương thực, những nhân tố không xác định sẽ vẫn cứ tiếp diễn. Gần đây, giá ngũ cốc tăng mạnh lại càng tăng thêm những lo lắng này".

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới cho biết, tình hình bất ổn trong giá cả lương thực vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng 5 năm.

Nhiều nước lo lắng tình trạng thiếu lương thực trong năm tới

Đứng trước tình trạng giá lương thực tăng như vậy, sự phẫn nộ của công chúng ngày càng tăng cao. Một năm qua, giá lương thực của Ai Cập tăng 21%, Ấn Độ 17%, các quốc gia khác cũng tăng tương tự. Giá lương thực của Anh trong 3 năm qua tăng 22%. Chính phủ các nước Kenya, Uganda, Nigeria, Indonesia, Brazil và Philippin đều đưa ra lời cảnh báo: Do năm 2010 xảy ra hạn hán và lũ lụt đúng như dự báo, trong năm tới khí hậu sẽ tồi tệ hơn, hơn nữa các doanh nghiệp thương mại tiến hành đầu cơ cất trữ lương thực đợi giá lương thực tăng sẽ trào ra nên khả năng năm tới sẽ xuất hiện tình trạng thiếu lương thực.

Giá lương thực các nước trên thế giới không đạt được mức năm 2008, nhưng chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc tháng trước tăng 5%, hiện nay đang ở mức cao trong 2 năm qua. Trong nửa năm qua, giá lúa mì và ngô Thế giới tăng 57%, giá gạo và giá đường ăn lần lượt tăng 45% và 55%. Giá đậu tương hiện nay đang ở mức cao nhất trong 16 tháng qua.

Đặc phái viên quyền tiếp cận lợi lương thực Liên Hiệp Quốc Olivier de Schutter cho biết dưới sự ảnh hưởng chung do môi trường xuống cấp, tiến trình đô thị hóa, các nhà đầu cơ nước ngoài mua đất đai với số lượng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học, đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm.

Tổ chức vận động phát triển Thế giới tại Luân Đôn cảnh báo, quỹ Hedge - quỹ hưu trí và các ngân hàng đầu tư tiến hành đầu cơ lương thực có thể sẽ thúc đẩy giá lương thực tăng lên. Ủy ban giao dịch hàng hóa Mỹ cho biết, mùa hè năm nay các nhà đầu cơ đã mua hợp đồng đặt hàng khoảng 40 triệu tấn ngô và 6 triệu tấn lúa mì tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago.

Theo Stockbiz.vn

Chóng mặt vì nhiều mặt hàng tăng giá cuối năm

Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu bình ổn giá cả những tháng cuối năm, tuy nhiên thị trường thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu vẫn tăng giá khiến các bà nội trợ không khỏi lo lắng. 
 
 
Chóng mặt vì giá

Chị Mai - nhà ở phố Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở, bình thường đi chợ chỉ khoảng 50.000 đồng là có thể đủ cho cả nhà ăn. Nay bữa nào đi chợ cũng phải mất trên dưới 100.000 đồng, trong khi đó đồng lương vẫn dậm chân tại chỗ đã khiến cuộc sống gia đình khá chật vật.

Cùng chung quan điểm với chị Mai, chị Vân ở làng Mễ Trì, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, đi chợ bây giờ cứ như bị... móc túi. Giá rau xanh, giá thịt, dầu ăn, đường sữa đua nhau tăng giá nghĩ mà sợ.

Theo khảo sát của chúng tôi những ngày qua tại nhiều chợ lớn của Hà Nội như Nghĩa Tân, Hà Đông, Chợ Xanh… giá các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng cao nhất với mức tăng phổ biến từ 10- 20% tùy từng mặt hàng.

Giá các loại thịt lợn 3 ngày nay tăng đột biến và tăng mỗi ngày một giá. 1 kg thị dọi trước chỉ có giá 55.000 đồng giờ lên tới 65.000 đồng/kg, thịt thăn tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Thịt bò tăng từ 12.000đ/lạng lên 14.000 đồng/lạng. Nhóm hàng hải sản tăng thêm 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Các loại rau xanh có mức giá tăng cao nhất. Bắp cải trước đây là 8.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 12.000 -13.000 đồng/kg; rau muống trước đây 2.000 đồng bây giờ 4.000 đồng/mớ .

Giá gạo cũng không thua kém khi tăng khoảng 10%. Anh Bình - chủ cửa hàng gạo ở chợ Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gạo Bắc Hương hiện có giá bán 15.000 đồng/kg, Tám thái 25.000 đồng/kg, Tám sữa 20.000 đồng/kg, Tám Hải Hậu 15.000 đồng/kg và Xi dẻo 12.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ cửa hàng gạo, giá gạo tăng là do đợt lũ tại Miền Trung nên không chuyển ra được.

Tại một số siêu thị như Intimex, Big C và cả các cửa hàng hợp tác huyện ngoại thành, giá các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả, dầu ăn... cũng tăng cao hơn.

Giải mã nguyên nhân

Theo số liệu công bố ngày 23/10 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung. Nhóm giáo dục tiếp tục dẫn đầu tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất là 3,9%. Tiếp đến là hai nhóm có mức tăng trên 1% gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%, trong đó lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 1,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%; Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,04%.

Các nhóm có mức tăng dưới 1% gồm đồ uống và thuốc lá; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa giải trí và du lịch. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục nhiều tháng liên tiếp giảm 0,07%.

Ngày 27/10 vừa qua, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức cuộc họp tìm biện pháp ghìm giá do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì. Đánh giá về thị trường hàng hóa tháng 10/2010, Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, do đang vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất, chuẩn bị cho các dịp lễ, tết đã bắt đầu gia tăng, cùng với giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng tăng hoặc tiếp tục duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến mặt bằng giá một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường như phân bón, lương thực, gas, đường.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân đẩy CPI tháng 10 tăng cao, đó là do vừa qua DN tăng cường thu mua gạo xuất khẩu, đẩy giá gạo trong nước lên, vì thế CPI nhóm lương thực đã tăng 1,89%. Trận lũ lụt tại miền Trung vừa qua gây ra khan hiếm hàng hóa tại khu vực này. Giá thịt lợn tại một số địa phương đã hồi phục sau dịch heo tai xanh làm tác động tăng CPI nhóm lương thực tăng lên 1,22%. Lộ trình tăng học phí của các trường dân lập vẫn tiếp tục nên CPI nhóm giáo dục vẫn tiếp tục cao, gần 4%. Tỉ giá ngoại tệ trong tháng tăng mạnh, tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu và lan sang các mặt hàng tiêu dùng.

Như vậy, mục tiêu kiềm chế thành công CPI cả năm dưới 2 con số đang là một bài toán rất khó. Qua báo cáo về các mặt hàng cho thấy, có một số nhóm hàng giá cả tương đối ổn định, tuy nhiên một số mặt hàng như đường, phân bón nếu không nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thì có khả năng sinh thiếu hàng. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tổ điều hành nhận định, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa còn chịu tác động của các yếu tố cầu kéo do nhu cầu hàng hóa tăng cao theo quy luật những tháng cuối năm (nhu cầu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu) và do yếu tố chi phí đẩy khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu và tỉ giá có xu hướng biến động cao hơn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về kỳ vọng lạm phát trước diễn biến CPI và giá vàng tăng mạnh sẽ gây tác động tới tâm lý tăng giá trên thị trường nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt.

Theo Giao thông vận tải

Tiếp tục tăng giá gạo xuất khẩu

TT - Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa nâng giá sàn xuất khẩu gạo của VN thêm 20 USD/tấn, áp dụng đối với đơn hàng giao từ nay đến tháng 10-2010. 
 
 
So với lần nâng giá gần đây nhất, giá sàn xuất khẩu gạo từ 450 USD/tấn tăng lên 475 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 410 USD/tấn lên 435 USD/tấn. Như vậy, đây là lần thứ 4 trong vòng hơn một tháng qua VFA nâng giá sàn xuất khẩu gạo với tổng mức tăng 75 USD/tấn. So với thời điểm thấp nhất, giá gạo VN đã tăng khoảng 140 USD/tấn.

Theo VFA, tính đến ngày 10-9 xuất khẩu gạo VN đạt trên 4,96 triệu tấn, kim ngạch 2,11 tỉ USD.

Theo tuoitre

Giá gạo mới chỉ bắt đầu tăng

Tại hội thảo mới đây ở Singapore, ông Milo Hamilton, chủ tịch dịch vụ tư vấn thị trường gạo - Firstgrain.com, dự báo giá gạo có thể tăng thêm 36% do lo ngại sản lượng của Mỹ giảm hơn dự báo. Theo ông, xu hướng giá tăng mới chỉ bắt đầu.Nguồn tin Bloomberg dẫn lời của ông cho rằng từ mức 13,46 USD/100 lb hiện nay, giá gạo có thể tăng lên mức 18 USD/100 lb. 
 

Mức nước ở sông Mêkông giảm có thể làm giảm năng suất ở Thái lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, và lũ lụt ở Pakistan càng làm thị trường gạo thêm căng thẳng.

Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể mua khoảng 500.000 đến 600.000 tấn gạo vào giữa tháng 12, trong khi Indonexia có thể mua 850.000 tấn gạo trong năm marketing 2010- 2011.

Ngày 8/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng gạo Mỹ xuống 7,567 triệu tấn, so với 7,975 triệu tấn dự báo một tháng trước đó, do năn gsuấtg giảm. Dự kiến Mỹ sẽ vượt Pakistan trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới trong năm nay.

(Vinanet)

VN tham gia Nghị định thư về đối xử đặc biệt với gạo và đường

(Dân trí) - Ngày 28/10, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN kết thúc với 2 văn kiện quan trọng được ký gồm: Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ và Nghị định thư sửa đổi về đối xử đặc biệt với gạo và đường.
 
Việc Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư góp phần khẳng định nỗ lực và sự tích cực của ta trong tiến trình hội nhập khu vực 

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4/2010) đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiến trình hiện thực hóa AEC vào năm 2015. Hiệp định về Thương mại hàng hóa ASEAN đã bắt đầu có hiệu lực vào 17/5/2010 và trở thành một công cụ pháp lý toàn diện với hàng loạt các biện pháp hướng tới sự lưu chuyển hàng hóa tự do hơn trong ASEAN.

Đáng chú ý, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký 2 văn kiện quan trọng gồm: Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ và Nghị định thư sửa đổi về đối xử đặc biệt với gạo và đường.

Gói cam kết dịch vụ ASEAN lần thứ 8 lần này đưa ra lịch trình tự do hóa đối với 15 phân ngành mới với tỷ lệ vốn góp nước ngoài tối đa là 70% với 4 ngành dịch vụ ưu tiên trong ASEAN (gồm dịch vụ y tế, du lịch, e-ASEAN, vận tải hàng không và dịch vụ tiếp vận) và thấp nhất là 51% đối với các lĩnh vực dịch vụ khác.

Việc ký kết Nghị định thư khẳng định quyết tâm của ASEAN với mục tiêu tự do hóa dịch vụ nội khối thông qua xóa bỏ hầu hết các rào cản dịch vụ, với mức độ cam kết cao hơn cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác để thúc đẩy liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp trong ASEAN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN

Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ nội khối ASEAN được các Quốc gia Thành viên ASEAN tiến hành trên cơ sở Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN (AFAS) ký năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi AFAS ký năm 2003. Theo mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Tổng thể về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nước ASEAN sẽ tiến hành đàm phán 11 Gói cam kết cho đến năm 2015. Đối với mỗi Gói cam kết, các nước sẽ ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết và xây dựng Biểu cam kết dịch vụ của mình đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho Gói cam kết đó.

Việc các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) thể hiện một bước tiến quan trọng trong tiến trình tự do hóa ngành dịch vụ trong ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Năm 2007, Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường được ký kết trong khuôn khổ Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) nhằm mục đích cho phép một nước thành viên được miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan quy định tại Hiệp định CEPT đối với hai mặt hàng là Gạo và Đường. Cho đến nay, hai nước là Indonesia và Philippines đã áp dụng Nghị định thư này.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (tháng 2/2009 tại Thái Lan), các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thay thế cho Hiệp định CEPT/AFTA và các Hiệp định liên quan. Do Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường năm 2007 được dẫn chiếu đến Hiệp định CEPT/AFTA nên sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, các nước nhất trí sẽ đàm phán và ký kết Nghị định thư sửa đổi nhằm thay đổi nguồn dẫn chiếu các quy định trong Nghị định thư từ Hiệp định CEPT/AFTA sang Hiệp định ATIGA.

Được xây dựng với sự tham gia của 10 Quốc gia Thành viên ASEAN, Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường trong ASEAN đã góp phần giải quyết vấn đề thủ tục, mang tính kỹ thuật và rà soát pháp lý mà các nước ASEAN buộc phải thực hiện khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực.

Việc Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư góp phần khẳng định nỗ lực và sự tích cực của ta trong tiến trình hội nhập khu vực đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam được yêu cầu miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan về hai mặt hàng Gạo và Đường trong ASEAN trong trường hợp cần thiết.

Phan Anh

10/10/10

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã bằng giá gạo Thái Lan

Tại cuộc họp báo được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/9, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết đến ngày 15/9, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt hơn 2 tỷ USD, trị giá CIF đạt gần 2,4 tỷ USD, giá bình quân là 424,24 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2009, về số lượng tăng gần 6%, về trị giá FOB tăng hơn 10%, về trị giá CIF tăng hơn 9%, giá xuất khẩu bình quân tăng 16,64 USD/tấn. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng giá với gạo các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan. 
 

Ngày 15/9, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tăng giá xuất khẩu gạo thêm 25 USD/tấn so với trước. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu có giá 475 USD/tấn (thay cho 450 USD/tấn), gạo 25% tấm giá 435 USD/tấn (thay cho 410 USD/tấn). Mức giá trên áp dụng cho những lô hàng giao trước tháng 10/2010.

Trong hơn một tháng, VFA đã có 4 lần điều chỉnh giá gạo xuất khẩu với mức tăng tổng cộng 65-75 USD/tấn. Việc tăng giá gạo do nhu cầu thế giới tăng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, dịch bệnh liên tục xảy ra nhưng sản xuất lúa năm 2010 dự kiến đảm bảo kế hoạch với sản lượng khoảng 39 triệu tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt sản lượng 21,3 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2009.

Về tình hình thị trường, kể từ cuối tháng Bảy vừa qua, giá gạo nội địa tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh một phần do việc triển khai chủ trương thu mua tạm trữ đã phát huy hiệu quả, một phần do yếu tố tâm lý trước hiện tượng xuất khẩu gạo qua đường biên mậu và tình hình thiên tai dồn dập tại một số nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu lương thực.

Giá gạo bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng Tám vừa qua, việc duy trì giá sàn xuất khẩu được thực hiện để giãn bớt tiến độ đăng ký hợp đồng phù hợp với năng lực cung ứng lúa gạo hàng hóa xuất khẩu.

Theo vinanet

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, công tác điều hành xuất khẩu gạo năm nay được thực hiện tốt, Việt Nam không những duy trì được các thị trường truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới và tăng cường giao dịch thương mại.

Hiện tại, nhu cầu gạo Việt Nam trên thị trường rất lớn. Gạo Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đối tác truyền thống như Malaysia, Indonesia, Cuba, Iraq và sau nhiều năm gián đoạn, đã có mặt với số lượng đáng kể tại thị trường Bangladesh. Gạo thơm và gạo 5% tấm của Việt Nam khẳng định được chỗ đứng tại Châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên và ông Trương Thanh Phong đều cho biết tình hình cung-cầu lương thực thế giới từ nay đến cuối năm 2010, đầu năm 2011 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp của Hiệp hội đã triển khai thu mua tạm trữ, nhập kho được gần 966.490 tấn gạo, đạt gần 97% kế hoạch dự kiến. Các cơ quan liên quan đang tính toán lượng gạo tồn kho, dự trữ gối đầu cho năm tới và nhu cầu tiêu dùng trong nước cân đối với lượng lúa gạo được sản xuất trong nước để điều hành xuất khẩu.

Trong 15 ngày cuối tháng Chín, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm khoảng 300.000-400.000 tấn gạo. Nhưng trong quý IV chưa thể đưa ra được số lượng gạo xuất khẩu tuyệt đối và cũng không đưa ra chỉ tiêu “cứng” mà sẽ tùy tình hình cụ thể để điều hành.

Các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thống nhất về định hướng phải giữ lá lúa tốt theo hướng có lợi cho người trồng lúa, tiêu thụ hết gạo hàng hóa trên thị trường; bảo đảm kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu quả; đồng thời chủ động can thiệp bình ổn thị trường khi có biến động giá.
Việc điều hành xuất khẩu được thực hiện linh hoạt, theo sát giá cả thế giới, giá trong nước và cân đối nhu cầu thị trường trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, không để giá gạo tăng đột biến, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

TT - Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ngô lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại và nạn hạn hán của Nga đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì người ta tính toán. Nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2011 đang hiện hữu. Ngân hàng Uralsib (Nga) cho biết khoảng 50% lượng khoai tây của nước này đã bị mất mùa và khủng hoảng lúa mì sẽ kéo dài tới năm sau. Giá lúa mì đã tăng khoảng 70% từ tháng 6-2010, lên 7,30 USD/giạ (đơn vị đo lường thể tích khoảng 36 lít) do hạn hán nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua đang diễn ra ở khu vực biển Đen - nơi cung cấp 25% sản lượng xuất khẩu lúa mì thế giới. 


“Chúng tôi đã hi vọng mọi việc sẽ bình ổn vào tháng 9 nhưng nay chưa thấy dấu hiệu đó mà còn có nhiều loại hàng hóa khác cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng” - Abdolreza Abbassanian, một quan chức tại Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, cho biết.

Liên Hiệp Quốc lo ngại việc giá lương thực vọt lên như từng diễn ra năm 2008 khiến thế giới xảy ra vụ bạo động liên quan tới lương thực.

Giá lúa mì hiện vẫn thấp hơn nhiều so với giá đỉnh điểm 13 USD/giạ khi đó, và nguồn dự trữ toàn cầu vẫn ở mức an toàn. Tuy nhiên, tình hình tương lai không mấy sáng sủa.

“Chưa phải là khủng hoảng nhưng mọi thứ đang bấp bênh. Nếu có thêm một mùa thất thu nữa ở Nga và Ukraine, lương thực toàn cầu sẽ bị sốc, và rồi tin xấu sẽ tới” - ông Abdolreza Abbassanian nói.

Chris Weafer, nhà kinh tế chính của Ngân hàng Uralsib, cho biết mùa lúa mì của Nga sẽ chỉ đạt gần 60 triệu tấn năm nay, thấp hơn so với mức tiêu thụ hằng năm là 75 triệu tấn ở nước này.

“Chúng tôi nghĩ Nga sẽ phải nhập khẩu vào năm tới”. Chính quyền Nga đã cấm xuất khẩu lúa mì cho tới cuối năm 2011, nhưng dù vậy khả năng nước này phải nhập lúa mì là rất cao. Ngô cũng đang thiếu trên toàn cầu vì nguồn dự trữ lương thực đang ở mức thấp nhất trong 37 năm qua.

“Mọi thứ đang ngày càng khó khăn hơn” - ông Luke Chandler (Ngân hàng Rabobank) lo ngại, và đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có nên sử dụng 36% vụ mùa ngô để sản xuất nhiên liệu ethanol hay không trong tình hình thiếu ngô như hiện nay. Giá ngô đã tăng 40% từ tháng 6, tới 5 USD/giạ. Lý do ban đầu được đưa ra là vì mùa màng của Mỹ thất bát do thời tiết.

Trong khi đó, Trung Quốc lại cho biết nước này vừa nhập 432.000 tấn ngô vào tháng 8 vừa qua, mức kỷ lục từ trước tới nay.

Chuyên gia Sudakshina Unnikrishnan từ Công ty Barclays Capital cho rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nhà nhập khẩu ngô về cơ bản. Năm 1994, khi nước này nhập, lý do là vì mùa màng thất bát.

Lần này, nguyên nhân được cho là vì người dân đã chuyển sang ăn thịt trong các bữa ăn nên cần có ngô để nuôi gia súc. Hơn 70% ngô ở Trung Quốc là dùng để cho gia súc ăn, và tính toán cho biết phải mất 7kg thóc mới sản xuất được 1kg thịt bò.

Chuyển gạo lên nhà máy lau bóng gạo xuất khẩu ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: N.C.T

Sản lượng lúa của VN tăng khoảng 800.000 tấn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng lúa thu hoạch của cả năm 2010 ước đạt 39 triệu tấn, tăng khoảng 800.000 tấn so với năm 2009. Trong đó, sản lượng vụ đông xuân 2009-2010 đạt trên 19 triệu tấn, vụ hè thu ước đạt 10,35 triệu tấn.

Từ nay đến đầu năm tới VN tiếp tục gieo trồng và thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông với sản lượng cả nước ước đạt gần 10 triệu tấn.

Riêng khu vực ĐBSCL, năm 2010 tổng sản lượng lúa ước đạt 21,3 triệu tấn. Tổng sản lượng lúa thu hoạch từ cuối tháng 8 đến tháng 1-2011 là 5,11 triệu tấn, tương đương 3,3 triệu tấn gạo. Cân đối tiêu thụ từ tháng 9-2010 đến tháng 1-2011 tại ĐBSCL và TP.HCM lượng gạo hàng hóa còn lại ước khoảng 1,5 triệu tấn.

Cũng theo Cục Trồng trọt, diện tích và sản lượng các loại cây nông nghiệp khác như ngô, khoai, đậu... không có nhiều biến động so với những năm trước. Vì vậy, dựa trên cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước và lượng lương thực sản xuất ra, VN vẫn hoàn toàn có đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Thị trường gạo thế giới tuần 16 – 23/9/2010: giá vững

Giá gạo Châu Á vững trong tuần qua nhờ nhu cầu vững trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp và đồng Baht cao giá. Gạo 100% B của Thái Lan giá vững ở 490 USD/tấn, song các nhà xuất khẩu cho rằng giá đó có thể tăng trong vài tuần tới do đồng Baht tăng giá. Gạo 100% B của Thái Lan giá vững ở 490 USD/tấn, song các nhà xuất khẩu cho rằng giá đó có thể tăng trong vài tuần tới do đồng Baht tăng giá.


Một thương gia ở Băngkốc cho biết: “Giao dịch gạo không sôi động, song giá sẽ tăng hơn nữa bởi các nhà xuất khẩu phải tăng giá chào bán do đồng Baht tăng giá”.

Baht Thái đã tăng giá lên mức cao kỷ lục. Baht Thái đã lập kỷ lục cao của 13 tháng so với USD trong ngày 21/9 và đã tăng gần 9% trong năm nay, buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá những sản phẩm định giá bằng đồng USD để bù lại thiệt hại do mua nguyên liệu trong nước bằng đồng Baht.

Một số khách hàng truyền thống của Thái Lan như Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc vẫn đang có mặt trên thị trường, và điều này hỗ trợ giá vững.

Một số báo cáo cho biết có khả năng Thái Lan sẽ ký được hợp đồng xuất khẩu với Indonexia và Nigeria. Tuy nhiên, hiện tại thì chưa hợp đồng nào được ký.

Bulog, cơ quan thu mua gạo của Chính phủ Indonexia, đang thương lượng mua 300.000 tấn gạo Thái lan, còn Nigeria tỏ ý muốn mua 1 triệu tấn.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã bán 5,8 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, khi bán tới 6,3 triệu tấn.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, giá gạo đã giảm nhẹ do nhu cầu xuất khẩu không cao. Tuy nhiên, nguồn cung hạn hẹp đang hỗ trợ giá.

Dự trữ gạo ở Việt Nam đã giảm sau khi đồng bằng sông Cửu Long kết thúc vụ thu hoạch thứ 2 trong 3 vụ của năm nay, và tin Philippine và Indonexia sẽ bắt đầu mua gạo cũng không nâng giá gạo lên.

Philippine có thể sẽ bắt đầu mua gạo với khối lượng nhỏ từ tháng 11 theo kế hoạch nhập khẩu của năm 2011, trong khi Indonexia có thể sẽ nhập khẩu gạo cho năm nay hoặc mua dự trữ cho năm tới.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá 450 – 475 USD/tấn, FOB, so với 460 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo 25% tấm được cháo bán ở mức 420 – 435 USD/tấn, so với 435 USD/tấn.

Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu kỷlục 6,6 triệu tấn gạo.

Về các thông tin liên quan, Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2011 sau khi đã mua kỷ lục 2,45 triệu tấn trong năm nay.

Chủ tịch Cơ quan lương thực quốc gia, Angelito Banayo, cho biết Manila có thể sẽ bắt đầu mua gạo từ tháng 11 tới.

“Chúng tôi sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 đến 1,5 triệu tấn, mức đó là an toàn”, ông nói. Khối lượng nhập khẩu sẽ tùy thuộc vào vụ thu hoạch chính (vào quý 4 hàng năm).

Theo ông Banayo, mức gạo thiếu hụt trong năm tới có thể lên đến 3,2 triệu tấn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ước tính sơ bộ ban đầu. Cơ quan lương thực nhà nước có thể ước lượng chính xác hơn về các nhu cầu gạo của quốc gia sau khi vụ thu hoạch chính bắt đầu.

NFA sẽ "từng bước" thu mua gạo dựa trên giá gạo của thị trường quốc tế. Cơ quan này cũng sẽ không ký kết hợp đồng nhập khẩu gạo nào trước cuối năm.

Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vì sản lượng trong nước không thể đáp ứng được mức tiêu thụ đang tăng lên.

Đầu năm nay, Philippine đã cho phép tư nhân nhập khẩu gạo sau khi xảy ra hạn hán trầm trọng. Sản lượng gạo nửa đầu năm 2010 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước xuống 6,6 triệu tấn. Dự báo sản lượng cả năm nay là 17,4 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, vụ 2009/2010 sản lượng gạo châu Phi dự đoán sẽ giảm 3% so với vụ trước.Trong đó Ai Cập giảm 17%; Madagasca tăng 4,8%; Nigeria tăng 5%.
USDA đã điều chỉnh giảm dự đoán về sản lượng gạo của Pakistan niên vụ 2010/11 xuống 4,4 triệu tấn, giảm 32%, do lũ lụt tàn phá. Dự báo về xuất khẩu gạo của Pakistan niên vụ 2010/11 cũng được điều chỉnh giảm xuống 2,3 triệu tấn, giảm 36%. Nguyên nhân bởi Pakistan đã trải qua một trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Gạo là sản phẩm xuất khẩu lớn thứ hai của Pakistan và sự giảm xuất khẩu gạo dự kiến liên quan tới cân bằng thanh toán của nước này.

Uỷ ban Xuất khẩu Nông sản Ai Cập cho biết Ai Cập sẽ gia hạn cấm xuất khẩu gạo cho tới tháng 10/2011. Ai Cập đã cấm xuất khẩu gạo từ tháng 3/2008 để ngăn giá các thực phẩm thiết yếu tăng lên, và từ đó vẫn chưa xoá bỏ lệnh cấm.

Indonexia có thể nhập khẩu gạo trong năm nay hoặc năm tới để dự trữ, phòng khi lũ lụt gây thiệt hại tới mùa màng, Bộ trưởng Nông nghiệp Suswono cho biết. Mưa quá nhiều do La Nina ở khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng tới nhiều loại cây trồng, trong đó có cà phê, cacao, dầu cọ và đường.

Sản lượng lúa Indonexia dự kiến đạt 65,15 triệu tấn trong năm nay, tăng so với 64,39 triệu tấn năm 2009, và cao hơn so với 64,90 triệu tấn dự báo hồi tháng 3.

Công ty International của Ấn Độ đang chào bán 30.000 tấn gạo sấy cho Bănglađét với giá 489 USD/tấn, C&F. Thu mua không đủ kế hoạch và giá lương thực tăng buộc Chính phủ Bănglađét phải đưa ra chương trình nhập khẩu gạo năm nay đúng vào lúc nhu cầu tăng đẩy giá gạo thế giới tăng. Nhập khẩu gạo và lúa mì vào Bănglađét chắc chắn sẽ tăng gấp 3 lên 1,5 triệu tấn trong năm kết thúc vào tháng 6/2011, so với 550.000 tấn năm ngoái.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã cho phép xuất khẩu 300.000 tấn gạo phi – basmati và 200.000 tấn lúa mì sang Bănglađét, trong đó, công ty State Trading Corp. sẽ xuất 200 nghìn tấn gạo, 100 nghìn tấn lúa mỳ còn số lượng công ty PEC xuất là 100 nghìn tấn gạo và 100 nghìn tấn lúa mỳ. Giá gạo sẽ dựa trên chi phí vận chuyển và có thể được quyết định trong tháng 9 này. Bangladesh vẫn còn nhu cầu nhập gạo vì nước này phải bù đắp các hợp đồng nhập lúa mỳ đã bị hủy bỏ do hạn hán ở các nước khu vực Biển Đen

(Vinanet)

Xuất khẩu gạo đạt gần 5,4 triệu tấn

TT - Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), chín tháng đầu năm xuất khẩu gạo của VN đạt gần 5,4 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,2 tỉ USD. 


So với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu gạo tăng 418.000 tấn (về lượng) và 261 triệu USD (về giá trị). Riêng trong tháng 9-2010, xuất khẩu gạo đạt 614.750 tấn, trị giá gần 238 triệu USD. Trong tháng 9, VN chủ yếu giao hàng loại gạo 5% tấm (chiếm 43,6% tổng số xuất khẩu), tiếp theo là gạo 15% tấm (chiếm 22,6%). 

Thị trường châu Á và châu Phi chiếm gần 75% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN trong tháng 9. Hiện nay, nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch lúa vụ thu đông. Riêng tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch gần dứt điểm diện tích 60.000ha của cả vụ. Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết vụ sản xuất này ít dịch bệnh, thời tiết thuận lợi nên năng suất khá cao, bình quân đạt từ 5 tấn/ha.

Mấy ngày qua giá lúa có chiều hướng tiếp tục tăng, hiện thương lái mua tại ruộng đối với loại lúa thường từ 5.500 đồng/kg, lúa thơm chất lượng cao từ 6.500 đồng/kg.

(Theo tuoitre)

Việt Nam- Kuwait thúc đẩy hợp tác năng lượng, lương thực

Gạo là lương thực chính ở Việt Nam    Năng lượng và lương thực, những nội dung được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Dầu mỏ và Thông tin Kuwait đặc biệt chú trọng trong thúc đẩy quan hệ hợp tác.
 
 
Đó là những nội dung chính được bàn thảo tại Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Thông tin Kuwait, ông H.E. Sheikh Ahmad Al- Abdulla Al- Ahmad Al-sabah chiều hôm qua (29/10) tại Hà Nội.

Chưa có cơ chế phối hợp

Điểm lại quan hệ hợp tác giữa hai nhà nước và hai Bộ trong thời quan qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Kuwait trong thời gian qua phát triển tốt đẹp, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, tài chính, đầu tư, dầu khí.

Tuy nhiên về thực chất, quan hệ họp tác song phương Việt Nam- Kuwait còn rất hạn chế, chưa có cơ chế phối hợp nào về công nghiệp, thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này không lớn bởi thị trường Kuwit có dung lượng nhỏ, dân số khoảng 2,7 triệu người.

Năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 62,6 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 41 triệu USD và nhập khẩu 21,6 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 23,5 triệu USD và nhập khẩu 214,2 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait các sản phẩm nông sản, hàng dệt may, gốm sứ…và nhập khẩu từ Kuwait khí tự nhiên, lưu huỳnh, chất dẻo nguyên liệu, thép phế liệu, ô tô dưới 12 chỗ, sản phẩm hoá chất…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, điều đáng mừng là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Kuwait Thủ tướng Nasser Al-Mohammed Al-Ahmed Al-Jaber Al-Sabah năm 2007, doanh nghiệp Kuwait tỏ ra quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.

Kể từ chuyến làm việc giữa hai Bộ trưởng lần thứ nhất hồi tháng 9/2009, đến nay hai bên đã đạt được một số kết quả khả quan, thể hiện qua các dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký hợp đồng dài hạn với phía bạn việc cung cấp dầu diezel.

Nhiều giải pháp sẽ được triển khai

Tại hội đàm, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Thông tin Kuwait H.E. Sheikh Ahmad Al- Abdulla Al- Ahmad Al-sabah cho biết, hiện phát triển kinh tế của Kuwait chủ yếu là dầu mỏ và đầu tư nước ngoài.

Trong chính sách hướng Đông của Kuwait, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ Kuwait mong muốn hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động…“. Việt Nam cũng là một trong những điểm đến mà các doanh nghiệp dầu mỏ Kuwait rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác”- Bộ trưởng Kuwait nói.

Đánh giá cao tiềm năng, công nghệ khai thác dầu khí của Kuwait Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Kuwait trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực.

Về năng lượng dầu khí, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Kuwait xem xét cung cấp dầu thô, khí hóa lỏng NNJ dài hạn cho Việt Nam. Riêng đối với dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Việt Nam cam kết thực hiện đúng tiến độ.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cung cấp lương thực lâu dài, ổn định cho Kuwait. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể cung cấp cho Kuwait một số sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như chè, cà phê….

Bộ trưởng gợi mở, trong lĩnh vực hợp tác về lương thực và nông sản, thực phẩm có thể áp dụng công thức hợp tác ba bên giữa Việt Nam- Kuwait và một nước thứ 3.
Như vậy,Việt Nam có thể cung cấp công nghệ, chuyên gia, Kuwait cung cấp vốn còn đối tác thứ ba cung cấp lao động và đất đai. Thị trường tiêu thụ sản phẩm là Trung Đông.
Về lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Việt Nam và Kuwait cần sớm khởi động đàm phán để ký các hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, vận tải, thực phẩm…

Tuy nhiên, để thúc đẩy giao thương hai nước, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các cơ quan hai nước cần sớm thiết lập kênh trao đổi thông tin về kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ được tổ chức ở mỗi nước.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị nhà nước Kuwait sớm có quyết định công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Thông tin Kuwait đánh giá rất cao những ưu đãi mà Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã dành cho Kuwait. Ngoài đồng tình với những kế hoạch hợp tác với Việt Nam, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cũng khẳng định khả năng cung cấp dầu thô dài hạn cho Việt Nam.


(Theo báo Công thương )

Quý 4, có thể xuất khẩu 2 triệu tấn gạo

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành lúa gạo, do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất lớn hạn chế, từ nay đến cuối năm hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ rất nhộn nhịp.


Chủ trương thu mua gạo tạm trữ đã giúp cho lúa hàng hóa của nông dân được tiêu thụ thuận lợi.

Hiện thị trường đang có nhu cầu lớn gạo Việt Nam, giá xuất khẩu gạo 5% tấm sẽ giữ ở mức 475 - 500 USD/tấn, có khả năng Việt Nam sẽ ký tiếp 3 triệu tấn gạo và trong quý 4 các doanh nghiệp có thể sẽ giao thêm khoảng 2 triệu tấn. Như vậy năm 2010 Việt Nam có khả năng xuất khẩu 7,2-7,5 triệu tấn gạo, phá kỷ lục năm 2009 là 6 triệu tấn.

Hiện đang có những hợp đồng lớn đã và đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam. Cuba vừa ký hợp đồng mua 200 ngàn tấn gạo 15% tấm, giá khoảng 450 USD/tấn (FOB), Philippines cũng đang quay trở lại đàm phán và có khả năng sẽ mua từ 1 triệu - 1,5 triệu tấn gạo.

VinaFood II vừa ký bán cho Indonesia 300 ngàn tấn gạo 15% tấm, giá 460 đến 470 USD/tấn (FOB). Indonesia cũng đang đặt vấn đề mua thêm khoảng 700 ngàn tấn gạo. Từ nay đến cuối năm nếu Indonesia và Philippines đàm phán xong thì trong quý 4 lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng rất mạnh. Có thể nói tình hình xuất khẩu gạo trong 3 tháng còn lại là rất khả quan.

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ngang bằng với mức giá của Thái Lan. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã kịp thời nâng định mức giá sàn xuất khẩu gạo, đối với loại gạo 5% tấm không bán dưới giá 475 USD/tấn và gạo 25% tấm là 435 USD/tấn. Việc làm này nhằm để các doanh nghiệp không bán gạo quá thấp.

Thông tin Chính phủ đang đàm phán những hợp đồng tập trung có số lượng lớn là tin vui cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian qua, giá thu mua lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng và biến động theo từng vùng, từng ngày. Hiện nay, giá lúa thu mua đang giao động từ 5.200-5.300 đồng/kg. Từ nay đến cuối năm giá lúa trong nước sẽ đứng ở mức này hoặc tăng thêm nếu ký được hợp đồng giá tốt.

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ có hiệu lực đến ngày 15/9 cho thấy hiệu quả rất tốt khi lượng lúa hàng hóa của nông dân đã được tiêu thụ hết với giá cao. Đến cuối tháng 9, các doanh nghiệp thuộc VFA đã triển khai thu mua tạm trữ, nhập kho được 966.488 tấn gạo, đạt 96,64% kế hoạch dự kiến.

Theo VFA, sở dĩ giá lúa tăng mạnh trong thời gian đầu tháng là nhờ việc điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng chỉ giao khoảng 400.000-500.000 tấn gạo, riêng tháng 8 các doanh nghiệp đã giao trên 800.000 tấn gạo theo các hợp đồng xuất khẩu, số lượng cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong tháng 9/2010 các doanh nghiệp tiếp tục giao khoảng 800.000 tấn gạo cho nhà nhập khẩu.

(Theo VNenconomic)

1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng cho rốn lũ Quảng Bình

Trong chuyến công tác tới tỉnh Quảng Bình thị sát vùng lũ và  thăm hỏi một số gia đình có người bị nạn ở huyện Quảng Trạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Bình 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng.


Mưa lũ kỷ lục trong vòng 60 năm qua đã khiến Quảng Bình thiệt hại nặng nề nhất trong 4 tỉnh miền Trung

Mưa lũ kỷ lục trong vòng 60 năm qua đã khiến Quảng Bình thiệt hại nặng nề nhất trong 4 tỉnh miền Trung (ảnh:gdtd.vn).

Được biết, mưa lũ kỷ lục trong vòng 60 năm qua đã khiến Quảng Bình thiệt hại nặng nề nhất trong 4 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) trong đợt lũ này, làm ngập trên 103.000 ngôi nhà, trong đó 1/3 ngập sâu, nhiều vùng bị chia cắt, đã có 36 người chết, 20 người mất tích. Tỉnh đã phải tổ chức di dời 5.022 hộ với 23.355 người dân.

Đến thời điểm này, vẫn còn 118 tàu thuyền/826 thuyền viên chưa liên lạc được, 6 tàu/30 thuyền viên trôi dạt trên biển đề nghị cứu nạn; hệ thống giao thông, thông tin liên lạc nhiều nơi bị cắt đứt, gián đoạn.

Ước tính thiệt hại của Quảng Bình đến trên 1.272 tỷ đồng.

(Theo GD&TĐ)

1/8/10

Gạo gắn mác an toàn đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 8-7, tổ chức quốc tế WQA (Anh) cấp chứng chỉ HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm) cho quy trình sản xuất gạo của Cty CP Phân phối Bán lẻ - VNF1 (Tổng Cty Lương thực miền Bắc – Vinafood1).


Đây là đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ này đối với mặt hàng gạo, công suất hàng năm khoảng 20.000 tấn. Sản xuất, chế biến theo HACCP, dòng sản phẩm gạo an toàn, thơm, ngon, dẻo, ngọt; không có dư chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, nấm mốc, lai tạp, pha trộn.

Theo bà Hoàng Thị Minh, Tổng Giám đốc Cty CP Phân phối Bán lẻ - VNF1 cho biết, các loại gạo sạch, chất lượng cao thương hiệu VNF1 như Trân Châu, Nàng Xuân, Lài Sữa, Tám Điện Biên, Bắc Hương…có mặt tại 10 siêu thị, cửa hàng tiện ích của Cty, 30 siêu thị và 154 điểm bán tại Hà Nội.

“Quy trình HACCP đang được triển khai ở khẩu chế biến, bảo quản. Hiện chúng tôi triển khải phát triển vùng nguyên liệu riêng, cung cấp các loại gạo đặc trưng như ở Sóc Trăng, Hải Hậu (Nam Định), Mỹ Hào (Hưng Yên)… Mô hình này sẽ được nhân rộng ra các thành viên của Vinafood1 thời gian tới” - Bà Minh nói.

(Theo Tiền Phong)

Xuất khẩu gạo tăng tốc để vượt 6 triệu tấn

Theo số liệu ước tính của liên bộ, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2010 ước đạt 4,1 triệu tấn, trị giá 2,01 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009.


CôngThương - Thị trường Việt Nam đang phản ứng tốt với chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ, theo đó, giá gạo thị trường nội địa hiện đã tăng 200 đồng/kg. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đến ngày 23/7/2010, các DN kinh doanh lúa gạo đã thu mua dự trữ được trên 100 ngàn tấn lúa. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi do đồng Euro mạnh hơn khiến giá gạo tăng tại một số thị trường nhập khẩu; bên cạnh đó diễn biến khí hậu bất lợi tại một số khu vực sản xuất và tiêu thụ lúa gạo lớn như Trung Quốc, Philippin đã giúp giá XK gạo của Việt Nam được cải thiện và hiện tăng nhẹ. Tính đến thời điểm này, trị giá hiệu quả XK gạo bình quân vẫn cao hơn năm trước trên 30 USD/tấn.

Được biết, các DN đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các hợp đồng XK gạo, theo VFA, đến cuối tháng 7/2010, các DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo ước đạt 6 triệu tấn. Thị trường đã có, Vấn đề còn lại chính là tiến độ giao hàng phải được đảm bảo. Tính tới gần cuối tháng 7, tiến độ XK chậm hơn cùng kỳ năm ngoái là 8%, tuy không lớn lắm nhưng không đáp ứng được lượng hợp đồng đã ký kết, đặc biệt là số lượng cung cấp chúng ta hiện có. Do lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, lượng tồn kho từ vụ đông xuân còn lại và bắt đầu thu hoạch hè thu sắp đến nên đã tạo áp lực cho các DN rất lớn. do đó, phải đẩy mạnh tiến độ XK trong những tháng cuối năm. Ông Huệ cho hay: trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch XK gạo quý III/2010 khoảng 1,7 triệu tấn, tuy nhiên trước tình hình này thì chắc chắn phải tăng sản lượng XK để đáp ứng yêu cầu so với lượng hợp đồng các DN đã có, có thể lên tới 2 triệu tấn. Cả quý IV cũng phải tăng sản lượng, như vậy sản lượng XK gạo của cả năm 2010 chắc chắn sẽ vượt con số 6 triệu tấn. Cái chính của việc XK gạo những tháng cuối năm là làm thế nào bảo đảm được hiệu quả và có lãi cho người nông dân.

Đại diện VFA nhấn mạnh: Về lâu dài, có hai vấn đề mà các DN và cơ quan quản lý cần làm để ổn định và đẩy mạnh XK gạo. Chúng ta đang ở dạng dự trữ gạo chứ không phải dự trữ lúa, điều này khiến áp lực đè lên vai của cả DN lẫn người nông dân, thường phải “mua nóng, bán nóng”, dễ chịu áp lực của thị trường và hay bị bán với giá thấp. Cần phát triển ngành gạo theo chất lượng bên cạnh số lượng, điều này mới đảm bảo được lợi ích của người trồng lúa. Nếu trữ lúa có thể để 1-2 năm, khi giá lên bán đến đâu xay đến đó, thị trường lên là bán chứ để bán thấp như hiện nay thì mất hiệu quả, mà chính cái này mới đảm bảo lợi ích của người nông dân. Chính phủ đã có chỉ đạo xây kho dự trữ, ổn định giá thị trường để bảo đảm lợi ích cho người nông dân, tuy nhiên, động thái này chưa thực sự sát với yêu cầu thị trường. Hiện các DN và tổng công ty đầu tư kho thường gặp khó về vốn hỗ trợ. Thêm vào đó, việc trữ lúa hay gạo vẫn chưa có một đề tài nào phân tích về vấn đề này mặc dù đây là vấn đề có tính chiến lược. Chúng ta đang làm quy trình ngược không trữ lúa mà trữ gạo, không giải quyết khâu nguyên liệu tốt mà lại giải quyết khâu thành phẩm. Trong khi nếu không có nguyên liệu tốt thì không thể nào ra được thành phẩm tốt bởi ngoài thất thoát về cơ học ở ngoài ruộng thì thất thoát về chất lượng trong bảo quản là rất lớn do chưa làm được khâu bảo quản hợp lý. Đây là vấn đề cần phải tính toán, không nên để kéo dài.

(Theo Công thương)

VFA được ưu ái, sao lại ép nông dân?

Bộ NN-PTNT nhận được rất nhiều phản ánh gay gắt từ các địa phương về tình hình nông dân bị ép giá thu mua lúa.
Ngày 28-7, Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN, ông Nguyễn Duy Lượng, khẳng định: Nông dân ĐBSCL bị ép giá nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ lúa. 13 tỉnh, thành ĐBSCL chưa điều chỉnh được giá mua và mỗi nơi mỗi giá khiến cho việc kiểm soát giá lúa gặp nhiều khó khăn.


Chần chừ mua vì lợi nhuận

Theo ông Lượng, Hội Nông dân và nông dân ĐBSCL rất phấn khởi với Quyết định số 993/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành ngày 30-6. Tuy nhiên, từ khi triển khai quyết định đến nay đã có một số vấn đề không hợp lý ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nông dân.

Ông Lượng phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này đầu tiên là do doanh nghiệp đã o ép nông dân quá mức. Thậm chí có những người có trách nhiệm biết mà vẫn đồng tình với việc này.

Cụ thể, giá thực tế mà doanh nghiệp được Hiệp hội Lương thực VN (VFA) chỉ định cũng như một số đầu mối khác đang thu mua lúa gạo của nông dân ĐBSCL rất thấp. Có nơi nông dân lỗ tới cả ngàn đồng/kg. Tuy bị lỗ nhưng nông dân vẫn phải vay vốn để sản xuất. Thậm chí, có nơi nông dân bán lúa nhưng chưa nhận được tiền. 

Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN - PTNT Nguyễn Trí Ngọc, hiện giá mua lúa gạo thấp là do một số vấn  đề, trong đó có việc Bộ Tài chính chưa xây dựng được giá sàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua. Còn một lý do khác, theo ông Ngọc là doanh nghiệp chần chừ thu mua vì động cơ chủ yếu vẫn là lợi nhuận.

Quá ưu ái VFA

Hỗ trợ không đúng địa chỉ

Ông Lượng cho rằng nguồn vốn vay dành cho doanh nghiệp thuộc VFA được hỗ trợ không lãi suất xem ra đã không đúng địa chỉ, không đến được tay nông dân. Thực tế, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất lại không thu mua lúa gạo trực tiếp của dân mà do thương lái đứng ra mua thì người dân không thể có được giá như mong đợi.
Ông Lượng cho hay hiện nhiều nông dân đang đề nghị chính quyền và hội can thiệp vấn đề thu mua lúa gạo của nông dân. “Nhưng đối với vấn đề giá, Hội Nông dân chỉ có thể lên tiếng và báo cáo Chính phủ” – ông Lượng bức xúc. Đồng thời, ông Lượng đề nghị Chính phủ phải có quy định buộc VFA mua giá tối thiểu 4.000 đồng/kg để nông dân bảo đảm chi phí trồng lúa.

Phải quy định giá sàn tránh tình trạng giá trôi nổi như hiện nay. Cách tốt nhất là phải thực hiện liên kết 4 nhà: Từ đầu vụ doanh nghiệp phải ứng tiền và giao kèo giá bán có lời trên cơ sở giá thành đã được tính và khi thu hoạch chỉ việc xuất theo giá đó. Ông Lượng nói thẳng: “Hiện VFA đang được hưởng chính sách quá ưu ái như cho vay không lãi suất và đây là điều chưa hợp lý. Ông Lượng cho rằng cần có những tiêu chí hết sức cụ thể xét doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ khi mua lúa gạo của nông dân”. 

Còn ông Ngọc thì nhìn nhận vấn đề giá lúa bất cập là nằm ngoài “phạm vi” quyền hạn của Bộ NN - PTNT. Theo ông Ngọc, Bộ NN - PTNT nhận được rất nhiều phản ánh gay gắt từ các địa phương về tình trạng bán lúa gạo của nông dân đang gặp khó khăn. Văn phòng Chính phủ cũng có chỉ đạo và Bộ NN - PTNT báo cáo về tình trạng này.

(Theo Người Lao Động)

Pakistan đạt mức xuất khẩu gạo kỷ lục

Trong niên vụ 2009-2010, xuất khẩu gạo của Pakistan đã đạt 4,607 triệu tấn với trị giá lên đến 2,265 tỷ USD và đây là con số kỷ lục mà xuất khẩu gạo đạt được từ trước đến nay.

Mặc dù canh tác trong điều kiện thiếu nước do hạn hán nhưng sản lượng gạo thu được của Pakistan vẫn đạt 6,6 triệu tấn trong niên vụ 2009-2010 (Ảnh tư liệu)

So với niên vụ 2008-2009, xuất khẩu gạo năm nay tăng 57% về lượng, nhưng về trị giá chỉ tăng 10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các mặt hàng xuất khẩu của Pakistan giảm mạnh, đặc biệt là hàng dệt may thì xuất khẩu gạo của nước này đạt kim ngạch 2,265 tỷ USD là một bước đột phá lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của Pakistan.  

Trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán do thiếu nước canh tác, nhưng sản xuất  gạo của Pakistan vẫn đạt 6,6 triệu tấn trong niên vụ 2009-2010 và cộng với 1 triệu tấn gạo gối vụ của năm trước thì nước này đã có gần 7,6 triệu tấn gạo dự trữ. Được biết, nhu cầu sử dụng gạo trong nước của Pakistan năm nay là 2,5 triệu tấn nên nước này đã chào bán ra thị trường thế giới hơn 5 triệu tấn gạo.

Trong tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo chất lượng cao Ba-xma-ti đạt 943 nghìn tấn trị giá 747 triệu USD với giá FOB (giá không tính chí phí vận chuyển và chi phí bảo hiểm) trung bình đạt 834 USD /tấn. Gạo thường đạt 3,55 triệu tấn trị giá 1,399 tỷ USD. Giá FOB trung bình đạt 393 USD/tấn. Gạo đồ do các doanh nghiệp tư nhân xuất uỷ thác qua Tổng công ty Thương mại Quốc gia đạt 107.010 tấn trị giá 80 triệu USD. Giá FOB trung bình đạt 749 USD /tấn./.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Pakistan đang hướng tới thị trường châu Phi, Trung Đông, châu Âu và cả vùng Viễn Đông./.

(Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Tăng giá mua, tăng tạm trữ

Cuối tuần qua, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ NN-PTNT đã họp giao ban SX lúa HT và triển khai kế hoạch vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2010 cho các tỉnh Nam bộ. Một vấn đề nóng bỏng đặt ra là lúa Hè Thu chưa tiêu thụ được thì lúa Thu Đông chuẩn bị tràn về khiến vựa lúa ĐBSCL lúc nào cũng trong tình trạng... bội thực.

 Ảnh minh họa

 Đến nay, nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang…đã cơ bản thu xong lúa HT. Tuy nhiên, các tỉnh, thành có diện tích lớn như Long An, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ đang thu hoạch rộ. Điều này cho thấy áp lực tiêu thụ lúa HT thời gian tới chắc chắn sẽ dâng cao vào khoảng đầu tháng 8 tới. Riêng tháng 7 và tháng 8 sẽ có khoảng 5,5/8 triệu tấn lúa HT được thu hoạch. Đây là thời điểm thường xuất hiện mưa bão gây nhiều gây khó khăn cho công tác thu hoạch, làm chi phí tăng cao và gây áp lực lớn trong việc tiêu thụ.

Về việc tiêu thụ lúa HT, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết, đến nay các DN đã triển khai thu mua tạm trữ được 216.000/1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo. Các ngân hàng đã chủ động phân bổ vốn cho DN vay nên tiến độ thu mua đang được đẩy nhanh, khả năng sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra. Giá thu mua lúa gạo cũng đã bắt đầu ấm dần lên với mức tăng 200 đồng/kg. Cụ thể giá lúa thường thương lái thu mua 3.300- 3.500 đồng/kg, lúa hạt dài XK 3.900- 4.100 đồng/kg. Lúa tươi bán tại ruộng từ 2.600- 3.000 đồng/kg. Do giá XK đang ở mức thấp (300- 310 USD/tấn gạo 25% tấm) nên thị trường gạo cấp thấp như châu Phi đang rất thuận lợi.

Tuy nhiên, đại diện các tỉnh vẫn tỏ ra bức xúc, cho rằng tiến độ thu mua của DN như vậy rất chậm chạp và giá lúa hiện nay nông dân mới chỉ huề vốn chứ chưa có lãi. Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh gieo sạ trên 270 ngàn ha lúa HT, ước sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn lúa mà chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ 90 ngàn tấn gạo thì chưa thấm tháp gì. Tỉnh đề nghị VFA nên tăng chỉ tiêu thu mua lên. Về giá thu mua, ông Củi cho rằng ít nhất phải từ 4.000 đồng trở lên thì nông dân mới có lãi vì giá thành đã 3.200 đồng/kg. Tương tự, tại Hậu Giang còn tồn đọng trong dân khoảng 170 ngàn tấn lúa, trong đó có 60 ngàn tấn lúa chất lượng thấp IR 50404 chưa biết tiêu đi đâu. Trong khi chỉ tiêu tạm trữ mới chỉ giải quyết chưa được 20% lượng lúa hàng hóa này.

Tại An Giang, địa phương được coi là dẫn đầu về áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thế nhưng giá thành SX lúa mà tỉnh này khảo sát lên đến 3.853 đồng/kg lúa. Vì vậy, bà Phạm Thị Hòa, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang kiến nghị phải nâng mức giá thu mua lên 5.000 đồng/kg thì mới đảm bảo cho nông dân lãi 30%. Toàn tỉnh An Giang có trên 800 ngàn tấn HT cần tiêu thụ. Ngoài ra, hàng năm còn có khoảng 450 ngàn tấn lúa Campuchia được nhập sang hoặc do nông dân qua đó mướn đất làm đưa về. Chính điều này càng tạo thêm áp lực về đầu ra cho hạt lúa. Bà Hòa đòi đổi mới phương thức thu mua thì mới tránh được tình trạng ứ đọng. Các tỉnh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An…cũng rơi vào cảnh tương tự.
Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng trong những năm tới, nếu cân đối giảm được 2 triệu tấn lúa HT so với sản lượng hiện nay thì cơ bản sẽ giải quyết được bài toán lúa tồn đọng.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo, các địa phương cần khảo sát và đưa ra khung giá thành thống nhất để các DN có cơ sở thu mua. VFA cần chỉ đạo các DN đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, để kích thích giá thị trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đánh giá lại lượng lúa đang tồn đọng, cần thiết thì kiến nghị mua tạm trữ đợt 2.

Về lâu dài, các địa phương cần giúp nông dân tiếp cận với những tiến bộ KHKT để giảm giá thành SX, tăng lợi nhuận. Liên kết, hợp tác nông dân lại SX hàng hóa cùng chủng loại, tạo điều kiện cho DN làm đầu mối thu mua. Xem xét cơ cấu lại lịch thời vụ, bỏ lúa XH, chuyển dần diện tích HT sang TĐ. Những nơi làm lúa năng suất thấp dưới 4 tấn/ha cần sớm chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng các loại rau màu.
 
Xuất hiện “bệnh lạ” nguy hiểm trên lúa

Theo Cục BVTV, diện tích lúa TĐ và lúa mùa đã xuống giống trên 130 ngàn ha, tăng hơn 55 ngàn ha so với cùng kỳ năm trước, hầu hết trà lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Đối tượng gây hại nguy hiểm nhất vẫn là rầy nâu, cao điểm một số nơi bị nhiễm với mật độ từ 3.000 – 8.000 con/m2. Ngoài ra, rầy phấn trắng và nhện gié xuất hiện khá phổ biến với diện tích và mật số gia tăng rất nhanh.

Đáng lưu ý là ngoài bệnh VL, LXL, còn xuất hiện “bệnh lạ” (tại Đồng Tháp, Long An) với triệu chứng cổ lá lúa bị co rút, xiết chặt lại (lá đòng và lá gần đòng), làm cho bông lúa không trổ thoát ra được hoặc nếu trổ được thì bị quấn sát vào nhau làm bông lúa bị lép.

Trung tâm BVTV phía Nam và chuyên gia virus của Viện Lúa quốc tế IRRI đã khảo sát tình hình và lấy mẫu rầy phấn trắng để giám định, kết quả đây là loài côn trùng có phổ ký chủ rộng và có khả năng truyền bệnh siêu vi khuẩn cho cây trồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận liệu côn trùng này có liên quan đến “bệnh lạ” nói trên hay không. 

Sản lượng gạo của Indonesia năm 2010 sẽ đạt 65,15 triệu tấn

Tổng sản lượng lúa của Indonesia lên tới 64,4 triệu tấn năm 2009, tăng 6,75% so với năm trước đó. 
 
 
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương, sản lượng gạo năm nay được dự báo tăng thêm 1,17% đạt 65,15 triệu tấn. Sản lượng tăng là do năng suất cao hơn khi diện tích thu hoạch được dự kiến là giảm, năng suất được ước tính tăng 1,26%. Trong lúc đó, sản lượng ngô quốc gia đạt 17,63 triệu tấn năm 2009, tăng 8,04% so với năm trước đó và sản lượng dự báo tăng thành 18,02 triệu tấn trong năm nay.

Mức tăng hơn 25,63% về sản lượng, đạt 974.510 tấn đậu tương đã được ghi nhận năm ngoái, nhưng được dự báo sẽ giảm xuống 927.380 tấn trong năm nay, trên diện tích thu hoạch giảm.

(Vinanet)

30/7/10

Philippines dự kiến giảm 50% lượng gạo nhập khẩu

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, dự tính năm 2011 sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu.


Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Proceso Alcala cho biết quyết định cuối cùng sẽ được thông báo vào tuần tới, sau khi các chuyên viên của bộ này hoàn tất bản báo cáo về sản lượng gạo thu hoạch được và lượng gạo cần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo ông Alcala, lý do giảm nhập khẩu gạo là chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tăng năng suất các vụ mùa, trong khi lượng tiêu thụ gạo của người dân Philippies đang có xu hướng giảm. Tính trung bình hiện nay mỗi người Philippines tiêu thụ 119kg gạo/năm, so với mức 128kg năm 2009.

Do bị ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bão lụt, Philippines dự kiến nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo trong năm nay, trong đó phần lớn là gạo của Việt Nam./.

(Theo Vietnamplus)

Được nông dân thì chết doanh nghiệp!

Chuyến đi khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa hè thu 2010 tại An Giang và Đồng Tháp của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây có nhiều điều không vui.


Hầu hết những nông dân mà đoàn khảo sát đến thăm đều cho rằng giá lúa đang đứng ở mức 3.200-3.500 đồng/kg nhưng khó bán. Thậm chí tại Đồng Tháp, vụ hè đang thu hoạch rộ lên nhưng lúa tươi bán tại ruộng chỉ 2.700 đồng/kg, còn lúa khô hạt dài trên 3.000 đồng/kg, lúa IR 50404 giá dưới chỉ 3.000 đồng/kg. Người trồng lúa than: Nghe nói nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa hè thu cho dân với giá tối thiểu 3.500 đồng/kg nhưng họ không thể bán tới giá này.

Ngay chính Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ xác nhận hiện doanh nghiệp vẫn mua theo giá thị trường. Điều này có nghĩa là sau gần một tuần Chính phủ triển khai mua 1 triệu tấn lúa tạm trữ thì thị trường hầu như không thay đổi. Có chăng chỉ một vài địa phương giá lúa có nhích lên vài trăm đồng/kg.

Việc doanh nghiệp dù đã có lệnh từ trên ban xuống nhưng không mặn mà thu mua là do lúa gạo hè thu có chất lượng xấu, rất khó xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo báo cáo của VFA, hết tháng 6-2010, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp còn rất nhiều, lên tới gần 1,4 triệu tấn. Bảo đảm đồng vốn và lợi nhuận luôn là điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Cho nên việc doanh nghiệp chần chừ thu mua lúa gạo hè thu là điều dễ hiểu. Chính Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong từng than thở trước công văn chỉ thị mua tạm trữ 1 triệu tấn: “Mua để nông dân lãi dưới 30% thì trái với chủ trương nhưng lãi trên 30% thì doanh nghiệp te tua!”.

Theo ông Nguyễn Thể Hà, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nếu thật sự bảo đảm mức lãi 30% như chủ trương của Chính phủ thì đời sống người trồng lúa sẽ không đến nỗi nào. Nhưng trên thực tế, với lúa gạo vụ hè thu, ngay cả doanh nghiệp, thương lái còn chê thì lấy đâu ra mức lãi đó.

Bao nhiêu năm hô hào phải bảo đảm lãi 30% cho người trồng lúa mà họ vẫn nghèo, thậm chí nợ nần chồng chất.

(Theo Pháp luật)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...