Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

29/6/10

Thêm hàng trăm 'hạt gạo 3.000 năm' được phát hiện

Sáng 26/5, hàng trăm hạt gạo cháy ở tầng đất có niên đại 3.000 năm tiếp tục được đoàn khai quật tìm thấy tại khu di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).

Tất cả số gạo cháy (hóa thành than) này đều được tìm thấy ở độ sâu 1,2 mét ở hố khai quật số 3, khu di chỉ Thành Dền. Theo thạc sĩ Bùi Hữu Tiến (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia HN), thành viên đoàn khảo cổ, sau khi đãi 6 xô đất, đoàn thu được rất nhiều hạt gạo cháy.

 Hàng trăm hạt gạo cháy được tìm thấy sáng 25/5 (hộp nhựa phía trên), đi kèm là vỏ trấu, xương động vật, mảnh gốm. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp.

Ngoài ra, nhóm khai quật còn phát hiện một số mảnh vỏ trấu, nhiều xương động vật và một số mảnh gốm. Tuy nhiên, trong số di vật được phát hiện, không có hạt thóc (hạt có khả năng nảy mầm) nào.

Theo các thành viên đoàn khảo cổ, hơn một tháng nay trong quá trình khai quật tại 3 hố ở di chỉ Thành Dền, đoàn đã phát hiện được nhiều hố đất đen (hố rác bếp) nằm ở tầng văn hóa Đồng Đậu (3.000-3.5000 năm trước). Tại các hố có nhiều mảnh xương động vật, gạo cháy và các hạt thóc... Trong số các hạt thóc thu được chỉ có 10 hạt nảy mầm và đang được nuôi cấy, chăm sóc ở Viện Di truyền nông nghiệp.

 Tại khu di chỉ Thành Dền, tầng đất cái nằm độ sâu 1,2-1,3 mét. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Bốn hạt phát triển tốt thành lúa non đã cấy ngày 25/5 để tiếp tục theo dõi. Vỏ trấu của các cây này đã được thu lại và dự kiến mang ra nước ngoài để xác định niên đại. 

Đọc tiếp:
Cấy hạt 'thóc 3.000 năm' (25/05)
Điều kiện để bảo quản 'hạt thóc 3.000 năm' (21/05)
'Thóc 3.000 năm' được bảo vệ đặc biệt vì nắng nóng (20/05)
Giả thuyết về sức sống của 'hạt thóc 3.000 năm' (19/05)
Cận cảnh khu vực phát lộ 'hạt thóc 3.000 năm' nảy mầm (19/05)

Nguyễn Hưng

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng

Phải đối mặt với không ít khó khăn do hạn hán, dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2010.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 103.387,7 tỷ đồng, tăng 5,34% so với nửa đầu năm 2009. Trong đó, nông nghiệp đạt 75.874,8 tỷ đồng (tăng 5,41%); lâm nghiệp đạt 3.400,5 tỷ đồng (tăng 4%); thuỷ sản đạt 24.112,4 tỷ đồng (tăng 5,32%).

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được tăng trưởng ấn tượng, kim ngạch tháng 6 ước đạt gần 1,5 tỷ USD, bao gồm: 860 triệu USD hàng nông sản; 260 triệu USD hàng lâm sản và 370 triệu USD thủy sản. Tính cả 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, và đã đạt 53,5% kế hoạch của cả năm 2010.

Tổng kim ngạch các mặt hàng nông sản chính đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng 5,8%. Trong đó, gạo là mặt hàng cho giá trị lớn nhất trong nhóm hàng nông sản. Ước xuất khẩu gạo tháng 6 được 720 nghìn tấn, thu về 370 triệu USD; đưa tổng lượng gạo xuất khẩu nửa đầu năm lên 3,6 triệu tấn, giá trị 1,87 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tuy giảm 2,3% về sản lượng, nhưng tăng tới 7% về giá trị, nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt bình quân 513 USD/tấn (tăng 8,46% so với cùng kỳ). Hoạt động mua bán gạo trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi có tin Philippines cần nhập 2 triệu tấn gạo. Bởi vậy, nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay đang trên đà tăng, nên rất có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu.

Trong các thị trường tiêu thụ gạo của nước ta từ đầu năm đến nay, Philippines vẫn là thị trường mua nhiều nhất với tỷ trọng giá trị chiếm tới 50,6%, vượt xa so với thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Singapore (chỉ chiếm tỷ trọng 7,2%). Trong số 10 thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, có 3 thị trường đã đạt tăng trưởng vượt bậc cả về khối lượng và giá trị: Singapore tăng gấp 2 lần; Đài Loan tăng gấp 4 lần; Hồng Kông tăng gấp 5 lần.

Hầu hết các mặt hàng nông sản khác đều có sự tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, điển hình như cao su, chè, tiêu, điều. Xuất khẩu cao su đã trầm lắng hơn so với những tháng trước, ước tháng 6 chỉ được 25 nghìn tấn với 70 triệu USD. Tính cả 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su đạt 207 nghìn tấn, kim ngạch 565 triệu USD, giảm 18% về giá trị nhưng giá trị tăng tới 57,2% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cao su tháng 5 và tháng 6 đã khó khăn hơn so với 4 tháng đầu năm là do gặp trục trặc từ phía thị trường Trung Quốc, đây cũng là thị trường chủ lực hiện chiếm tới 63,6% tỷ trọng giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam. Xuất khẩu chè tháng 6 ước đạt 8 nghìn tấn, kim ngạch 10 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu nửa đầu năm lên 52 nghìn tấn, giá trị 70 triệu USD. xuất khẩu chè tăng mạnh về giá so với năm trước, giá xuất bình quân 6 tháng đầu năm đạt 1.362 USD/tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Hầu hết lượng hàng xuất khẩu đi các nước đều tăng, riêng Mỹ vẫn đứng ở vị trí số 1 với tỷ trọng chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu, tiếp đến là Đức. Xuất khẩu hạt điều cũng đã đạt 405 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng trưởng 20,2%. Cà phê xuất khẩu tuy sụt giảm mạnh, nhưng cũng đã đạt giá  trị 925 triệu USD.

Đối với nhóm hàng thủy sản, ước kim ngạch tháng 6 đạt 370 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2010 lên 1,7 tỷ USD, tăng trưởng 13,1%. Thị trường tiêu thụ thủy sản số 1 của nước ta vẫn là EU với 420 triệu USD (chiếm 25,5%); tiếp theo là Nhật Bản (chiếm 18%), thứ ba là Mỹ (chiếm tỷ trọng 17,1%).

Xuất khẩu tôm đã tăng mạnh về giá trị với 27%, đây cũng là mặt hàng chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu cao nhất với tổng giá trị 558 triệu USD. Mặt hàng cá tra, cá basa đứng ở vị trí thứ hai, với khối lượng xuất khẩu 250 nghìn tấn, thu về 536 triệu USD. Với gỗ và sản phẩm đồ gỗ, ước xuất khẩu 6 tháng đạt 240 triệu USD, tính cả 6 tháng là 1,48 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, ước tháng 6 cả nước phải chi phí 950 triệu USD cho nhập khẩu. Trong đó: thuốc trừ sâu 50 triệu USD, phân bón hơn 70 triệu USD; gỗ nguyên liệu 90 triệu USD, lúa mì 50 triệu USD, 1,4 triệu tấn phân bón, trị giá 444 triệu USD.

Trong 6 tháng, cả nước đã phải chi 286 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng hợp cả 6 tháng đầu năm, tổng chi phí nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản đạt 6,38 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất siêu nửa đầu năm 2010 của toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đã đạt tới 2,2 tỷ USD, đây là con số khá ấn tượng trong tình hình hiện nay.

(Theo vneconomy.vn)

Ăn ít gạo trắng để giảm tiểu đường?

Thay thế gạo trắng với gạo nâu và bánh mì bằng bột mỳ nâu có thể giảm nguy cơ bệnh tiểu đường tới một phần ba, các chuyên gia Mỹ cho biết.

Gạo trắng đe dọa gây bệnh tiểu đường vì nó làm tăng nhanh mức đường trong máu, theo như các nhà nghiên cứu của đại học Harvard tại Viện mang tên tiếng Anh là Archives of Internal Medicine.

 Gạo trắng có chỉ số glycaemic cao hơn ở gạo nâu.

Gạo nâu và các loại thực phẩm ngũ cốc vẫn còn nguyên cám khác là một lựa chọn lành mạnh hơn cho sức khỏe vì chúng thải lượng đường glucose ra dần dần, các nhà nghiên cứu nói.

Nghiên cứu này dựa trên các bảng câu hỏi tham khảo, một số người nói rằng dữ liệu không đủ mạnh mẽ để đưa đến kết luận chắc chắn.

Ví dụ nội dung nghiên cứu nói có thể những người ăn ít gạo trắng thì có xu hướng có lối sống lành mạnh hơn.

“Nâu tốt hơn'

Trong nghiên cứu với gần 200.000 người Mỹ, việc tiêu thụ gạo trắng có liên quan tới tiểu đường loại 2.

Sau khi điều chỉnh về tuổi tác và các yếu tố có nguy cơ gây bệnh tiểu đường khác, những người ăn 5 phần gạo trắng (mỗi phần là 150g) hay hơn 5 phần mỗi tuần thì nguy cơ dễ mắc bệnh tiểu đường tăng 17% so với những người tiêu thụ chưa tới một phần ăn – tức khoảng một chén gạo - mỗi tháng.

Mặc dù chỉ vài người - 2% - trong nghiên cứu này đã ăn nhiều gạo trắng như vậy, phát hiện này có ý nghĩa đáng kể.

Thế nhưng ăn gạo nâu dường như có tác động ngược lại, cắt giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2.

Những người ăn hai hoặc nhiều phần gạo nâu mỗi tuần có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường giảm 11% so với những người ăn ít hơn một phần ăn một tháng. 

Tiến sĩ Victoria King, Anh Quốc:"Cách tốt nhất để ngăn ngừa tiểu đường loại 2 là hoạt động và có một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng, đó là ít chất béo, muối và đường với nhiều trái cây và rau quả"

Căn cứ vào kết quả này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng thay thế 50g hoặc một phần ba của một phần ăn điển hình toàn gạo trắng bằng cùng một lượng gạo nâu sẽ dẫn đến giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 bớt được 16%.

Và thay thế gạo trắng bằng các loại còn nguyên cám, bao gồm gạo nâu và mì ống nâu, bánh mì nâu và yến mạch cán, có thể cắt giảm nguy cơ hơn một phần ba. 

Thành phần thực phẩm 

Tiến sĩ Qi Sun và các nhà nghiên cứu khác cho biết lời giải thích nằm trong thành phần của thực phẩm.

Giống như các loại thực phẩm hạt ngũ cốc nguyên cám khác, gạo nâu có nhiều chất xơ và chuyển thành năng lượng từ từ.

Ngược lại, gạo trắng đã mất cám và một phần của mầm gạo trong quá trình xay xát.

Điều này cho gạo trắng có chỉ số glycemic (GI) cao hơn - một thước đo thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu bao nhiêu so với cùng một lượng glucose hay lượng bánh mì trắng.

"Từ quan điểm y tế cộng đồng, thay thế các loại ngũ cốc tinh chế như gạo trắng bằng các loại hạt nguyên cám, bao gồm cả gạo nâu, nên được khuyến khích để giúp công tác phòng chống bệnh tiểu đường loại 2", theo các nhà nghiên cứu.

Các chuyên gia thường khuyên rằng ít nhất một nửa lượng carbohydrate đưa vào người cần phải đến từ ngũ cốc như gạo nâu.

Hơn 70% số gạo tiêu thụ ở các nước phát triển như Mỹ và Anh là loại trắng.

Tiến sĩ Victoria King của tổ chức Phòng chống Tiểu đường của Anh nói rằng, vì kết quả là từ các nhật ký tự ghi những thứ được ăn hàng ngày và bảng câu hỏi khảo sát, nên không thể đưa ra kiến nghị dứt khoát về cách thức các loại thức ăn nhất định, chẳng hạn như gạo nâu, có thể bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường loại 2 vào giai đoạn này.

"Cách tốt nhất để ngăn ngừa tiểu đường loại 2 là hoạt động và có một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng, đó là ít chất béo, muối và đường với nhiều trái cây và rau quả," bà nói.

(Theo BBC Tiếng Việt)

23/6/10

Hạt gạo Việt Nam: Muốn có thương hiệu, chất lượng phải cao

Nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, song chưa giải được bài toán chất lượng thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. 


Từ những năm 1990, gạo Việt Nam có xuất xứ từ Cần Thơ đã được các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu đi nhiều nước dưới thương hiệu ARI, với giá lên đến 300 USD/tấn. Trong khi cũng cùng chủng loại, các doanh nghiệp Việt Nam bán với giá chưa tới 200 USD/tấn, thậm chí còn không bán được!”.

Thông tin trên được GS. Võ Tòng Xuân đưa ra tại hội thảo “Gạo Việt Nam - vấn đề chất lượng, thị trường và thương hiệu” do Cậu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tổ chức vào ngày 30/5 tại Cần Thơ. GS. Võ Tòng Xuân kết luận: “Đây chính là giá trị của thương hiệu. Bởi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu gạo Việt Nam với thương hiệu nổi tiếng ARI, còn doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại”.
Lợi thế của gạo có thương hiệu

Từ năm 1995, Nông trường Sông Hậu là đơn vị đã ý thức được vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc nông trường, cho biết Nông trường Sông Hậu đã tự thiết kế mẫu mã, bao bì và thương hiệu gạo Nàng thơm Sông Hậu để giới thiệu trên thị trường. Tiếp theo đó là các thương hiệu gạo Hoa Hồng, Hoa Sứ. Mới đây nhất là thương hiệu gạo Sohafarm của Nông trường Sông Hậu đã được giới thiệu và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã xuất khẩu được trên 1 triệu tấn gạo mang thương hiệu Việt là Sohafarm. Mặc dù giá bán chỉ cao hơn gạo “không tên tuổi” chỉ từ 2-3 USD/tấn, nhưng bù lại là chưa có một khách hàng nào than phiền về chất lượng-điểm yếu mà các doanh nghiệp khác thường gặp phải”, bà Sương nói.

Không hướng đến mục tiêu xuất khẩu, Công ty Minh Cát (TP.HCM) nhắm đến thị trường nội địa với 80 triệu dân. Năm 2004, Minh Cát bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo Kim Kê. Chưa đầy một năm, từ chỗ không ai biết đến doanh nghiệp Minh Cát, nay Minh Cát đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định với 15.000 hộ gia đình, mỗi tháng doanh nghiệp cung ứng ra thị trường 150 tấn gạo mang thương hiệu Kim Kê.

Chất lượng kém, làm sao xây dựng thương hiệu!

GS. Võ Tòng Xuân cho rằng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam không phải là vấn đề mới, bởi từ lâu đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi nước ngoài với thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn của gạo xuất khẩu Việt Nam là thường xuyên bị lẫn lộn nhiều giống, tạp hạt có màu và thời gian giao hàng cho khách thường chậm trễ, nên thương hiệu gạo Việt Nam khó tồn tại trong lòng người tiêu dùng lâu.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty Minh Cát, cho biết đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt vấn đề nhập khẩu gạo Kim Kê, khách hàng đã đồng ý về bao bì, quy cách, nhưng khi so sánh với chất lượng gạo của Thái Lan, khách hàng đã từ chối không mua. “Chất lượng gạo của Việt Nam thường không ổn định, cùng một loại gạo đặc sản, nhưng độ đồng đều của hạt gạo không có, chất lượng thì vụ đông xuân khác vụ hè thu... điều này làm cho giá trị hạt gạo Việt Nam thua xa Thái Lan” - ông Dũng bức xúc.

Liên quan đến vấn đề chất lượng gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đã nêu ví dụ làm nhiều người phải thầm tiếc. Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm với giá từ 360-380/tấn, cao hơn gạo “không tên” trên 100 USD/tấn. Thấy hiệu quả cao, năm 2005, nông dân đã đổ xô vào trồng gạo thơm, từ diện tích chỉ 60.000 ha năm rồi, nay tăng lên đến 180.000 và chất lượng gạo thì có đến 40% bị lẫn nhiều giống khác.

Hậu quả, khách hàng từ chối không mua và dự định năm nay lượng xuất khẩu chỉ còn trên 20.000 tấn. Ông Phong kết luận: “Chừng nào chưa giải được bài toán chất lượng cho hạt gạo thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Đột phá từ khâu giống

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam, Nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý xây dựng những thương hiệu mạnh cho một số sản phẩm gạo đặc sản của Việt Nam, như gạo thơm An Giang, Tám Xoan, Hải Hậu...

Ông Phong cho biết, kinh nghiệm từ Thái Lan khi bắt tay xây dựng cho thương hiệu gạo của họ là từ khâu giống. Nông dân Thái Lan hầu hết đều sử dụng giống xác nhận, không giống như Việt Nam nông dân thường sử dụng lúa thu hoạch để làm giống cho vụ sau, nên thường lẫn nhiều loại giống.

TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng để phát triển giống lúa có phẩm chất gạo ngon, tăng cường khả năng cạnh tranh cho gạo Việt Nam, phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: sử dụng giống lúa đặc sản có mùi thơm, giống lúa có hàm lượng cao về protein; phát triển công nghệ hạt giống và phát triển công nghệ sau thu hoạch.

(Theo Người Lao Động)

Tổng quan về gạo

Gạo:

Gạo là một sản phẩm lương thực thu từ cây lúa. Hạt gạo thường có màu trắng, nâu hoặc đỏ thẫm, chứa nhiều dinh dưỡng. Hạt gạo chính là nhân của thóc sau khi tách bỏ vỏ trấu và cám. Gạo là lương thực phổ biển của gần một nửa dân số thế giới.

Nguồn gốc:

Cây lúa hiện nay được nông dân gieo trồng là kết quả xử lý trong phòng thí nghiệm và lai tạo tự nhiên cũng như nhân tạo của nhiều thế kỷ từ cây lúa dại.
Vì quỹ đất có giới hạn, các nhà khoa học đang nghiên cứu biến đổi gien của cây lúa để tạo ra giống lúa mới có năng suất cao, chống được bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt, đồng thời rút ngắn thời gian chăm bón và sớm cho thu hoạch. Những thành công ban đầu của lúa biến đổi gien đã được ghi nhận, song hiện các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được liệu loại lúa này có tác động xấu đến sức khỏe con người hay không.

Sản xuất:

Gạo là sản phẩm từ cây lúa và nằm trong một quá trình sản xuất nông nghiệp, thường bao gồm những khâu chính sau: làm đất, chọn thóc giống, gieo hạt, ươm mạ, cấy, chăm bón (bón phân, đổ nước), gặt và xay xát.
Gạo là nguồn thu nhập và cuộc sống của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới. Họ dùng khoảng 150 triệu hecta hàng năm để trồng lúa, với sản lượng khoảng 600 triệu tấn.
Châu Á là nơi sản xuất và cũng là nơi tiêu thụ khoảng 90% lượng gạo toàn thế giới.
Ở châu Phi, gần như toàn bộ 38 nước đều trồng lúa, song diện tích lúa ở Madagascar và Nigeria chiếm 60% tổng diện tích lúa tương đương 8,5 triệu hecta của châu lục này. Năng suất lúa của châu Phi thấp, khoảng 1,5 tấn/ha và chỉ bằng 40% năng suất của châu Á.
Phần lớn cây lúa nói đến trong sản xuất là lúa nước (tức ruộng lúa phải ngập nước theo một tiêu chuẩn khắt khe), song cũng có những loài lúa mọc trên ở vùng đồi núi mà ít cần đến công tác thủy lợi.

Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam:

Việt Nam có hai vùng trồng lúa chính là đồng bằng sông Hồng ở phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Hàng năm sản lượng của cả nước đạt 33-34 triệu tấn thóc, trong đó chỉ sử dụng khoảng 8 triệu tấn (tương đương 4 triệu tấn gạo sau khi xay xát) cho xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ trong nước và bổ sung dự trữ quốc gia.

Ở miền Bắc một năm có hai vụ lúa chính: vụ chiêm và vụ mùa.

Ở miền Nam, nông dân trồng ba vụ một năm: vụ đông xuân (có sản lượng cao nhất và thóc cũng đạt chất lượng tốt nhất cho xuất khẩu), vụ hè thu và vụ ba. Do lũ hàng năm ở đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây ảnh hưởng đến sản xuất, một phần nữa người dân có thể kiếm lời ổn định hơn từ việc nuôi thủy sản (tôm) hay trồng cây ăn quả, chính quyền đã khuyến cáo nông dân giảm và chuyển đổi một phần đất trồng lúa vụ ba.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bộ chủ quản, quản lý việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Các loại gạo:

  • Gạo xuất khẩu ở Thái Lan gồm: gạo thơm và gạo trắng hạt dài.
  • Gạo ở Việt Nam gồm: gạo nếp (dẻo, dính) và gạo tẻ. Việt Nam xuất khẩu các loại gạo sau: gạo 5% tấm đánh bóng 1 lần
  • Các thể loại khác: gạo basmati (Ấn Độ)

Gạo - lương thực:

Gạo là một nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể. Con người hấp thụ chất bột và một số vitamin từ gạo.
Có khoảng 2 tỉ người ở châu Á dùng gạo và các chế phẩm từ gạo để bổ sung 60% tới 70% nguồn năng lượng hàng ngày cho cơ thể.

Gạo - hàng hóa:

Hàng năm có khoảng trên 20 triệu tấn gạo được dùng làm hàng hóa buôn bán trên toàn thế giới. Tổ chức Nông Lương (Food and Agriculture Organisation, hay FAO) của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2006 sản lượng gạo hàng hóa có thể đạt 27,8 triệu tấn, so với 29 triệu tấn trong năm 2005.

Khủng hoảng thiếu gạo:

Bắt đầu từ khoảng cuối tháng 3 năm 2008, tình hình thiếu thốn lương thực - đặc biệt là gạo - trên toàn thế giới diến ra hết sức nhanh chóng. Theo dự đoán của bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2008 trữ lượng gạo toàn cầu sẽ giảm xuống tới mức thấp nhất trong 25 năm qua, có thể gây ra “cơn đói” mới. Giá gạo liên tục tăng gấp nhiều lần chỉ trong vài tháng, mặc dù theo thông báo sản lượng gạo của các nước xuất khẩu gạo vần liên tục tăng.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra về cuộc khủng hoảng gạo lần này, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì chủ yếu do các nguyên nhân sau:
  • Sự xao lãng vấn đề nông nghiệp của một số nước.
  • Vấn đề qui hoạch không hợp lý.
  • Sự khó khăn của các nhà cung cấp & chủ trương hạn chế xuất khẩu gạo của một số nước XK gạo.
  • Sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên phạm vi toàn cầu (dầu...) dẫn đến chi phí sản xuất tăng.
  • Thiếu đất, thiếu nước, thiếu nguồn lao động nông nghiệp.
  • Thiếu những nguồn đầu tư cần thiết cho nông nghiệp.

Các nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ chính:

Theo FAO năm 2005 thế giới sản xuất 628 triệu tấn gạo, đạt mức kỷ lục, nhờ giá cả tăng trong năm 2004 làm tăng diện tích trồng trọt.
  • Nước sản xuất & xuất khẩu:
    • Thái Lan: là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hàng năm bán từ 7 triệu đến 8 triệu tấn trên sản lượng hàng năm khoảng 26 triệu tấn. Đây là quê hương của gạo thơm Jasmine.
    • Việt Nam: hàng năm xuất khẩu 4 triệu đến 5 triệu tấn.
    • Mỹ
    • Pakistan
    • Ấn Độ: xuất khẩu năm 2005 ước khoảng 4 triệu tấn.
    • Tổ chức các quốc gia xuất khẩu gạo OREC (Organization of Rice Exporting Countries)
    • Nước tiêu thụ: Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Malaysia, Iraq, Iran, Algérie, Nigeria, Tanzania.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...