Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

30/7/10

Philippines dự kiến giảm 50% lượng gạo nhập khẩu

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, dự tính năm 2011 sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu.


Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Proceso Alcala cho biết quyết định cuối cùng sẽ được thông báo vào tuần tới, sau khi các chuyên viên của bộ này hoàn tất bản báo cáo về sản lượng gạo thu hoạch được và lượng gạo cần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo ông Alcala, lý do giảm nhập khẩu gạo là chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tăng năng suất các vụ mùa, trong khi lượng tiêu thụ gạo của người dân Philippies đang có xu hướng giảm. Tính trung bình hiện nay mỗi người Philippines tiêu thụ 119kg gạo/năm, so với mức 128kg năm 2009.

Do bị ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai bão lụt, Philippines dự kiến nhập khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo trong năm nay, trong đó phần lớn là gạo của Việt Nam./.

(Theo Vietnamplus)

Được nông dân thì chết doanh nghiệp!

Chuyến đi khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa hè thu 2010 tại An Giang và Đồng Tháp của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây có nhiều điều không vui.


Hầu hết những nông dân mà đoàn khảo sát đến thăm đều cho rằng giá lúa đang đứng ở mức 3.200-3.500 đồng/kg nhưng khó bán. Thậm chí tại Đồng Tháp, vụ hè đang thu hoạch rộ lên nhưng lúa tươi bán tại ruộng chỉ 2.700 đồng/kg, còn lúa khô hạt dài trên 3.000 đồng/kg, lúa IR 50404 giá dưới chỉ 3.000 đồng/kg. Người trồng lúa than: Nghe nói nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa hè thu cho dân với giá tối thiểu 3.500 đồng/kg nhưng họ không thể bán tới giá này.

Ngay chính Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ xác nhận hiện doanh nghiệp vẫn mua theo giá thị trường. Điều này có nghĩa là sau gần một tuần Chính phủ triển khai mua 1 triệu tấn lúa tạm trữ thì thị trường hầu như không thay đổi. Có chăng chỉ một vài địa phương giá lúa có nhích lên vài trăm đồng/kg.

Việc doanh nghiệp dù đã có lệnh từ trên ban xuống nhưng không mặn mà thu mua là do lúa gạo hè thu có chất lượng xấu, rất khó xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo báo cáo của VFA, hết tháng 6-2010, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp còn rất nhiều, lên tới gần 1,4 triệu tấn. Bảo đảm đồng vốn và lợi nhuận luôn là điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Cho nên việc doanh nghiệp chần chừ thu mua lúa gạo hè thu là điều dễ hiểu. Chính Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong từng than thở trước công văn chỉ thị mua tạm trữ 1 triệu tấn: “Mua để nông dân lãi dưới 30% thì trái với chủ trương nhưng lãi trên 30% thì doanh nghiệp te tua!”.

Theo ông Nguyễn Thể Hà, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, nếu thật sự bảo đảm mức lãi 30% như chủ trương của Chính phủ thì đời sống người trồng lúa sẽ không đến nỗi nào. Nhưng trên thực tế, với lúa gạo vụ hè thu, ngay cả doanh nghiệp, thương lái còn chê thì lấy đâu ra mức lãi đó.

Bao nhiêu năm hô hào phải bảo đảm lãi 30% cho người trồng lúa mà họ vẫn nghèo, thậm chí nợ nần chồng chất.

(Theo Pháp luật)

“Cứu” giá lúa: Cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Nhiều tỉnh tiếp tục kêu khổ cho người trồng lúa và đề xuất Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành khác và Chính phủ cần có cơ chế tổ chức, điều hành xuất khẩu gạo tốt hơn.


Đó là nội dung chủ yếu của hội nghị giao ban sản xuất vụ hè thu năm 2010 diễn ra tại Kiên Giang ngày 23-7.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFF), cho biết: Tình hình xuất khẩu gạo nhìn chung thuận lợi và chỉ tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay là khả quan. Tuy nhiên do chất lượng gạo hè thu kém nên giá thu mua khó có thể nâng lên.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hoặc khoanh giãn nợ ngân hàng để nông dân giảm áp lực bán tháo lúa trong thời gian rớt giá. Hoặc hỗ trợ thông qua việc cho các hợp tác xã vay vốn ưu đãi. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với quan điểm này. “Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ nhưng doanh nghiệp lại tự chủ mua theo cơ chế thị trường nên doanh nghiệp gặp khó. Nếu doanh nghiệp mua lúa của dân vào thời điểm giá lúa xuống còn 2.800 đồng/kg vào cuối tháng 6 thì nông dân chết. Do vậy, tôi đề xuất chúng ta cần nghiên cứu tiếp để giải quyết khúc mắc này. Tôi rất quan tâm đến chuyện cơ chế tổ chức trong khâu thu mua, xuất khẩu hơn là hỗ trợ cho ai” - ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề xuất.

(Theo Pháp luật)

Mua gạo tạm trữ mới được hơn 20%

Vụ lúa hè thu năm nay toàn vùng ĐBSCL gieo trồng 1,62 triệu héc ta với năng suất ước tính 4,96 tấn/héc ta.


Tính đến hôm qua 23-7, các doanh nghiệp đã mua được 216.000 tấn gạo trong chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ, còn rất thấp so với nhu cầu tiêu thụ của nông dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù các ngân hàng thương mại đã đủ nguồn vốn cho vay thu mua tạm trữ nhưng lượng lúa gạo được mua còn thấp so với lượng lúa hàng hóa mà các địa phương đang cần tiêu thụ.

Giá lúa ở các tỉnh ĐBSCL tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, khoảng 3.300 – 3.800 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cao, giá lúa phải từ 4.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo để nông dân có lãi.

Vụ lúa hè thu năm nay toàn vùng ĐBSCL gieo trồng 1,62 triệu héc ta với năng suất ước tính 4,96 tấn/héc ta, sản lượng ước đạt 8 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2009.

(Theo cafef)

25/7/10

FAO giảm dự báo về sản lượng gạo thế giới do hạn hán

Theo nguồn tin Bloomberg, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa điều chỉnh giảm dự báo về sản lượng gạo thế giới năm 2010 do hạn hán kéo dài ở khu vực sông Mêkông ảnh hưởng tới loại cây trồng cung cấp lương thực cho hơn một nửa dân số thế giới này. Sau khi đánh giá tình hình thu hoạch ở Châu Á, trong đó có Thái Lan, FAO dự báo sản lượng lúa có thể chỉ đạt 704,4 triệu tấn trong năm nay, hay khoảng 470 triệu tấn gạo. Con số này thấp hơn mức 710 triệu tấn dự báo hồi tháng 4. 


Nhu cầu gạo thế giới năm nay dự báo đạt 461 triệu tấn, tăng so với 454 triệu tấn dự báo hồi tháng 4.

Theo nguồn tin của Uỷ ban Sông Mêkông, khô hạn đã làm nước sông Mêkông giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Sông Mêkông chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Campuchia và Lào. Diện tích lúa phụ thuộc vào nước sông Mêkông cung cấp lương thực cho trên 300 triệu người.

Nhiều nhà khoa học đánh giá đợt hạn hán nặng nề tại nhiều nước châu Á, châu Âu đang đe doạ an ninh lương thực toàn cầu.

Liên quan đến đợt nắng nóng này, Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ ngày 15/7 công bố tháng 6 vừa qua là tháng nắng nóng nhất từ trước đến nay trên thế giới. Cụ thể là nhiệt độ trung bình trên bề mặt nước biển và bề mặt đất liền là 16,2 độ C, tăng 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình trong cả thế kỷ XX.

Các khu vực có nền nhiệt trung bình cao nhất là Peru, các bang miền Trung và Đông nước Mỹ, khu vực Đông Á và Tây Á.

Chỉ số Giá Gạo của FAO, đo bằng 16 giá trên toàn cầu, đã giảm 15% từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay bởi dự kiến sản lượng gạo ở Ấn Độ sẽ tăng, vì Ấn Độ là nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ 2 thế giới. Song thực tế có thể sẽ không như dựđoán.

Mưa ở Ấn Độ - nguồn cung cấp nước chính cho 235 triệu nông dân của nước này – đã thấp hơn 13% so với bình thường, theo thống kê của Cục Khí tượng Ấn Độ.

Giá gạo ở Chicago đã lên tới đỉnh cao 16,27 USD/100 lb tháng 12 năm ngoái khi cả thế giới lo ngại Ấn Độ sẽ trở thành nước nhập ròng gạo lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Hiện giá gạo tại Chicago là 9,84 USD/100 lb.

(Vinanet)

Chi hàng triệu USD nhập cám gạo

TT - Ít ai nghĩ rằng nước ta mỗi năm sản xuất trên 35 triệu tấn lúa, lại phải nhập khẩu hàng ngàn tấn cám gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện tại cám nguyên liệu, đặc biệt là cám gạo, không phải là mặt hàng chính trong cơ cấu nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống của VN, bởi chỉ chiếm gần 1% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2009. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến trong hơn hai năm qua.

Theo số liệu của cơ quan hải quan, trong năm tháng đầu năm 2010 lượng cám gạo nhập khẩu trên 6.000 tấn với kim ngạch trên 10 triệu USD, tăng 170% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ, chiếm 80-90% tỉ trọng trong cơ cấu nhập khẩu.

Theo các nhà nhập khẩu, giá cám nhập khá rẻ so với cám trong nước. Chính vì vậy, thị trường cám gạo nhập khẩu trong nước trở nên sôi động với hàng chục nhà nhập khẩu lớn và hàng trăm nhà buôn nhỏ trên khắp cả nước. Ngay cả những công ty môi giới nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ngoài mới đây cũng bổ sung mặt hàng cám gạo tại thị trường VN.

“Bên tôi đang cung cấp cám gạo từ Ấn Độ với giá 167 USD/tấn theo phương thức CNF (người bán thuê tàu) với số lượng lớn” - nhân viên kinh doanh của một công ty Ấn Độ tại TP.HCM cho biết.

Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, thừa nhận các doanh nghiệp VN ngày càng nhập khẩu nhiều cám gạo từ nước ngoài do giá bán rẻ hơn cám gạo trong nước.

“Các nhà cung cấp Ấn Độ đang chào hàng công ty tôi giá cám gạo là 155 USD/tấn theo hình thức CNF. Mặt hàng này không bị thuế nhập khẩu, chỉ chịu 5% VAT, cộng chi phí cảng, vận chuyển thì giá về đến kho cũng chỉ ở mức 3.300 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với giá cám trong nước đang ở mức 4.050 đồng/kg” - ông Bình tính toán.

Theo ông Phạm Đức Bình, không chỉ giá rẻ, chất lượng cám gạo nhập khẩu cũng không thua kém hàng trong nước, thậm chí còn tốt hơn. Bởi vì cám trong nước là cám y (cám nguyên, chưa trích ly lấy chất béo) nên không để được lâu, chỉ 1-2 tuần là hỏng. Trong khi cám nước ngoài đã được lấy dầu nên thời gian bảo quản lâu hơn và độ đạm cũng cao hơn. So với cám trong nước, cám nhập có độ ẩm thấp hơn (9% so với 14%) và độ đạm cao hơn (16% so với 12%).

Tuy nhiên, nhập khẩu cám nước ngoài gặp không ít rủi ro khi giá thế giới biến động mạnh và thời tiết. “Nhập khẩu cám từ Ấn Độ giống như đánh bạc với thời tiết và điều kiện vận chuyển. Chỉ cần sơ hở một chút là cả lô cám bị mốc coi như bỏ đi” - ông Bình cho biết.

Chính vì vậy, các hãng bảo hiểm khi nhắc tới hàng cám nhập này đã thẳng thừng tuyên bố chỉ bảo hiểm cho hàng bị mất chứ không bảo hiểm nếu bị mốc do thời tiết. Chưa kể trong điều kiện giá cả thế giới biến động thất thường thì có thể bị hủy hợp đồng đã ký hoặc nhận phải hàng kém chất lượng.

Theo bà Phan Hồng Liên, chuyên gia phân tích của Công ty Nghiên cứu và phân tích thị trường (Agromonitor), một nước xuất khẩu gạo lớn như VN, mỗi năm cung cấp 5-6 triệu tấn cám gạo cho thị trường thức ăn chăn nuôi, việc phải nhập khẩu cám gạo ngày càng nhiều là điều cần phải xem lại về mặt chiến lược phát triển ngành thức ăn chăn nuôi.

TRẦN MẠNH

Giá lúa tăng nhẹ: Tín hiệu vui?

Giá lúa ở ĐBSCL tại thời điểm này đã nhích lên từ 200 - 400 đồng/kg. Tuy ở mức giá này, người dân vẫn chưa đảm bảo lợi nhuận như những mùa vụ trước nhưng qua đó, đã phát đi những tín hiệu tích cực từ chỉ đạo mua tạm trữ gạo của Chính phủ.

Nhiều nông dân ở ĐBSCL cách đây chỉ một tuần còn không thể biết được những hạt lúa sau khi thu hoạch của mình sẽ được định đoạt ra sau. Nay thì khác hẳn, giá lúa đã phát đi những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp công bố thu mua lúa gạo tạm trữ.

Hiện giá lúa hè thu tăng 200 - 300 đồng/kg. Cụ thể, lúa hạt dài tăng từ 3.800 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg; lúa IR 50404 từ 3.300 - 3.400 đồng/kg lên 3.500 - 3.600 đồng/kg. Mặc dù ở mức giá này chưa đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân, nhưng phần nào đã giúp họ có thể trang trải những khoản nợ phân bón, thuốc sâu mua trả sau với lãi suất cao của các đại lý.

Ông Trần Văn Thơ, một nông dân trồng lúa phấn khởi: “Bây giờ lúa cũng đã có người vào mua rồi. Nhưng với giá này thì vẫn còn thấp. Tôi cũng đã bán một ít. Chờ lên nữa thì bán hết để làm vụ mới”.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu mua 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu năm 2010, thời hạn mua tạm trữ tính từ ngày 15/7 đến 15/9/2010. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp Nhà nước đã và đang có những động thái tích cực cùng với “đòn bẩy” hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Do vậy, hoạt động thu mua lúa gạo nguyên liệu tại vùng sản xuất lớn nhất nước này có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn chậm so với sản lượng lúa tồn đọng lớn.

Năm nào cũng vậy, khi lúa hè thu sụt giảm, khó tiêu thụ, Chính phủ lại “dang tay” đưa ra chính sách tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ lúa, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu về dài, cần có sự điều chỉnh trong sản xuất, thời vụ gieo cấy; đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống kho chứa, phơi sấy lúa gạo và mở rộng thị trường xuất khẩu. Có như vậy hạt gạo “một nắng hai sương” của người nông dân mới không bị xuống giá, bấp bênh như hiện nay.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay: “Giá lúa gạo đã có nhích lên. Dân bắt đầu được thu mua lúa nhiều hơn. Họ cũng có phấn khởi. Tuy nhiên, mong muốn của tỉnh cũng như người dân là làm sao giá lúa được từ 5.000 đồng trở lên thì nông dân mới có lời”.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là hầu hết việc mua gạo nguyên liệu dự trữ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty lương thực được giao chỉ tiêu. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì vẫn chờ hoặc chỉ thu mua có hạn để cung ứng gạo cho thị trường nội địa. Lý do họ đưa ra là, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn, chưa giải phóng hết và đang phải xoay xở để trả lãi suất ngân hàng. Do vậy, với mức giá lúa như hiện nay vẫn chưa đủ để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và cho cả nông dân sau một mùa vụ khó nhọc. Và thực tế là đại đa số nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn chưa được đảm bảo lợi nhuận sau một mùa vụ khó nhọc.

Ông Trần Văn Trung ở tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: “So với giá vật tư, phân bón thì giá lúa còn thấp. Vì vậy, nông dân chúng tôi tiếp tục kiến nghị tăng cường hơn nữa việc thu mua lúa và có những chính sách đồng bộ để nông dân phấn khởi và đầu tư lâu dài hơn.”

Doanh nghiệp và người dân cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng triển khai các biện pháp đồng bộ hơn. Qua đó, hỗ trợ nông dân ở vựa lúa vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho một vụ mùa mới./.

(Báo TNVN)

Giá lúa của VFA chỉ có giá trị tham khảo

Theo nhiều nông dân ĐBSCL, giá lúa mà Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, chỉ có giá trị tham khảo vì giá lúa tại các tỉnh này đã cao hơn 3.500 đồng/kg, mức giá tối thiểu mà VFA ban hành.


 Ông Hoàng Kim, một nông dân tại huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, hiện giá lúa tại Đồng Tháp ở mức 3.700 đồng/kg đối với lúa OM 4218 cho xuất khẩu, trong khi lúa IR 50404 được thương lái mua giá ở mức 3.500 đồng/kg tại ruộng.

“Nếu VFA mua lúa IR 50404 với giá 3.500 đồng/kg, nghĩa là giá lúa mà thương lái sẽ mua của nông dân thấp hơn 3.500 đồng/kg do nông dân không thể chở lúa đến tại các doanh nghiệp thuộc VFA để bán được. Như vậy, việc thu mua 1 triệu tấn quy gạo của chính phủ với giá lúa 3.500 đồng/kg không đẩy giá lúa lên chút nào cả”, ông Kim cho biết.

Theo ông Ngô Văn Bầm ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, trong mấy ngày qua mặc dù chương trình thu mua 1 triệu tấn gạo hè thu đã có hiệu lực nhưng giá lúa tại thị xã Hồng Ngự vẫn ở mức 3.500-3.700 đồng/kg từ đầu tháng 7 đến nay.

Theo một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, giá lúa tại huyện Cái Bè, Cai Lậy bán tại ruộng là 3.500 đồng/kg lúa IR 50404; còn lúa hạt dài, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được thương lái mua với giá 4.000 đồng/kg.

“Việc VFA đưa ra giá thu mua 3.500 đồng/kg để mua 1 triệu tấn quy gạo dự trữ sẽ không đẩy giá lúa lên như người nông dân mong muốn vì giá hiện tại được nông dân bán tại ruộng đã giao động ở trên mức đó, chỉ những người dân không có nhà kho chứa gạo dự trữ mới đồng ý bán cho doanh nghiệp với mức giá đó mà thôi”, ông này cho biết.

(Theo TBKTSG Online)

Tình hình thu mua tạm trữ lúa hè thu tại Đồng bằng sông Cửu Long

 Giá thấp, sức mua chậm

Trong hơn 10 ngày qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chỉ đạo cho 48 doanh nghiệp thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đến thời điểm này tình hình thu mua lúa tại các tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
 
Trồng được hạt lúa đã khó, bán được hạt lúa còn vất vả hơn nhiều

Tiến độ thu mua chậm

Lãnh đạo một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp thu mua tạm trữ không thiếu nhưng tình hình thu mua vẫn không khả quan hơn. Điển hình như Tiền Giang đã chủ động được nguồn vốn 500 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ. Nhưng, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tại tỉnh đăng ký tiếp nhận nguồn vốn này.

" Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu đề xuất:

“Việc thu mua tạm trữ gạo nên công bố từ đầu năm, chứ không để đến khi giá lúa gạo rớt mới can thiệp”. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp đồng tình. Việc công bố mua tạm trữ từ đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp và cả nông dân chủ động trong mua - bán lúa gạo hàng hóa. "

Ước tính vụ hè thu năm nay, tỉnh Hậu Giang thu hoạch khoảng 200.000 tấn gạo nhưng chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ được 15.000 tấn gạo. Mặc dù, chủ động được nguồn vốn 100 tỷ đồng nhưng đến cuối tuần qua doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang mới thu mua vẻn vẹn 200 tấn gạo với giá lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 3.500-3.800 đồng/kg. Trước tình hình tiêu thụ lúa hè thu khó khăn, giá thấp, ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho rằng, do chất lượng gạo thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cộng với tình hình suy giảm kinh tế thế giới, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu gạo. Không riêng gì Hậu Giang mà hầu hết ở các tỉnh, thành ĐBSCL tình hình tiêu thụ lúa gạo thời gian qua phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành TƯ. Trước hết, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xúc tiến tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.  Đồng thời sớm triển khai xây dựng và đưa dự án kho chứa lúa tại huyện Châu Thành A vào hoạt động. Tăng cường chỉ đạo Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang chủ động hơn trong việc thu mua lúa tạm trữ, đảm bảo giá thu mua cho nông dân có lãi tối thiểu 30%... Tỉnh Cần Thơ cũng có tình trạng tương tự ở khâu tiêu thụ lúa gạo hè thu. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cần Thơ cho biết: “Cần Thơ đang cố gắng chỉ đạo 8 doanh nghiệp thu mua khoảng 95/200 ngàn tấn lúa trong vòng từ 3 đến 4 tháng cho bà con nông dân với giá sàn theo quy định là 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu có thực hiện đúng chỉ tiêu đề ra thì con số thu mua trên chỉ mới được 1/2 số lượng lúa mà nông dân Cần Thơ đang tồn kho”.

Thị trường ít dấu hiệu khả quan

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo vụ hè thu 2010 và hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa, gạo tạm trữ trong 2 tháng (từ 15-7 đến 15-9) đang tác động đến thị trường lúa gạo ở ĐBSCL và cả nước. Thực hiện chỉ đạo trên nhiều địa phương đã triển khai tiêu thụ lúa cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa bán được lúa do sức tiêu thụ của thị trường còn chậm, giá vẫn còn thấp... Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định: “Giá thu mua lúa gạo đã cao hơn trước. Hiệp hội đang điều phối để doanh nghiệp thực hiện thu mua ngay chứ không chần chờ gì nữa. Nhưng do tiến độ mùa vụ rộ hơn trước nên tình hình thu mua của mỗi địa phương ở các tỉnh miền Tây là khác nhau”. Mặc dù theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình thu mua lúa gạo tạm trữ có dấu hiệu khả quan nhưng theo ghi nhận của chúng tôi và phản ánh của nhiều lãnh đạo địa phương thì việc đẩy mạnh thu mua để kéo giá lúa gạo hè thu hầu như không thể thực hiện được. Bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự cân nhắc để không phải chịu lỗ trong việc thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ này.

 Để có thể giảm bớt nỗi lo cho nông dân, trong thời gian tới Cần Thơ sẽ thành lập đoàn kiểm soát tình hình thu mua lúa gạo xem các doanh nghiệp có thu mua với giá hợp lý cho bà con nông dân hay không? Một mặt, cố gắng động viên doanh nghiệp thực hiện thu mua theo chỉ tiêu được giao, mặt khác, tỉnh Cần Thơ tiếp tục động viên nông dân cấy thu đông. Do số lượng vụ lúa hè thu đang tồn kho nên nông dân phải chịu áp lực với nợ vay và nợ vật tư ứng trước. Mọi khó khăn vẫn đè lên vai người nông dân và nông dân sẽ lại đắng lòng xoay sở trong mùa vụ mới.

(Theo Đại đoàn kết)

21/7/10

Gạo huyết rồng không phải là gạo lứt

Trong khám và điều trị tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, các thầy thuốc đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường mắc bệnh nặng thêm do nhầm lẫn gạo huyết rồng là gạo lứt. 


Phương pháp thực dưỡng gạo lứt muối mè hay còn gọi là phương pháp Oshawa, xuất phát từ Nhật, được truyền miệng là tốt cho sức khỏe và chữa được một số bệnh.

Phương pháp này du nhập vào nước ta khá lâu nhưng gần đây trở nên phổ biến. Một số người đã áp dụng phương pháp này để hỗ trợ trong điều trị bệnh ung thư, béo phì, đái tháo đường, ăn chay, ăn để tăng cường sức khỏe.

Phương pháp này đúng - sai và có tác dụng tới đâu cần phải có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ cảnh báo một số ngộ nhận giữa gạo lứt và gạo huyết rồng, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường.

Gạo huyết rồng không phải là gạo lứt

Gạo lứt thường (brown rice) có nguồn gốc từ tất cả các loại gạo thông thường nhưng được xay sơ, chỉ vừa mới bóc đi lớp vỏ trấu, vẫn còn lớp cám bao bọc bên ngoài nên có màu nâu, bẻ đôi hạt gạo thấy lõi trắng bên trong, nếu giã sạch lớp cám này sẽ cho ra gạo trắng, loại chúng ta ăn hằng ngày.

Gạo lứt còn giữ lại lớp cám chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin E, B1, B3, B6, Mg, Mn, chất xơ, chất sắt.

Ở loại gạo trắng, qua quá trình xay giã kỹ sẽ mất 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, 50% Mn và hầu hết chất xơ.

Gạo lứt rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi đến các cửa hàng gạo tại TP.HCM mua gạo lứt bạn sẽ được bán loại gạo huyết rồng có màu đỏ. Thậm chí nhiều người bán còn giải thích đó là loại gạo lứt huyết rồng, trị bệnh còn tốt hơn cả gạo lứt.


Chỉ số đường huyết là gì?
Chỉ số đường huyết (CSĐH - có thang điểm từ 0-100) là khả năng làm tăng đường huyết ở người sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó.

Thực phẩm có CSĐH càng thấp thì càng làm thực phẩm tiêu hóa chậm, tăng thời gian lưu trong đường tiêu hóa, làm chúng ta no lâu hơn.

CSĐH được ứng dụng trong thực đơn của người bệnh đái tháo đường (giúp tăng đường huyết từ từ), người bệnh béo phì...

CSĐH được chia làm ba nhóm: thực phẩm có CSĐH thấp khi CSĐH <55, trung bình khi CSĐH 56-69 và cao khi CSĐH ≥ 70.
Gạo huyết rồng (red rice) là giống lúa sạ được trồng ở vùng nước ngập sâu, hạt lúa mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, gạo nấu cơm thơm ngậy, cơm gạo huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hay được dùng làm bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Như vậy, thực chất một số bà con theo phương pháp thực dưỡng gạo lứt muối mè đã dùng gạo huyết rồng chứ không thật sự dùng gạo lứt.

Gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết cao

Theo y văn thế giới, gạo lứt thuộc loại gạo có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình, phù hợp với người bệnh đái tháo đường và đối tượng béo phì ăn kiêng vì giúp tiêu hóa chậm, làm tăng đường huyết từ từ, ổn định đường huyết.

Trong khi đó theo nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, gạo huyết rồng lại có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao (chỉ số đường huyết của gạo huyết rồng là 75,1), hoàn toàn không phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường, vì nếu dùng thường xuyên sẽ làm mất ổn định đường huyết, làm bệnh nhân nhanh xuất hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, nếu người bệnh đái tháo đường áp dụng phương pháp thực dưỡng gạo lứt muối mè thì cần tìm mua đúng loại gạo lứt, tránh mua nhầm gạo huyết rồng, từ chữa bệnh lại thành hại chính mình.

(Theo Tuổi Trẻ)

18/7/10

Chỉ định 5 ngân hàng cho vay mua tạm trữ lúa, gạo

Ngân hàng Nhà nước ngày 8-7 đã chỉ định 5 ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Năm ngân hàng thương mại này bao gồm ngân hàng  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phát triển nhà ĐBSCL, Đầu tư và Phát triển, Ngoại thương và Công thương, sẽ cho các doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ lúa gạo theo phân bổ chỉ tiêu khối lượng cho từng doanh nghiệp của Hiệp hội lương thực Việt Nam.

Quyết định của Thủ tướng giao cho các doanh nghiệp vay mua lúa gạo tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu 2010. Việc cho vay được thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vay thu mua tạm trữ lúa gạo là mức thấp nhất trong khung lãi suất cho vay hiện hành của các ngân hàng, nằm trong khoảng từ 12%-12,5%/năm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian thu mua tạm trữ.

Thời gian triển khai cho vay và giải ngân thu mua lúa gạo tạm trữ 2 tháng, kể từ ngày 15-7 đến 15-9. Thời gian cho vay tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng, tính từ ngày 15-7 tới 15-11-2010.

(TBKTSG Online)

Dẻo ngon hạt gạo miền Tây

Người dân Nam Bộ đang trăn trở, lo toan để đưa hạt gạo Việt Nam hội nhập, vươn xa, đưa cuộc sống của người trồng lúa hướng tới mùa Xuân no ấm.


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Mỗi năm diện tích gieo trồng bình quân ở đây hơn 3,8 triệu ha lúa. Đây là nơi sản xuất ra gần 55% sản lượng lúa cả nước và cung cấp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Chính vì vậy, ĐBSCL luôn có một vị trí rất quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh lúa gạo của Việt Nam. Cũng vì thế mà cây lúa, hạt gạo vùng sông nước miền Tây luôn được Nhà nước quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhất là việc tổ chức sản xuất lai tạo các loại giống lúa gạo dẻo ngon và có giá trị kinh tế cao.

Vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Việt Nam, hiện nay, gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm thị phần quan trọng trong thị trường gạo toàn cầu. Riêng năm 2009, sản lượng lúa trong cả nước đạt 39 triệu tấn; xuất khẩu đạt hơn 6 triệu tấn đạt giá trị gần 2,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đạt tổng sản lượng 22,6 triệu tấn. Tuy nhiên, gạo Việt Nam chỉ mới tăng về năng suất, sản lượng mà chưa coi trọng đúng mức về chất lượng, nên giá trị chưa cao.

Trước thực trạng này, ông Trương Thanh Phong đề nghị: “Phải giải quyết cho được khâu thu hoạch lúa. Vì hiện giờ thu hoạch bằng máy mới được 28% và sấy mới được 25%. Nhà nước phải có chương trình, chính sách đặc biệt để đầu tư giúp bà con nông dân”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cũng thẳng thắn thừa nhận, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu chưa được liên kết thành một hệ thống thống nhất. “Do vậy, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tạo sự liên kết, bảo đảm sản xuất lúa gạo là một chuỗi thống nhất từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, xuất khẩu…”- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

Cũng theo ông Bùi Bá Bổng cho biết: Kết quả của sự tìm tòi, trả giá của ĐBSCL đã giải được bài toán khẩn hoang Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên của Đảng và Nhà nước ta. Bởi vì, trước đây người Pháp, sau này là người Mỹ, người Nhật, Hà Lan... đều bó tay vì cho rằng đây là vùng đất xấu. Giải pháp đúng đắn là "dẫn ngọt, ém phèn". Một biện pháp đơn giản mà tăng được cả triệu ha đất canh tác, biến ĐBSCL thành một công trường lớn xây dựng giao thông, thủy lợi. Cả Nhà nước và nhân dân cùng làm, tìm ra nhiều cách "sống chung với lũ".

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Các chuyên gia nghiên cứu giống lúa Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao chất lượng các loại giống lúa trong vùng, trước hết là tăng chiều dài, độ trong cho hạt gạo. Hiện tại, một bộ giống chủ lực "dẻo cơm thơm hạt" như IR64, OM1490, OM2031, MTL250, VND95-20, Khao39... có phẩm chất gạo cao, hạt dài trong, không bạc bụng, thơm ngon đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang được nhân rộng sản xuất đại trà. Riêng Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa cao sản ngắn ngày không những thơm ngon mà còn kháng được sâu rầy, cho năng suất cao, trong đó hơn 30 giống đã được thuần chủng gieo cấy đại trà và được người dân đón nhận.

Cũng chung mục tiêu này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho biết: Một loạt các biện pháp được thực thi tại ĐBSCL để giúp bà con nông dân và nâng cao giá trị lúa gạo; trong đó, chương trình quốc gia IPM hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và bón phân hữu cơ làm tăng phẩm chất gạo, lúa vẫn trúng mùa, giá thành hạ, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, nếu dùng máy sấy đạt tiêu chuẩn chất lượng, dù lúa thu hoạch ở thời điểm nào cũng tốt hơn phơi.  Do đó, đòi hỏi các nhà khoa học cùng góp sức để sản xuất ra các loại máy sấy đa dụng loại nhỏ, rẻ tiền, phù hợp với quy mô nông hộ, hoặc các kiểu máy sấy lớn đi liền với các nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu. Vấn đề quy hoạch cũng cần phải tính đến chuyện trồng bao nhiêu diện tích và trồng lúa xuất khẩu ở đâu để vừa nâng cao giá trị sản xuất lúa vừa bảo đảm an ninh lương thực cả nước, để giá cả không bị thả nổi, ổn định và có lợi cho người trồng lúa...

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Ngoài bộ giống lúa "nàng thơm" Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ðồng Tháp Mười và tỉnh Long An đã thực hiện thành công dự án khôi phục giống lúa Huyết rồng, một giống lúa đặc biệt, quý hiếm của Ðồng Tháp Mười có cách đây hàng trăm năm, gạo có mầu đỏ như huyết và hương vị thơm ngon béo ngậy, cho năng suất cao, thích hợp với chân ruộng mặn phèn.

Sau 21 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, hạt gạo Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trên trường quốc tế. Nhờ đó mà cùng với bà con nông dân cả nước, người dân nơi đây đã được đổi đời, đồng ruộng, thôn ấp từng ngày thay da đổi thịt Tết này, người dân Nam Bộ đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm nhờ cây lúa, hạt gạo ngày càng dẻo, càng thơm. 

(Theo VOV News)

17/7/10

Canh cá lóc rau cần

Bánh canh Nam Phổ

Năm 2010, nhu cầu gạo toàn cầu tới 461 triệu tấn

(Chinhphu.vn)- Tổ chức Lương Nông LHQ – FAO dự báo, hạn hán kéo dài ở khu vực sông Mekong khiến sản lượng thóc toàn cầu năm 2010 giảm mạnh và nhu cầu gạo của thế giới lên tới 461 triệu tấn. 

 Theo dự báo của FAO, nhu cầu gạo toàn cầu năm nay là 461 triệu tấn trong khi chỉ sản xuất được 470 triệu tấn

Ngày 15/7, FAO đã công bố dự báo mới về sản lượng thóc toàn cầu năm 2010 trong đó nhấn mạnh, do hạn hán kéo dài ở khu vực sông Mekong sản lượng thóc toàn cầu năm 2010 chỉ đạt khoảng 704,4 triệu tấn, tương đương 470 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với mức dự báo 710 triệu tấn thóc hồi tháng 4/2010.

FAO cũng dự báo nhu cầu gạo năm 2010 của thế giới lên tới 461 triệu tấn.

Theo Tổ chức này, thời tiết khô hạn đã làm mực nước sông giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo tại các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học đánh giá đợt hạn hán nặng nề tại nhiều nước châu Á, châu Âu đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Tại các thị trường lớn, giá ngũ cốc trong 2 tuần qua đã tăng gần 20%.

Liên quan đến đợt nắng nóng này, Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ ngày 15/7 công bố tháng 6 vừa qua là tháng nắng nóng nhất từ trước đến nay trên thế giới. Cụ thể là nhiệt độ trung bình trên bề mặt nước biển và bề mặt đất liền là 16,2 độ C, tăng 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình trong cả thế kỷ XX.

Các khu vực có nền nhiệt trung bình cao nhất là Peru, các bang miền Trung và Đông nước Mỹ, khu vực Đông Á và Tây Á.

Nguyễn Linh Đức

16/7/10

Gạo ngon có mấy loại?

Ba ngày tết nhất định trong mỗi gia đình phải có vài ba ký gạo ngon. Cơm gạo ngon không chỉ là tấm lòng thành dâng hương cúng ông bà tổ tiên sau một năm phù hộ độ trì con cháu làm ăn, mà còn thể hiện sự hiếu khách của gia chủ trong những ngày tết. 
 
 
 Thị trường hiện có hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau, nên để chọn được một loại gạo ngon thì không phải là chuyện dễ chút nào.Để mua được gạo ngon ăn tết, người tiêu dùng cần chọn những loại gạo có thương hiệu, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng. 
 
Điểm qua các cửa hàng kinh doanh gạo, có thể nhận thấy cừa hàng nào cũng có bày bán các loại gạo ngon với những tên gọi quen thuộc như: thơm lài, thơm Thái, thơm Đài Loan, thơm đặc biệt; tài nguyên, tài nguyên đặc biệt; gạo một bụi, hai bụi; nàng thơm chợ đào, hương lài, jasmine, gạo sóc, gạo Châu Long, chín con Rồng Vàng, hương đồng, hương lúa, đồng xanh, hạt ngọc, quê Việt, gạo thơm Mỹ… Giá trung bình của dòng gạo thơm dao động từ 12.000đ cho đến 26.000-28.000đ/kg.
Tuy có sự chênh lệch về giá bán, tên gọi, nhưng nhìn chung hạt gạo khi nấu ra cơm chỉ xoay quanh ở bốn tính chất cơ bản đó là: cơm dẻo, thơm, mềm và xốp. Chính vì vậy, theo ông Huỳnh Tín Dũng, giám đốc kinh doanh công ty Minh Cát Tấn, mặc dù gạo thơm, ngon có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thật chất chỉ chế biến từ trên dưới 10 giống lúa thuộc dòng cơm dẻo, thơm... được trồng ở các tỉnh ĐBSCL.

Ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty lương thực TP HCM thì kể ra những loại giống thường thấy đó là: Jasmine, KDM (hương lài, thơm lài), Hommali (giống lúa nhập từ Thái - thơm Thái), giống lúa Đài Loan (VD - Việt Đài - gạo thơm Đài Loan) và một vài giống dòng ST, OM trồng ở Sóc Trăng. Còn một đầu mối cung cấp gạo ở TP HCM lại cho hay, thực tế có 15 loại giống chủ lực, giá gạo thấp nhất là 6.500đ/kg, cao nhất là 18.000đ/kg. Từ 15 loại gạo này, các điểm kinh doanh gạo phối trộn cho ra trên 80 loại tên gọi khác nhau.

Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh gạo, những giống lúa thơm nói trên sau khi chế biến thường cho ra hạt gạo dài, ngắn, đục hoặc trong suốt, nhưng đặc điểm chung nhất là khi vốc nắm gạo lên sẽ có mùi thơm. Ví dụ, nếu đúng là gạo nàng thơm chợ đào, thì hạt gạo dài, mãnh (không to), đục, và có mùi rất thơm. 

Gạo nàng thơm chợ đào trồng vào vụ mùa cuối năm ở 6/11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Mỗi năm cho ra sản lượng khoảng 1.200 tấn gạo, tiêu thụ đến sau tết nguyên đán là hết, nên việc loại gạo này lúc nào cũng có trên sạp bán là không đúng.

Do đó, để mua được gạo ngon ăn tết, người tiêu dùng cần chọn những loại gạo có thương hiệu, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng. Theo tìm hiểu, tại TP HCM có một số thương hiệu gạo đang bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như: thơm lài, nàng thơm, tài nguyên, thơm Đài Loan của công ty Xuân Hồng; gạo kim kê của công ty Minh Cát Tấn; hương đồng, hương lúa, đồng xanh, hạt ngọc, quê việt, chín con rồng vàng của công ty lương thực TP; Pathumthani, Hommali (thơm thái nhập khẩu) của công ty Vạn Thịnh.. Những loại gạo thơm này, chí ít cũng được chế biến từ một giống lúa, mà không bị trộn lẫn nhiều loại giống như nhiều cửa hàng khác. Chẳng hạn, thương hiệu gạo Kim Kê (số hiệu từ 01-09), giá bán từ 18.000 - 21.000 đ/kg lấy từ các giống lúa trong nước như jasmine, tài nguyên, thơm Thái, thơm Đài Loan, hương lài. Trong khi đó, công ty Xuân Hồng, mỗi tháng tung ra thị trường 40 - 50 tấn gạo thơm lài, nàng thơm, tài nguyên, thơm Đài Loan mang thương hiệu Xuân Hồng thì chỉ bán trong hệ thống siêu thị, giá trung bình trên 19.200đ/kg…

Ngoài gạo sản xuất trong nước, thị trường TP còn xuất hiện gạo từ giống ngoại chính hiệu, như hai thương hiệu gạo Nhật Bản là Lovey, Fujisakura đang bán tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Metro, Citimart, Maximark, Lottemart, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn ở TP. Hai loại gạo này được chế biến từ bốn loại giống lúa thuần, gồm: Koshihikai, Akiatakomachi, Haranomai và Kinu. Những giống lúa này được công ty Angimexkitoku nhập từ Nhật Bản, đưa xuống cho nông dân trồng ở huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, An Giang, sau đó được đưa về TP.HCM tiêu thụ. Cơm gạo Nhật dẻo, có mùi gạo nhưng không thơm bằng một số giống trong nước, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu chuộng.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng thị trường TP tiêu thụ 50 - 60 tấn gạo Nhật. Ngoài gạo Nhật, thị trường TP cũng đang bán hai thương hiệu gạo Thái chính hiệu là Pathumthani, Hommali (thơm Thái) được nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện từ Thái, chứ không phải nhập về đóng gói. Gạo Thơm Thái chính hiệu nhập khẩu có cơm ngon, dẻo, mùi vị thơm của bắp non, còn gạo thơm Thái do nông dân trồng trong nước (giống hommali nhập từ Thái) chất lượng không bằng. Giá bán đối với gạo Pathumthani là 23.680 đ/kg, gạo Hommali 26.320 đ/kg, bán nhiều ở hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Một số cửa hàng chuyên bán thực phẩm Bắc còn có thêm một số loại gạo nương-trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hay gạo đặc sản của một số vùng lúa Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình…

(Theo baomoi.com)

9/7/10

Ăn cơm gạo lứt muối mè

Chuyện ăn gạo lứt muối vừng để dưỡng sinh hay chưa bệnh không còn là lạ với nhiều người. Có người lấy làm tâm đắc, cũng có người tỏ vẻ hoài nghi khiến thứ thực phẩm này thành ra... huyền bí.


Nói huyền bí cũng không ngoa khi một số người bệnh đã vái thầy thuốc tứ phương không thành lại sống khỏe nhờ phương pháp đơn giản - ăn gạo lứt muối vừng.

Chị Phạm thị Ngọc Trâm (số 103 ngõ Thái Thịnh 2, Thái Thịnh, Hà Nội) là trường hợp như vậy. Hồi nhỏ, có thời gian dài chị ăn thịt chim, ếch, ba ba và những loại thịt có nhiều chất đạm, đến lúc cơ thể chị thừa năng lượng không chuyển hoá được nên phát bệnh: người gầy rộc, mụn mọc nhiều, da xanh bủng, tính khi trở nên nóng nảy. Chị đi các bệnh viên, ăn kiêng, ăn chay đủ cách cũng không khỏi.

Một lần chị tình cờ đọc cuốn sách nói đến phương pháp thực dương, ăn gạo lứt muối vừng tốt cho người bị bệnh. Từ đó, chị áp dụng vừa ăn, vừa tìm hiểu và điều chỉnh phù hợp với tình trạng của cơ thể. Gần 18 năm, chị chỉ ăn gạo lứt muối vừng kết hợp với thiền. Sức khoẻ chị dần phục hồi, nhanh nhẹn trở lại. Giờ thì gạo lứt muối vừng là món duy nhất trong "thực đơn suốt đời" của chị.

Câu chuyện của chị Nguyễn Minh Thu, giáo viên CLB Yoga Trinetrá cũng kỳ lạ không kém. Chị Thu được chẩn đoán ung thư, nhưng thay vì để tinh thần suy sụp chị tham gia nhiều hoạt động, tập yoga để luôn cảm thấy vui vẻ, ý nghĩa. Bên cạnh đó, chị quyết nói "không" với cao lương mỹ vị và chỉ trung thành với gạo lứt muối vừng.

Phương pháp thực dưỡng hiệu quả

9 số trong hệ thống phương pháp thực dưỡng là

- 2. 20% ngũ cốc (gạo lứt, muối vừng), 30% rau xanh, 10% súp, 25% thịt, 10% rau sống, 5% hoa quả

-1. 30 % ngũ cốc, 30% rau xanh, 10 % súp, 20% thịt, 10 % rau sống

1. 40% ngũ cốc, 30% rau xanh, 10 % súp, 20% thịt

2. 50% ngũ cốc, 30% rau xanh, 10% súp. 10% thịt

3. 60% ngũ cốc, 30% rau xanh, 10% súp

4. 70% ngũ cốc, 20% rau xanh, 10% súp

5. 80% ngũ cốc, 20% rau xanh

6. 90% ngũ cốc, 10% rau xanh

7. 100% ngũ cốc


Ăn gạo lứt muối vừng thực chất là một phương pháp thực dưỡng xuất xứ từ Osawa, Nhật Bản. Nguyên lý của nó bắt nguồn từ quan niệm ăn uống chính là nguyên nhân sinh ra mọi bệnh tật, và đương nhhiên hạn chế ăn uống sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật.

Phương pháp thực dưỡng này phù hợp với xu hướng ẩm thực thời gian gần đây là "quay về với thiên nhiên". Người ta không còn mấy thiết tha với những món cao lương mỹ vị mà lại khép mình vào các món ăn mộc mạc với mục đích là để dưỡng sinh và chữa bệnh.

Họ chủ trương ăn uống thanh đạm, ít thịt nhiều rau, nhiều chất xơ, uống nhiều nước, không uống các chất kích thích, kết hợp với luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng phương pháp thực dưỡng là cả một quá trình gian nan và phải có một chế độ luyện tập khắt khe thì bệnh tật mới có thể được đẩy lùi. Cả chị Trâm và chị Thu đều khẳng định điều này. Để có kết quả phải kiên trì trong nhiều năm, có khi phải ăn đến suốt đời chứ không phải là ý thích nhất thời.

Thường thì những người bị nhiều bệnh, bệnh nặng không thể chữa khỏi như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường... mới quyết tâm theo đuổi đến cùng phương pháp này với hi vọng kéo dài cuộc sống.

Phương pháp thực dưỡng được chia ra thành 9 thực đơn, hay cách gọi khác là 9 số. Gạo lứt muối vừng là thành phần chính trong các thực đơn này. Mỗi số có tỷ lệ các thành phần gạo lứt, muối vừng, rau quả khác nhau, tuỳ thuộc vào khả năng tiến triển sức khoẻ của người bệnh.



Nói cách khác đó là cách ăn thế nào cho đúng, tùy từng đối tượng lứa tuổi, từng giai đoạn để cơ thể cảm thấy khỏe lên chứ không yếu đi. Ăn theo phương pháp thực dưỡng là chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên không dùng thuốc và với từng loại bệnh thời gian ăn khác nhau, thậm chí phải ăn suốt đời nếu là bệnh nan y. Người thực hiện theo cách ăn này có thể tâm tính trở nên điềm đạm, hài hòa hơn và đặc biệt là không có nhu cầu nhiều trong ăn uống.

"Nhập môn" ... gạo lứt muối vừng

Trước khi "nhập môn" cần phải tìm hiểu kỹ về cách ăn, thời gian ăn và phải xem cả mức độ phù hợp của gạo lứt muối vừng đối với cơ thể người bệnh. Thế nên mới có người khẳng định đã thành công trong việc đẩy lùi bệnh tật nhờ món ăn này, trong khi có nguời - do "máy móc" làm theo mà không tìm hiểu kỹ - nên bệnh chẳng những không khỏi mà còn "mua" thêm ốm yếu vào người.

Theo kinh nghiệm của chị Thu, ban đầu khi ăn hoàn toàn gạo lứt muối vừng (số 7) và hạn chế dùng nước (chỉ được dùng trà gạo lứt rang và trà bancha - thức uống chính trong phương pháp thực dưỡng với một tỷ lệ nhất định) hầu hết người bệnh sẽ rất khó khăn, mệt mỏi, gầy, thậm chí suy nhược. Hãy chuẩn bị tinh thần chấp nhận những tác dụng phụ đó. Dần dần cơ thể sẽ phục hồi.

Trong thời gian ăn phải chú ý theo dõi đường phân, nếu có màu vàng cánh rán, khuôn nổi thì các thức ăn đã cân bằng, sức khoẻ tốt. Nếu táo bón thì cơ thể bị nóng, nhiệt cần điều chỉnh bằng cách tập trung vào ăn, nhai càng kỹ càng tốt để dịch vị tiết ra nhiều hơn giúp tiêu hoá tốt hơn. Trước khi đi ngủ có thể nhai kỹ 3-4 thìa vừng hoặc uống một thìa dầu vừng, vì vừng có lượng đạm nhiều. Với những người tính tình nóng này có thể ăn kếp hợp với uống nước hoặc ăn các sản phẩm khác từ gạo lứt như: bánh đa, bún, kê...

Đối với người bị ung thư vú ăn cơm gạo lứt muối vừng với trà bồ công anh, trà gạo rang sau 4 tháng có thể ngừng một thời gian và tiếp tục duy trì đến cuối đời. Người bị bệnh tim mạch, thấp khớp, dạ dày, ăn gạo lứt muối vừng trong 3 tháng 10 ngày, có tác dụng lọc hết máu độc trong cơ thể, Sau đó, ăn trở lại theo phương pháp số 6 (ăn gạo lứt muối mè và thêm 10% rau). Người gầy muốn tăng cân có thể ăn cùng bơ lạc, vừng trong bữa ăn để kích thích ngon miệng, còn muốn giảm cần thì ăn bơ lạc, vừng trước bữa ăn để tạo cảm giác no.

Chị Trâm cho biết thêm, để đẩy lùi được bệnh theo phương pháp này, người bệnh khi ăn cần thoải mái, còn nếu bị ép buộc thì khó mà ăn được. Nếu không ăn uống đúng, ăn nửa chừng có thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi không làm được việc gì. Ăn uống kết hợp với luyện tập các bộ môn thể dục dưỡng sinh và sinh hoạt điều độ sẽ phát huy tác dụng trong điều trị bệnh.

Theo các chuyên gai dinh dưỡng, muối vừng có tác dụng phòng ngừa, chữa bệnh ung thư và một số bệnh khác là có cơ sở. Tuy nhiên, không phải bất cứ bệnh nào ăn gạo lứt, muối vừng cũng có kết quả như ý. Hơn nữa, cơ thể con người - nhất là những người trẻ tuổi thì gạo lứt, muối mè không có khả năng cung cấp đẩy đủ các chất dinh dưỡng giúp cho sự phát triển vì vậy không nên áp dụng cho đối tượng này.

Thành phần của gạo lứt gồm có: chất bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin B1, B2, B3, B6 và các acid như: pantotenic, paraamin-obenzoic, chất canxi, sắt, magiê, xelen, glutathiôn, kali và natri...

Trong dầu vừng (mè) có: viatamin H, E, K, tièn vitamin A, các chất phốt pho, chất béo chưa bão hoà. Chất xelen có khả năng ngăn ngừa mầm ung thư, chất glutathion phòng nhiễm bụi phóng xạ. Acid pantatenic giúp tăng chức năng của vỏ não, chống viêm da, u bướu ác tính. Vì thế, việc duy trì một chế độ ăn gồm toàn gạo lứt muối vừng sẽ rất tốt cho một số người bệnh.

Cơm rượu gạo lứt - muối mè

Gạo lứt, muối mè được xem là một dạng thực phẩm chức năng vì có tác dụng phòng và trị bệnh. Nhiều nhà khoa học đã biết đến công dụng này và đang sử dụng như là một cách ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường,...


Cơm rượu chế biến từ gạo lứt, muối mè là sản phẩm mới được thực hiện theo cách lên men truyền thống đã có từ xa xưa. Cơm rượu không chỉ giúp ăn ngon hơn mà còn kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Chúng tôi đã thử nghiệm và cho ra đời sản phẩm cơm rượu từ gạo lứt, muối mè trong trái dừa để tận dụng nước dừa và làm cho sản phẩm đậm đà hơn.

Quy trình chế biến cơm rượu gạo lứt, muối mè trong trái dừa như sau:

- Nguyên liệu: (chế biến cho 10 trái dừa tươi)

1 kg nếp lứt; 10 trái dừa; 0,5 g muối ăn; 100 g mè; 200 g đậu xanh; 2 – 3 viên men rượu. Có thể bổ sung các gia vị khác như gừng, nghệ, mật ong,...

- Chuẩn bị:

Cắt ngang trái dừa, lấy nước dừa để nấu xôi lứt. Đậu xanh và nếp lứt ngâm trước vài giờ. Mè rang cho ngả sang vàng. Men tán nhỏ thành bột mịn.

- Chế biến:

Nấu nếp lứt, đậu xanh với nước dừa và bổ sung muối. Trải xôi ra nia, trộn đều với mè. Để nguội, rắc men vào rồi trộn đều. Nặn thành viên chặt trong bao ni lông, cho vào trái dừa. Đậy nắp dừa lại, rồi ủ ở nhiệt độ phòng trong 2 ngày ta sẽ có sản phẩm. Trước khi ủ, có thể nấu nước đường tưới lên xôi để tăng vị ngọt cho sản phẩm.

Cơm rượu có màu vàng trắng, có vị ngọt, cay nồng của rượu và hương thơm của nước dừa.

Thạc sĩ Lê Thanh Hải (Trường ĐH Hùng Vương)

“Kỳ dược”gạo lứt, muối mè?

Thứ thức ăn dân dã này nay lại trở thành thời thượng và có giá khá đắt. Đặc biệt nhiều người đang tin nó là "thần dược", có thể chữa được… bá bệnh!


Nhộn nhịp bán mua

Tại TP.HCM, có khoảng hơn 20 cửa hàng chuyên kinh doanh gạo lứt muối mè. Gạo lứt ở đây phải là loại gạo màu đỏ (huyết rồng), trái ngược với cách dùng truyền thống dân gian là loại gạo nào cũng được, miễn là chỉ bỏ vỏ trấu và để nguyên cám.

Tại một cửa hàng ở Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, có khá nhiều người ra vào mua bán thứ thực phẩm này. Chủ cửa hàng là anh Ngô Ánh Tuyết, một người có thâm niên bán mặt hàng này có thể nói là lâu năm nhất và cửa hàng của anh cũng là lâu đời nhất ở TP.HCM. Cửa hàng có đủ loại từ gạo lứt, bột gạo lứt, gạo lứt rang, bánh tráng gạo lứt, muối mè, dầu mè, muối thô và nhiều sản phẩm khác. Trong khoảng 1 giờ có khoảng 10 người vào mua. Trong số những khách hàng này có người ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai… Có người ở tận Đắk Lắk nhờ người quen ở Sài Gòn mua dùm.
Trong câu chuyện rời rạc, thường xuyên bị ngắt quãng vì những khách hàng đến mua bán với anh Tuyết, chúng tôi được biết thị trường gạo lứt, muối mè đang ăn nên làm ra và có sự cạnh tranh khá gay gắt.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, xung quanh sự cạnh tranh này có nhiều câu chuyện đại loại: chỉ có nơi này mới chế biến đúng kiểu, nơi khác thì không và dùng sản phẩm của họ sẽ không có tác dụng chữa bệnh.

Bên cạnh đó hàng loạt sách, băng đĩa, các bài đăng trên mạng ca ngợi công năng chữa bệnh kỳ diệu của gạo lứt, muối mè được tung ra nhằm củng cố lòng tin cho khách hàng. Đặc biệt, giống như có ở những cách trị bệnh không chính thống khác, những người tuyên truyền cho phương pháp dùng thứ thực phẩm này cũng nghi nhận rất nhiều ý kiến của khách hàng để làm chứng cứ, khiến mọi người thêm tin tưởng. Tiếng đồn người này nhờ ăn gạo lứt, muối mè mà lành bệnh ung thư, người kia hết bệnh thận… lan truyền. Chính vì vậy, rất nhiều người đang dùng gạo lứt muối mè để chữa bệnh. Nhiều đến nỗi có khi lượng gạo lứt đỏ ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long không đủ cung cấp cho thị trường.

Nhiều người ăn gạo lứt, muối mè tự nguyện kết thân với nhau để trao đổi về phương pháp chế biến, cách ăn sao cho hiệu quả nhất. Người này truyền người kia để rồi số người tìm đến loại thức ăn này càng nhiều. Người chán ăn gạo thì chuyển sang bột, hoặc bánh tráng.

Đáp ứng nhu cầu ăn cơm gạo lứt ngày càng lớn, nhiều quán ăn thực dưỡng mở ra. Tại đây bán một nắm cơm vắt với muối vừng khoảng chục ngàn đồng.

Có phải là “thần dược”?

Nhiều người hiện nay coi gạo lứt muối mè là “thần dược” chữa đủ các loại bệnh, từ khớp, đái tháo đường, suy thận, mờ mắt, gan nhiễm mỡ… cho đến ung thư các loại. Họ xem gạo lứt không chỉ tốt cho người lớn mà còn cho cả trẻ em. Họ tuân thủ một số quy tắc của phương pháp ăn này mà thoạt nhìn qua là đã có thể thấy vô lý: uống ít nước, hạn chế ăn trái cây.

Chị Năm ở Q.7, TP.HCM, kêu trời khi con chị mới hơn một tuổi mà bà nội bắt phải áp dụng cách ăn gạo lứt, muối mè, trong khi bé rất cần đủ 4 nhóm thực phẩm khiến bé yếu người thấy rõ. Chị phải giả vờ về thăm ngoại ở Hóc Môn để khôi phục cách ăn cũ cho con.

Theo anh Ngô Ánh Tuyết, gạo lứt, muối mè được dùng chữa nhiều bệnh nhưng không vì thế mà tin dùng nó quá đáng hoặc dùng sai nó. Ông chủ cửa hàng này có kể đến hai trường hợp tử vong vì dùng gạo lứt, muối mè. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân cơ thể đã suy kiệt nhưng lại được cho ăn gạo lứt với muối mè cùng với thuốc xổ dẫn đến suy kiệt hơn rồi tử vong. Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân bị suy thận mãn hàng tuần phải chạy thận. Bệnh nhân này nghe lời một người quen là, dùng gạo lứt muối mè chữa bệnh bỏ việc lọc máu bằng máy. Sau một thời gian, đột nhiên người bệnh bị sưng phù, xuất huyết và tử vong.

Mong ước có một loại thực phẩm như tiên dược là chính đáng. Nhưng từ mong ước để rồi nhận định một loại cây cỏ, hay ngũ cốc… nào đó có thể chữa được bách bệnh là điều hết sức phải cân nhắc. Nhân loại không phải vô cớ khi phải nỗ lực phát triển nền y học hiện đại, song song với việc phát huy nền Y học cổ truyền. Vì vậy, việc gạo lứt và muối mè chữa bệnh khi chưa qua thử nghiệm lâm sàng (chí ít thì cũng tại Việt Nam) chứng tỏ công dụng của nó là đang mơ hồ, dù nó là một thực phẩm tốt, chứa nhiều khoáng chất, vitamin, chất xơ rất có lợi cho cơ thể…

(Theo Sức Khỏe Đời Sống)

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...