Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

20/11/10

Tại sao gạo Việt Nam chưa phổ biến ở Úc?

Trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì ở nơi góc bếp hàng ngày của cộng đồng người Việt định cư ở Úc từ hơn ba thập niên qua hầu như không có sản phẩm gạo nhập từ quê hương. Vì sao?
 Bao giờ thì gạo Việt đến với cộng đồng gốc Việt ở các nước tiên tiến như Úc nhiều hơn? Ảnh nhỏ bên trái: Gạo Thái bán tại cửa hiệu tạp hóa ở Melbourne cũng có dòng chữ Việt ‘Gạo nếp thượng hạng’. 

Gạo Việt thiên về lượng hơn chất?

Trong cuộc trao đổi với Bay Vút vào đầu tháng 11-2010, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp và cựu Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, thừa nhận tuy Việt Nam là quốc gia sản xuất gạo nhiều vào hàng thứ nhì thế giới nhưng gạo Việt chưa thể xâm nhập được vào thị trường các quốc gia tiên tiến, phát triển cao như Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp .... Gạo Việt được bán chủ yếu cho Philippines, Malaysia và các nước Châu Phi, tức những nơi không cần gạo có chất lượng cao.

Từ giới tiêu thụ cho tới chuyên gia nông học hoặc người kinh doanh, buôn bán và nhập khẩu mặt hàng gạo từ Việt Nam đều thừa nhận lý do khiến gạo Việt gặp trở ngại tiêu thụ ở thị trường các nước tiên tiến là bởi có vấn đề về ‘chất lượng’ (không dẻo, thơm và đồng nhất như gạo Thái Lan).

Ông Trần Hữu Hòa, Giám đốc Thương mại Triple H, công ty chuyên nhập khẩu một số hàng hóa như hải sản, lương thực thực phẩm, trong đó có gạo, từ Việt Nam sang Úc phát biểu: “Bốc một nắm gạo Thái lên xem thì trăm hột như một. Trong khi đó gạo Việt thì hột trong, hột đục, hột dài, hột ngắn, hột mập, hột ốm. Đó là về hình thức. Về chất lượng thì trong 100 hột có 60 hột dẻo, 40 hột không dẻo bằng.”

Giải thích rõ hơn về vấn đề chất lượng, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho Bay Vút biết trong khi nông dân Thái Lan chỉ trồng giống lúa cho ra loại gạo thơm và ngon thì nông dân Việt trồng ‘hằng hà sa số’ loại lúa khác nhau và chất lượng cũng không đạt chuẩn bằng gạo Thái.

Giáo sư Xuân cho biết chính phủ Thái Lan có chính sách rất rõ ràng và minh bạch. Họ mua toàn bộ lúa ‘rặc’, tức lúa đồng nhất và chất lượng cao do nông dân làm ra và kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong suốt quá trình trồng và thu hoạch. Ở Thái Lan, ai trồng không đảm bảo chất lượng thì chính phủ không thu mua. Công nghệ xay xát gạo của Thái lại tốt hơn của Việt Nam rất nhiều. Từ đó, gạo Thái rất có uy tín và độc chiếm thị trường thế giới từ rất nhiều năm qua.

Đặc điểm của nông dân Việt là họ chỉ trồng những giống lúa nào cho sản lượng cao, từ 6, 7, 8 cho tới thậm chí 9 hoặc 9 tấn rưỡi/héc ta. Trong khi đó, nông dân Thái chỉ trồng loại lúa nào cho ra gạo ngon, thơm chứ họ không lưu tâm tới sản lượng. Vì là loại lúa ngon nên năng suất của các giống lúa Thái không cao, chỉ khoảng 3 tấn/héc ta.

Thời gian trồng những giống lúa ở Thái cũng dài hơn giống lúa của Việt Nam khá nhiều: trong khi mọi giống lúa của Việt Nam chỉ thu hoạch trong vòng chưa tới 100 ngày thì giống lúa Thái Lan từ 120 tới 140 ngày.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay một lý do khác khiến Việt Nam không trồng lúa năng suất thấp vì diện tích trồng lúa chỉ vỏn vẹn từ 3.8 triệu tới 4 triệu héc ta. Trong khi đó Thái Lan có diện tích trồng lúa tới 10.2 triệu héc ta, rộng gầp hơn hai lần rưỡi so với Việt Nam.

Quá trình thu mua lúa gạo tại Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết “việc thu mua gạo ở Việt Nam phải qua nhiều trung gian và thủ tục nhập nhằng, tạo ra rất nhiều bất công và thiệt thòi cho người nông dân”.

Tìm gạo Việt ở Úc

Một thực tế là tại những cửa hàng thực phẩm ở những khu thương mại tập trung đông người Việt nhất ở Melbourne, Sydney, Adelaide, Queensland… gạo Việt gần như hoàn toàn vắng bóng ! Nhiều chủ tiệm cho hay họ không thể nhập gạo Việt vào cửa hàng vì lý do “không có khách”. Riêng gạo ‘bản xứ’ Úc thì gần như không thuyết phục nổi khẩu vị của người Á châu, trong đó có người Việt.

Thương gia Trần Hữu Hòa cho biết gạo Việt do công ty Triple H của ông nhập từ tỉnh Tiền Giang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sang tới Úc chỉ bán được ở vài vùng có đông người Việt như Foostcray, Richmond ... và mỗi vùng chỉ có một tiệm duy nhất và “số bán ra cũng không nhiều”.

Trên khía cạnh kinh doanh, ông Hòa cho hay trong khi người nhập gạo Thái được ‘gối đầu’ thì công ty ông không được hưởng ưu đãi này khi nhâp gạo Việt. Các công ty xuất khẩu của Thái Lan có tiềm lực ‘trường vốn’ và gạo lại là mặt hàng bán chạy nên họ sẵn sàng cho khách hàng, tức người nhập khẩu, hoãn trả tiền một phần hoặc toàn phần và cứ đến đợt hàng kế tiếp mới thu tiền đợt cũ. Trong khi đó công ty nhập gạo Việt phải thanh toán ngay cho mỗi đợt hàng nhập từ Việt Nam.

Chị Trần Lê Nhi, cư dân vùng Springvale, một trong các tụ điểm chính của người Việt ở tiểu bang Victoria, cho biết đã có lần chị đã mua và ăn thử gạo Việt thì thấy gạo Việt không dẻo bằng gạo Thái.

Tuy nhiên vì khẩu vị của gia đình chị Nhi là không thích ăn gạo dẻo mà chỉ muốn ăn gạo rời và cũng vì muốn ủng hộ hạt gạo từ quê hương nên chị vẫn mua gạo Việt. Gần đây, chị Nhi cho hay gia đình đã quay trở lại dùng gạo Thái vì phát hiện trong bao gạo Việt có sạn.

Ông Lê Huy, phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc Châu cho biết qua kinh nghiệm từ công ty nhập khẩu thực phẩm mà ông làm chủ, thì “khi nhập khẩu gạo của Thái chúng tôi an tâm hơn vì gạo Thái dễ dàng vượt qua tiêu chuẩn kiểm dịch gạo nhập từ nước ngoài của Úc.
Ông Lê Huy cũng thừa nhận số lượng gạo nhập từ Việt Nam vào Úc rất ít và chỉ “chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất như mì, bún, bánh phở hoặc để sản xuất cho gia súc ăn chứ ít khi bán ra thị trường.”

Trong vấn đề nhập khẩu, gạo Việt còn gặp bất lợi về giá vận chuyển. Trong khi giá cước một container 20 feet, chứa từ 8 tới 10 tấn gạo, xuất phát từ Việt Nam là 1500 đô la thì gạo Thái chỉ khoảng từ 1200 tới 1300 đô la.

Một lý do khác khiến nhiều người ngần ngại kinh doanh mặt hàng gạo từ Việt Nam là chuyện nhiều người cung cấp bên Việt Nam chưa ý thức được dịch vụ hỗ trợ thương gia sau khi giao hàng. Ví dụ như nếu gặp đợt hàng giao chưa đúng quy định (như tỷ lệ hột gạo bị gẫy hoặc vỡ quá nhiều, gạo bị pha trộn nhiều...) thì theo nguyên tắc người cung cấp phía Việt Nam có trách nhiệm phải giảm giá hoặc bù trừ cho đợt hàng kế tiếp. Tuy nhiên, việc đền bù hoặc xử lý này thường khó khăn và nhiều khi ‘tranh cãi’ kéo dài không có hồi kết.

Vì nhiều lý do vừa nêu, việc đưa gạo Việt sang Úc gặp nhiều truân chuyên. Ông Hòa cho hay cách nay khoảng 7 năm, một số người đã thử nhập gạo Việt vào bán tại Úc lần đầu tiên nhưng cuối cùng bị thua lỗ. Mãi tới hôm nay đường đi của gạo Việt đến Úc vẫn còn trong giai đoạn chập chững, thăm dò. Ông Hòa cho hay trước đây gạo do công ty ông bán tại Úc có tên ‘Hương Lài’ nhưng kể từ tháng 11-2010 đã đổi tên thành gạo ‘Sài Gòn’ để “người mua biết đây là gạo Việt và mong sao họ ủng hộ sản phẩm từ quê nhà.”

Vẫn hy vọng
Dù sao đi nữa, vẫn có nhà kinh doanh tìm cách đưa gạo Việt sang thị trường Úc dù hạt gạo nước này rõ ràng ‘thất thế’ nhiều so với gạo từ nước láng giềng Thái Lan.

Thương gia Trần Hữu Hòa khẳng định “ưu điểm lớn nhất của gạo Việt là giá rất rẻ”. Mỗi bao gạo Việt (25 ký) rẻ hơn bao gạo Thái khoảng 10 đô la. Trong khi gạo Thái giá từ 45 tới 50 đô la/bao thì gạo Việt chỉ khoảng 38 đô/bao. Ông Hòa cũng cho hay gạo Việt ‘lợi cơm’ (nở nhiều hơn khi nấu chín) so với gạo Thái.

Dầu vậy, có lẽ còn rất lâu vị trí độc chiếm thị trường của gạo Thái mới bị lung lay bởi gạo Việt.

Nhìn chung, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, có lẽ còn phải rất lâu gạo Việt mới có thể có mặt tại các thị trường nước ngoài, trong đó có Úc.
Như Mai 

12/11/10

Hội nghị Lúa gạo Quốc tế và vấn đề an ninh lương thực

Sen Lam  

Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ 3 đã khai mạc ở Hà Nội vào ngày 9/11 với sự tham dự của 1.700 nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và đại diện ngành công nghiệp gạo từ hơn 60 quốc gia.
 
 Một cánh đồng trồng lúa tại Úc. Gạo là lương thực chính của khoảng hơn ba tỷ người, tức phân nửa dân số thế giới. (ABC)

Tại hội nghị, các diễn giả kêu gọi thế giới cần mau chóng hành động để cải thiện cách thức canh tác kém hiệu quả hiện nay giúp nâng cao năng suất.
Cải thiện và nâng cao sản lượng gạo

Tiến sĩ Robert Zeigler, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), trụ sở ở Manila, Philippines, cho biết nâng cao sản lượng gạo là nhiệm vụ rất khẩn thiết. Theo ông, nếu không hành động ngay thì trong vài thập niên tới nhân loại sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một minh chứng rõ ràng về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lúa gạo. Trước đây trong suốt nhiều năm, thế giới đã không chú ý nhiều vào việc đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, nghiên cứu và mở rộng mạng lưới toàn cầu trong lĩnh vực tài chính, kinh tế. Hậu quả của chuyện này là vào năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bùng nổ.

Theo Tiến sĩ Zeigler, điều quan trọng là phải cải thiện hiệu năng của việc trồng trọt và xem xét các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay. Hàng triệu nông dân đang trồng lúa trên những cánh đồng nhỏ hẹp. Những người chỉ có vài sào hoặc một héc-ta đất sẽ không thể nào có được một cuộc sống tươm tất. Do đó, nhiệm vụ của các chuyên gia và giới chức trách là phải tìm ra được kỹ thuật tốt nhất để những nông dân này có thể áp dụng nhằm nâng cao năng suất trồng trọt cũng như cải thiện đời sống của chính họ.

Bên cạnh đó, cơ cấu hạ tầng ở nông thôn cũng phải được quan tâm đúng mức, các hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế phải diễn ra minh bạch và có hiệu quả.

Nhìn về tương lai, ông Zeigler cho biết nếu ngay từ bây giờ thế giới đầu tư thích đáng cho nông nghiệp thì các thế hệ sắp tới sẽ có đủ lúa gạo để ăn.
Thành tích của Việt Nam

Tiến sĩ Zeigler nhận định: “Trong thập niên 1980, Việt Nam đã thực hiện một quyết định chiến lược và nhờ thế Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp gạo cho nhiều nước trên thế giới từ vị thế một nước nhập khẩu gạo. Với tư cách là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn vào hàng thứ nhì thế giới, Việt Nam nay đã có thể chuyển đổi hoàn toàn ngành công nghiệp lúa gạo, chính sách sản xuất cũng như hạ tầng cơ sở. Trong lĩnh vực lúa gạo, Việt Nam là một khuôn mẫu để các quốc gia khác noi theo.

Nhìn chung, những phương cách mà Việt Nam đang áp dụng trong ngành công nghiệp lúa gạo có tính bền vững. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Zeigler, Việt Nam cũng cần giải quyết một số vấn đề như quản lý mùa màng, nông phẩm. Thêm vào đó, Việt Nam phải đương đầu với tình trạng thay đổi khí hậu quan trọng. Hai vùng trồng lúa nhiều nhất ở Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và châu thổ sông Hồng là những nơi rất dễ bị ngập lụt vì mực nước biển dâng cao hoặc bão tố.
 

3/11/10

Khủng hoảng lương thực đang đe dọa toàn thế giới

Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc tháng trước tăng 5%, hiện nay đang ở mức cao trong 2 năm qua. Trong nửa năm qua, giá lúa mì và ngô thế giới tăng 57%, giá gạo và giá đường ăn lần lượt tăng 45% và 55%; giá đậu tương hiện nay đang ở mức cao nhất trong 16 tháng. Tình trạng này có thể gây bất ổn ở nhiều nước, trong khi các nhà khoa học dự báo hạn hán và lũ lụt đang lan rộng.
 

Giá lương thực tăng mạnh

Gần đây, giá lương thực không ngừng tăng. Giá các sản phẩm lương thực chính và giá các loại rau đã lập mức cao mới trong 2 năm qua, trong khi các nhà khoa học dự báo sẽ xảy ra hạn hán và lũ lụt trên diện rộng.

Lương thực Pakistan và Nga trong năm nay thất thu nghiêm trọng, tuy nhiên nhìn chung kho dự trữ lương thực của các nước này vẫn đảm bảo yêu cầu. Mặc dù vậy, giá đường và giá gạo vẫn lập kỷ lục ở mức cao trong lịch sử.

Tờ Reuters cho biết về chỉ số giá hàng hóa, gần đây, giá lúa mì và giá ngô toàn cầu trong vài tuần qua đã tăng lên gần 30%; giá thịt hiện nay cũng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuần trước Mỹ dự báo, sản lượng lúa mì thế giới sẽ giảm 30 triệu tấn so với năm ngoái, giảm 5,5%. Trong khi đó, giá cà chua của Ai Cập, giá tỏi của Trung Quốc và giá bánh mỳ của Pakistan đều đã gần ở mức cao trong lịch sử.

Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc cho biết: “Từ tháng 9, tình hình ngày càng trở nên xấu hơn. Trong vài tuần qua, tình hình này cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thực trạng giống năm 2008”. Ông cũng cho biết: “Giá lương thực có thể không đạt được mức năm 2008, tuy nhiên thời gian giá lương thực ở mức cao sẽ có thể lâu hơn”.

Biến động thị trường xảy ra liên tiếp trong 5 năm

Cố vấn chính sách lương thực Oxfam cho biết: “ Khủng hoảng lương thực quy mô tương đương với 2 năm trước chưa có khả năng xảy ra nhưng nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng năm 2008 vẫn còn tồn tại”.

Các nhà phân tích cho biết, khả năng xảy ra là rất lớn, đặc biệt là hiện nay giá dầu tăng mạnh, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng xấu như lũ lụt ở Pakistan và trận cháy rừng kinh hoàng của Nga hay tình trạng đầu cơ đang diễn ra sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường lương thực toàn cầu.

Thống đốc ngân hàng Thế giới Robert Zoellick bày tỏ: “ Chúng ta ngày càng lo ngại những bất ổn thị trường lương thực, những nhân tố không xác định sẽ vẫn cứ tiếp diễn. Gần đây, giá ngũ cốc tăng mạnh lại càng tăng thêm những lo lắng này".

Tuần trước, Ngân hàng Thế giới cho biết, tình hình bất ổn trong giá cả lương thực vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng 5 năm.

Nhiều nước lo lắng tình trạng thiếu lương thực trong năm tới

Đứng trước tình trạng giá lương thực tăng như vậy, sự phẫn nộ của công chúng ngày càng tăng cao. Một năm qua, giá lương thực của Ai Cập tăng 21%, Ấn Độ 17%, các quốc gia khác cũng tăng tương tự. Giá lương thực của Anh trong 3 năm qua tăng 22%. Chính phủ các nước Kenya, Uganda, Nigeria, Indonesia, Brazil và Philippin đều đưa ra lời cảnh báo: Do năm 2010 xảy ra hạn hán và lũ lụt đúng như dự báo, trong năm tới khí hậu sẽ tồi tệ hơn, hơn nữa các doanh nghiệp thương mại tiến hành đầu cơ cất trữ lương thực đợi giá lương thực tăng sẽ trào ra nên khả năng năm tới sẽ xuất hiện tình trạng thiếu lương thực.

Giá lương thực các nước trên thế giới không đạt được mức năm 2008, nhưng chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc tháng trước tăng 5%, hiện nay đang ở mức cao trong 2 năm qua. Trong nửa năm qua, giá lúa mì và ngô Thế giới tăng 57%, giá gạo và giá đường ăn lần lượt tăng 45% và 55%. Giá đậu tương hiện nay đang ở mức cao nhất trong 16 tháng qua.

Đặc phái viên quyền tiếp cận lợi lương thực Liên Hiệp Quốc Olivier de Schutter cho biết dưới sự ảnh hưởng chung do môi trường xuống cấp, tiến trình đô thị hóa, các nhà đầu cơ nước ngoài mua đất đai với số lượng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học, đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm.

Tổ chức vận động phát triển Thế giới tại Luân Đôn cảnh báo, quỹ Hedge - quỹ hưu trí và các ngân hàng đầu tư tiến hành đầu cơ lương thực có thể sẽ thúc đẩy giá lương thực tăng lên. Ủy ban giao dịch hàng hóa Mỹ cho biết, mùa hè năm nay các nhà đầu cơ đã mua hợp đồng đặt hàng khoảng 40 triệu tấn ngô và 6 triệu tấn lúa mì tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago.

Theo Stockbiz.vn

Chóng mặt vì nhiều mặt hàng tăng giá cuối năm

Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu bình ổn giá cả những tháng cuối năm, tuy nhiên thị trường thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu vẫn tăng giá khiến các bà nội trợ không khỏi lo lắng. 
 
 
Chóng mặt vì giá

Chị Mai - nhà ở phố Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở, bình thường đi chợ chỉ khoảng 50.000 đồng là có thể đủ cho cả nhà ăn. Nay bữa nào đi chợ cũng phải mất trên dưới 100.000 đồng, trong khi đó đồng lương vẫn dậm chân tại chỗ đã khiến cuộc sống gia đình khá chật vật.

Cùng chung quan điểm với chị Mai, chị Vân ở làng Mễ Trì, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, đi chợ bây giờ cứ như bị... móc túi. Giá rau xanh, giá thịt, dầu ăn, đường sữa đua nhau tăng giá nghĩ mà sợ.

Theo khảo sát của chúng tôi những ngày qua tại nhiều chợ lớn của Hà Nội như Nghĩa Tân, Hà Đông, Chợ Xanh… giá các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng cao nhất với mức tăng phổ biến từ 10- 20% tùy từng mặt hàng.

Giá các loại thịt lợn 3 ngày nay tăng đột biến và tăng mỗi ngày một giá. 1 kg thị dọi trước chỉ có giá 55.000 đồng giờ lên tới 65.000 đồng/kg, thịt thăn tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Thịt bò tăng từ 12.000đ/lạng lên 14.000 đồng/lạng. Nhóm hàng hải sản tăng thêm 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Các loại rau xanh có mức giá tăng cao nhất. Bắp cải trước đây là 8.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 12.000 -13.000 đồng/kg; rau muống trước đây 2.000 đồng bây giờ 4.000 đồng/mớ .

Giá gạo cũng không thua kém khi tăng khoảng 10%. Anh Bình - chủ cửa hàng gạo ở chợ Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gạo Bắc Hương hiện có giá bán 15.000 đồng/kg, Tám thái 25.000 đồng/kg, Tám sữa 20.000 đồng/kg, Tám Hải Hậu 15.000 đồng/kg và Xi dẻo 12.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ cửa hàng gạo, giá gạo tăng là do đợt lũ tại Miền Trung nên không chuyển ra được.

Tại một số siêu thị như Intimex, Big C và cả các cửa hàng hợp tác huyện ngoại thành, giá các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả, dầu ăn... cũng tăng cao hơn.

Giải mã nguyên nhân

Theo số liệu công bố ngày 23/10 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung. Nhóm giáo dục tiếp tục dẫn đầu tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất là 3,9%. Tiếp đến là hai nhóm có mức tăng trên 1% gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%, trong đó lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 1,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%; Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,04%.

Các nhóm có mức tăng dưới 1% gồm đồ uống và thuốc lá; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa giải trí và du lịch. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục nhiều tháng liên tiếp giảm 0,07%.

Ngày 27/10 vừa qua, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức cuộc họp tìm biện pháp ghìm giá do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì. Đánh giá về thị trường hàng hóa tháng 10/2010, Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, do đang vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất, chuẩn bị cho các dịp lễ, tết đã bắt đầu gia tăng, cùng với giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng tăng hoặc tiếp tục duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến mặt bằng giá một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường như phân bón, lương thực, gas, đường.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân đẩy CPI tháng 10 tăng cao, đó là do vừa qua DN tăng cường thu mua gạo xuất khẩu, đẩy giá gạo trong nước lên, vì thế CPI nhóm lương thực đã tăng 1,89%. Trận lũ lụt tại miền Trung vừa qua gây ra khan hiếm hàng hóa tại khu vực này. Giá thịt lợn tại một số địa phương đã hồi phục sau dịch heo tai xanh làm tác động tăng CPI nhóm lương thực tăng lên 1,22%. Lộ trình tăng học phí của các trường dân lập vẫn tiếp tục nên CPI nhóm giáo dục vẫn tiếp tục cao, gần 4%. Tỉ giá ngoại tệ trong tháng tăng mạnh, tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu và lan sang các mặt hàng tiêu dùng.

Như vậy, mục tiêu kiềm chế thành công CPI cả năm dưới 2 con số đang là một bài toán rất khó. Qua báo cáo về các mặt hàng cho thấy, có một số nhóm hàng giá cả tương đối ổn định, tuy nhiên một số mặt hàng như đường, phân bón nếu không nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thì có khả năng sinh thiếu hàng. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tổ điều hành nhận định, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa còn chịu tác động của các yếu tố cầu kéo do nhu cầu hàng hóa tăng cao theo quy luật những tháng cuối năm (nhu cầu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu) và do yếu tố chi phí đẩy khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu và tỉ giá có xu hướng biến động cao hơn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về kỳ vọng lạm phát trước diễn biến CPI và giá vàng tăng mạnh sẽ gây tác động tới tâm lý tăng giá trên thị trường nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt.

Theo Giao thông vận tải

Tiếp tục tăng giá gạo xuất khẩu

TT - Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa nâng giá sàn xuất khẩu gạo của VN thêm 20 USD/tấn, áp dụng đối với đơn hàng giao từ nay đến tháng 10-2010. 
 
 
So với lần nâng giá gần đây nhất, giá sàn xuất khẩu gạo từ 450 USD/tấn tăng lên 475 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 410 USD/tấn lên 435 USD/tấn. Như vậy, đây là lần thứ 4 trong vòng hơn một tháng qua VFA nâng giá sàn xuất khẩu gạo với tổng mức tăng 75 USD/tấn. So với thời điểm thấp nhất, giá gạo VN đã tăng khoảng 140 USD/tấn.

Theo VFA, tính đến ngày 10-9 xuất khẩu gạo VN đạt trên 4,96 triệu tấn, kim ngạch 2,11 tỉ USD.

Theo tuoitre

Giá gạo mới chỉ bắt đầu tăng

Tại hội thảo mới đây ở Singapore, ông Milo Hamilton, chủ tịch dịch vụ tư vấn thị trường gạo - Firstgrain.com, dự báo giá gạo có thể tăng thêm 36% do lo ngại sản lượng của Mỹ giảm hơn dự báo. Theo ông, xu hướng giá tăng mới chỉ bắt đầu.Nguồn tin Bloomberg dẫn lời của ông cho rằng từ mức 13,46 USD/100 lb hiện nay, giá gạo có thể tăng lên mức 18 USD/100 lb. 
 

Mức nước ở sông Mêkông giảm có thể làm giảm năng suất ở Thái lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, và lũ lụt ở Pakistan càng làm thị trường gạo thêm căng thẳng.

Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể mua khoảng 500.000 đến 600.000 tấn gạo vào giữa tháng 12, trong khi Indonexia có thể mua 850.000 tấn gạo trong năm marketing 2010- 2011.

Ngày 8/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng gạo Mỹ xuống 7,567 triệu tấn, so với 7,975 triệu tấn dự báo một tháng trước đó, do năn gsuấtg giảm. Dự kiến Mỹ sẽ vượt Pakistan trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới trong năm nay.

(Vinanet)

VN tham gia Nghị định thư về đối xử đặc biệt với gạo và đường

(Dân trí) - Ngày 28/10, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN kết thúc với 2 văn kiện quan trọng được ký gồm: Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ và Nghị định thư sửa đổi về đối xử đặc biệt với gạo và đường.
 
Việc Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư góp phần khẳng định nỗ lực và sự tích cực của ta trong tiến trình hội nhập khu vực 

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4/2010) đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiến trình hiện thực hóa AEC vào năm 2015. Hiệp định về Thương mại hàng hóa ASEAN đã bắt đầu có hiệu lực vào 17/5/2010 và trở thành một công cụ pháp lý toàn diện với hàng loạt các biện pháp hướng tới sự lưu chuyển hàng hóa tự do hơn trong ASEAN.

Đáng chú ý, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký 2 văn kiện quan trọng gồm: Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 8 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ và Nghị định thư sửa đổi về đối xử đặc biệt với gạo và đường.

Gói cam kết dịch vụ ASEAN lần thứ 8 lần này đưa ra lịch trình tự do hóa đối với 15 phân ngành mới với tỷ lệ vốn góp nước ngoài tối đa là 70% với 4 ngành dịch vụ ưu tiên trong ASEAN (gồm dịch vụ y tế, du lịch, e-ASEAN, vận tải hàng không và dịch vụ tiếp vận) và thấp nhất là 51% đối với các lĩnh vực dịch vụ khác.

Việc ký kết Nghị định thư khẳng định quyết tâm của ASEAN với mục tiêu tự do hóa dịch vụ nội khối thông qua xóa bỏ hầu hết các rào cản dịch vụ, với mức độ cam kết cao hơn cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác để thúc đẩy liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp trong ASEAN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN

Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ nội khối ASEAN được các Quốc gia Thành viên ASEAN tiến hành trên cơ sở Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN (AFAS) ký năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi AFAS ký năm 2003. Theo mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Tổng thể về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nước ASEAN sẽ tiến hành đàm phán 11 Gói cam kết cho đến năm 2015. Đối với mỗi Gói cam kết, các nước sẽ ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết và xây dựng Biểu cam kết dịch vụ của mình đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho Gói cam kết đó.

Việc các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) thể hiện một bước tiến quan trọng trong tiến trình tự do hóa ngành dịch vụ trong ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Năm 2007, Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường được ký kết trong khuôn khổ Hiệp định về Chương trình Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) nhằm mục đích cho phép một nước thành viên được miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan quy định tại Hiệp định CEPT đối với hai mặt hàng là Gạo và Đường. Cho đến nay, hai nước là Indonesia và Philippines đã áp dụng Nghị định thư này.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (tháng 2/2009 tại Thái Lan), các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thay thế cho Hiệp định CEPT/AFTA và các Hiệp định liên quan. Do Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường năm 2007 được dẫn chiếu đến Hiệp định CEPT/AFTA nên sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, các nước nhất trí sẽ đàm phán và ký kết Nghị định thư sửa đổi nhằm thay đổi nguồn dẫn chiếu các quy định trong Nghị định thư từ Hiệp định CEPT/AFTA sang Hiệp định ATIGA.

Được xây dựng với sự tham gia của 10 Quốc gia Thành viên ASEAN, Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư về Đối xử đặc biệt với Gạo và Đường trong ASEAN đã góp phần giải quyết vấn đề thủ tục, mang tính kỹ thuật và rà soát pháp lý mà các nước ASEAN buộc phải thực hiện khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực.

Việc Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư góp phần khẳng định nỗ lực và sự tích cực của ta trong tiến trình hội nhập khu vực đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam được yêu cầu miễn trừ trách nhiệm đối với các cam kết thuế quan về hai mặt hàng Gạo và Đường trong ASEAN trong trường hợp cần thiết.

Phan Anh
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...