Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

30/1/11

Chúc Xuân Tân Mão 2011

Tết đến Xuân Tân Mão 2011 lại về, mỗi gia đình có thêm một niềm vui và hạnh phúc mới. Xuân về, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: 


SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG
             GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
                             AN KHANG
                                    THỊNH VƯỢNG


Xin cảm ơn Quý khách hàng đã ủng hộ Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH trong những ngày tháng qua. Kính mong Quý khách hàng tiếp tục ủng hộ Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH chúng tôi.

Xin chân thành cảm ơn Quý khách hàng!

26/1/11

Chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo

Bắt đầu từ ngày 14/2/2011, doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung không nhất thiết phải là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
 

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 14/2/2011. Điểm mới nhất của hoạt động xuất khẩu gạo theo Thông tư 44/2010/TT-BCT là cho phép sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.

Trước đây, việc thực hiện các hợp đồng tập trung này là đặc quyền của các thành viên VFA. Tuy nhiên, sắp tới, việc phân bổ sẽ căn cứ vào 3 yếu tố đã được Bộ Công thương quy định. Đó là thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 2 năm gần nhất vào thị trường dự kiến giao dịch; thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 2 năm gần nhất; và giao dịch với đối tác nước ngoài được chỉ định, hoặc dự kiến được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu gạo.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA khẳng định, các tiêu chí có tính chất tiêu chuẩn này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đủ năng lực được tham gia các hợp đồng tập trung. Dù mở rộng đối tượng, song thị trường xuất khẩu khó có thể rối loạn do các tiêu chí đưa ra rõ ràng và sàng lọc được những doanh nghiệp tốt.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ không có gạo dự trữ, khi ký được hợp đồng, nhảy vào tranh mua lúa gạo nguyên liệu để “lướt sóng”, gây sốt ảo. Khi giá lúa hạ, các doanh nghiệp này ngừng xuất khẩu, gây khó khăn cho nông dân và các doanh nghiệp khác. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, Nghị định 109/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm nay sẽ giúp thị trường lúa gạo ổn định, sàng lọc doanh nghiệp xuất khẩu tốt. Cụ thể, Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Dù vậy, trong năm 2011, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo dự báo chưa có nhiều biến động, bởi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có lộ trình để chuẩn bị. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2011, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn giữ nguyên. Từ ngày 1/10/2011 đến tháng 9/2012, doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng được phép đi thuê kho chứa và cơ sở xay xát. Sau thời gian này, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện mới phải ngừng xuất khẩu.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP cũng mở ra cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp xay xát, vốn có sẵn máy móc và kho tàng. Thế nhưng, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa đồng tình với quy định doanh nghiệp xuất khẩu phải có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. “Vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu phải có cơ sở xay xát, vì xay xát là lĩnh vực khá chuyên ngành. Vì vậy, cần có thêm thời gian để xác định tính khả thi và hiệu quả của quy định này”, ông Huệ cho biết.

Ngoài việc sàng lọc doanh nghiệp lướt sóng, phá giá thị trường, Nghị định 109/2010/NĐ-CP còn được xem là rào cản kỹ thuật hữu hiệu ngăn chặn cuộc tấn công của các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường xuất khẩu gạo (năm 2011). Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia xuất khẩu gạo, phải có kho dự trữ và cơ sở xay xát như doanh nghiệp trong nước.

Ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích dự báo thị trường thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tăng năng lực kho bãi, mạng lưới thu mua, dự trữ, bảo quản lúa gạo. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, sản xuất các loại gạo chất lượng cao. Cũng theo ông Tiến, việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, khiến số lượng người mua tham gia thị trường nhiều hơn, giúp người nông dân có lợi thế hơn về giá.

Theo dự báo của ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2011, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 40 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2010, trong đó, xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. “Nghị định 109/2010/NĐ-CP sẽ đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào nề nếp. Người trồng lúa trên cơ sở đó, cũng được đảm bảo ổn định hơn”, ông Thông nhận định.

(Theo Baodautu.vn)

Người tiêu dùng bất an về ‘gạo nhựa’

Ngay khi có thông tin “gạo nhựa” xuất hiện tại Trung Quốc, người tiêu dùng trong nước tỏ ra bất an với các loại gạo có nhãn hiệu gạo nhập khẩu và cảnh giác với tất cả các loại gạo.
 
Thị trường trong nước chưa nhập gạo từ Trung Quốc. Ảnh: TNLinh.

Nhiều đơn vị thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ngay lập tức lên tiếng khẳng định: Về chính ngạch, các doanh nghiệp trong nước chưa từng nhập gạo Trung Quốc.

Nghi ngờ các loại gạo ngoại

Gạo “nhựa” đang trở thành đề tài nóng cho cả người bán lẫn người mua tại các chợ, cửa hàng từ nhỏ, lẻ đến đại lý lớn của TP HCM. Một số chủ quầy gạo khu vực chợ Tân Định (quận 1) cho biết, từ hai ngày nay, nhiều khách hàng trước đây vốn chuộng loại gạo chất lượng cao bán lẻ, nay chuyển sang hỏi những loại gạo đóng bao (loại bao 5 – 10 kg), hay là loại bao 50 kg và chỉ chọn mua những loại gạo của các công ty lương thực tại TP HCM, Tiền Giang, Long An... Người tiêu dùng khi mua gạo còn kiểm tra rất kỹ bằng mắt thường, hoặc đưa lên miệng cắn thử.

Chị Chi, chủ đại lý gạo chợ Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết, trong hai ngày qua, nhiều khách hàng đến mua gạo tại đại lý đều nghi vấn là liệu các cửa hàng gạo có bán gạo từ Trung Quốc không? Gạo Đài Loan là gạo nào, có phải nhập khẩu từ Trung Quốc không? Chủ đại lý này phải mất khá nhiều thời gian giải thích cho người mua, là tất cả các loại gạo trong cửa hàng đều được lấy từ miền Tây (các tỉnh ĐBSCL) lên, “Có chăng chỉ là lượng nhỏ gạo nhập từ Campuchia, Thái Lan, chứ chưa từng nghe các nhà cung cấp chào gạo Trung Quốc”, chị Chi nói.

Ghi nhận tại các quầy gạo ở một số siêu thị tại TP HCM sáng 23/1, khách hàng đều tỏ ra thận trọng trong việc chọn mua gạo, qua việc quan sát, đọc các thông tin về thành phần, xuất xứ gạo trên bao bì, nhãn mác, trước khi mua.

Chưa nhập gạo Trung Quốc

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực TP HCM, khẳng định: Với thị trường phía Bắc, chúng tôi không nắm rõ đường tiểu ngạch ra sao, chứ đường chính ngạch và tại phía Nam, thì chắc chắn chưa có loại gạo nào nhập từ Trung Quốc. Theo ông Thành, tại TP HCM có bán một số loại gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Mỹ… Tuy nhiên, số lượng rất hạn chế, chủ yếu phục phụ nhu cầu nhỏ các nhà hàng, khách sạn lớn; còn lại nguồn cung gạo chủ yếu cho thị trường thành phố vẫn là các tỉnh ĐBSCL. Những nhãn hiệu gạo trên thị trường hiện nay, như gạo Miên, Thái… dễ gây cho người tiêu dùng nhầm là gạo nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Nhưng đó thực ra là những loại gạo lấy giống hoặc đặt tên ngoại. Chẳng hạn, gạo Đài Loan chính là loại gạo VĐ20 (Việt Đài 20), canh tác nhiều tại Gò Công (Tiền Giang) và vùng Cần Đước (Long An); hay loại gạo thơm Mỹ chính là gạo Jasmine, gạo thơm Thái là gạo hương lài…

Đồng quan điểm này, ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Vinh Phát, khẳng định, khả năng nhập khẩu gạo từ Trung Quốc về Việt Nam trước giờ không có. Bởi cách đây mấy tháng, phía Trung Quốc phải ồ ạt nhập gạo từ Việt Nam, chứ chưa nghe chuyện gạo Trung Quốc chảy về Việt Nam. Ngay cả thời điểm hiện tại, so về mặt bằng giá các loại gạo (cùng chất lượng) tại Trung Quốc lại luôn cao hơn hẳn so với gạo Việt Nam. “Nếu tính cả chi phí vận chuyển, thì rõ ràng nếu nhập về tới TP HCM, gạo Trung Quốc sẽ không có “cửa” cạnh tranh, đó là chưa nói tới chuyện chở củi về rừng…”, ông Trung nói.

Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cũng xác nhận, trong thống kê hàng vi phạm bị tạm giữ của Chi cục quản lý thị trường TP HCM trong hai năm qua, cũng chưa từng ghi nhận có gạo xuất xứ Trung Quốc.

(Theo datviet.vn)

Xuất khẩu gạo: Vẫn là bài học dự báo

Sẽ là không ngoa khi nói rằng năm 2010 là năm nhiều kịch tính trong xuất khẩu gạo. Sau bước khởi đầu “như mơ”, tưởng như đã có thể cầm chắc một “năm vàng” trong xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này, khó khăn lại chồng chất nảy sinh, rồi lại có một đoạn kết có hậu...
 

Còn nhớ, vào những ngày đầu năm 2010, không chỉ nông dân trồng lúa mà hết thảy những người “ngoài cuộc” đều rất hân hoan với mục tiêu kép của Hiệp hội Lương thực VN (VFA): giữ nguyên kỷ lục về khối lượng gạo xuất khẩu 6 triệu tấn như năm 2009, nhưng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng vọt lên 3-3,2 tỉ USD.

Như vậy, giá và giá trị gạo xuất khẩu sẽ không chỉ tăng 16% so với năm 2009 (406 USD/tấn và 2,437 tỉ USD) như quan chức cao nhất của VFA cho biết, mà sẽ tăng vọt 93-126 USD/tấn để đạt 500-533 USD/tấn, tức chỉ kém “chút xíu” kỷ lục 569 USD/tấn mà ta đã đạt được trong năm giá gạo thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại (trên 1.000 USD/tấn năm 2008). Kim ngạch xuất khẩu của nước ta sẽ lần đầu tiên đạt kỷ lục ở ngưỡng 3 tỉ USD, thậm chí 3,2 tỉ USD.

“Lỗi hẹn” trong mục tiêu giá cả

Bối cảnh thị trường thế giới năm nay lại khác xa. Theo một vài dự báo, sản lượng gạo vẫn tăng khá mạnh, xuất nhập khẩu tăng không đáng kể, nhưng tiêu dùng tăng rất mạnh nên tồn kho giảm nhẹ. Tình hình cung cầu một số loại ngũ cốc chủ yếu trên thế giới lại có những thay đổi rất lớn: cung giảm, cầu tăng, nên dự trữ giảm rất mạnh. Triển vọng giá gạo trong mối quan hệ qua lại giữa các loại ngũ cốc chủ yếu này ra sao, diễn biến như thế nào trong thời gian tới là một câu hỏi rất khó tìm ra lời giải.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê của VFA cho thấy tổng khối lượng gạo xuất khẩu tuy đạt kỷ lục chưa từng có trên 6,72 triệu tấn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,9 tỉ USD. Giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu mới đạt 433 USD/tấn, tăng 26 USD/tấn so với năm 2009.

Cho dù khối lượng gạo xuất khẩu kỷ lục chưa từng có như vậy được coi là một thành công lớn, song không thể phủ nhận những bất cập không nhỏ vẫn tồn tại trong hoạt động này, dẫn đến việc “lỗi hẹn” trong thực hiện mục tiêu giá cả.

Trước hết, so với diễn biến giá cả thế giới nói chung, mức tăng của các doanh nghiệp nước ta trong năm 2010 không đủ bù cho mức giảm quá lớn trong năm 2009. Bởi lẽ, từ mức “đỉnh” 295 điểm phần trăm trong năm 2008, giá gạo thế giới năm 2009 chỉ giảm 14,2% xuống còn 253 điểm phần trăm; với mức giảm 9,5% xuống còn 229 điểm phần trăm trong năm 2010, tổng mức giảm của năm 2010 so với năm 2008 cũng chỉ là 22,2%. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã “rơi tự do” từ 569 USD/tấn (năm 2008) xuống còn 407 USD/tấn (năm 2009). Do vậy, cho dù tăng 6,5% trong năm 2010 nhưng so với năm 2008, giá gạo xuất khẩu của nước ta năm 2010 vẫn giảm tới 23,8%. Nói cách khác, dù đã tăng trong năm 2010 nhưng giá gạo xuất khẩu của nước ta vẫn thấp so với giá thế giới.

“Lạc nhịp” trong chu trình xuất khẩu

Việc giá gạo xuất khẩu trong năm 2010 thấp quá xa so với dự kiến như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ba nguyên nhân sau có lẽ là quan trọng nhất:

Thứ nhất, nếu nhìn vào tiến độ xuất khẩu gạo trong năm 2010, có thể thấy rất rõ nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến giá gạo quá thấp so với mục tiêu VFA đề ra là do đã đẩy mạnh xuất khẩu đúng vào thời đoạn giá gạo “bèo” nhất trong năm. Các số liệu của VFA cho thấy khi giá gạo xuất khẩu quý 1 đạt kỷ lục 472 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,292 triệu tấn, quý 4 có giá về nhì với 464 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu đạt 1,368 triệu tấn, nhưng trong hai quý giữa năm, khi giá chỉ đạt 385 USD/tấn và 429 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu đều lên tới trên 2 triệu tấn.

Như vậy, tính chung lại, ở hai quý được giá đầu năm và cuối năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu chiếm chưa tới 40%, trong khi hai quý giữa năm giá thấp thì tổng khối lượng xuất khẩu chiếm trên 60%. Trong đó, điển hình nhất là khối lượng gạo xuất khẩu đã được đẩy lên cao kỷ lục 813.000 tấn trong tháng 8 - một mức có lẽ chưa từng có trong suốt 22 năm xuất khẩu quy mô lớn của nước ta - nhưng đó cũng chính là thời điểm giá gạo xuất khẩu đứng ở mức “đáy” trong năm 2010 chỉ với 371,7 USD/tấn.

Thứ hai, diễn biến giá gạo xuất khẩu theo quý như nói trên của nước ta có phần “lạc nhịp” so với giá gạo xuất khẩu của thế giới. Từ các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) có thể thấy đối với nhóm gạo Indica chất lượng thấp (gạo từ 20% tấm trở lên), nếu giá bình quân trong quý 1 bằng 104% giá bình quân của cả năm, còn quý 4 đạt đỉnh 111%, thì quý 2 đứng ở mức “đáy” với 87%, còn quý 3 gần đạt mức trung bình của cả năm (97%). Trong khi đó, theo cách tính này, giá gạo xuất khẩu của VN đạt đỉnh 109% ngay trong quý 1 và quý 4 cũng chỉ đạt 107%, quý 2 tuy giảm mạnh so với quý 1 nhưng cũng gần đạt mức trung bình (99%) và quý 3 chạm đáy chỉ với 89%.

Sự “lạc nhịp” này chắc chắn có phần quyết định là do các doanh nghiệp nước ta đã liên tục thắng thầu với giá cao ngất ngưởng những khối lượng gạo rất lớn cung ứng cho thị trường Philippines trong nửa đầu năm, còn sau đó, khi giá gạo thế giới đã bắt đầu tăng từ tháng 6 thì giá gạo của VN vẫn tiếp tục tụt dốc đến tháng 9 mới bắt đầu nhích lên. Từ các số liệu cập nhật của VFA và các kết quả bốn cuộc đấu thầu theo như công bố của Cơ quan Thực phẩm quốc gia Philippines (NFA), nếu loại trừ 1,4 triệu tấn gạo với giá cao ngất ngưởng gần 575 USD/tấn mà các doanh nghiệp nước ta giành quyền cung ứng cho thị trường này, giá xuất khẩu bình quân của hơn 5,3 triệu tấn gạo còn lại chỉ đạt 396 USD/tấn...

Thứ ba, khoảng cách quá xa giữa mức giá thực tế đã đạt được so với giá mục tiêu chính là do mục tiêu VFA đề ra từ đầu năm quá cao, ngược chiều so với xu thế biến động của giá thế giới. Cũng số liệu thống kê của FAO cho thấy giá gạo thế giới năm 2009 đã giảm 14,2% và năm 2010, trái ngược với dự báo sẽ tăng “khủng” của VFA, đã tiếp tục giảm 9,5%.

Như vậy, thành tựu lớn nhất trong xuất khẩu gạo năm 2010 vẫn là khối lượng đạt kỷ lục chưa từng có. Song giá gạo xuất khẩu sau “bước chạy đà phấn chấn” trong cung ứng những khối lượng gạo rất lớn cho Philippines, các doanh nghiệp nước ta đã có phần “hụt hơi” nên kết quả vẫn hạn chế. Do vậy, bài học của 22 năm xuất khẩu gạo trên quy mô lớn vẫn là bài học về dự báo, dù dự báo giá của loại nông sản chiến lược này luôn là vấn đề nan giải đối với bất kỳ ai.

(Theo Tuoi tre)

22/1/11

Sửng sốt vì gạo làm từ... nhựa

Tờ Korea Times của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Hong Kong cho hay, gạo giả đang được bày bán tràn lan khắp thị trường Trung Quốc.


Theo tờ báo này, một số “con buôn” đang tích cực “tiếp thị” gạo giả tại thành phố Taiyuan, tỉnh Shaanxi, Trung Quốc.

Nguyên liệu chính làm nên loại gạo này là bột khoai tây và khoai lang. Tuy nhiên, chất kết dính để tạo hình hạt gạo chính là loại nhựa resin độc hại.

“Nhìn bề ngoài hạt gạo không có khác nhiều so với gạo thật. Tuy nhiên, khi nấu lên, loại gạo được làm từ nhựa này rất cứng”, một chuyên gia thực phẩm cho biết.

Một quan chức thuộc Hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cảnh báo, nếu ai ăn phải lượng “gạo nhựa” tương đương ba bát cơm thì đồng nghĩa với việc cho vào bụng một túi nilông.

Tuy nhiên, bất chấp mối nguy hại này, gạo nhựa vẫn được bán với số lượng lớn bởi giá thành sản xuất rất thấp, do đó, lợi nhuận thu về không nhỏ.

Korea Times khẳng định, đây không phải lần đầu tiên giới truyền thông cảnh báo về gạo giả tại Trung Quốc. Truyền hình nước này từng cảnh báo một công ty ở Xi'an, cũng thuộc tỉnh Shaanxi, sản xuất gạo nhái loại gạo Wuchang nổi tiếng thơm ngon ở đây bằng cách thêm hương liệu hóa chất.
(Theo Korea Times)

Cảnh báo gạo làm từ… nhựa

TT – Ngày 20-1, Tuần báo Hong Kong cho biết có một loại gạo giả làm từ khoai lang, khoai tây, nhựa tổng hợp độc hại đã được bày bán ở thị trường thành phố Thái Nguyên - thủ phủ tỉnh Sơn Tây.

Hàng nông sản, và giờ đây là gạo giả Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh cho người tiêu dùng - Ảnh: Green Peace

Tuần báo Hong Kong tại Hong Kong trích nguồn truyền thông Singapore cho biết hỗn hợp trên được tạo hình giống như hạt gạo. Đáng sợ nhất là các loại bột khoai tây và khoai lang được kết dính thành “hạt gạo” bằng loại nhựa resin độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Gạo này tất nhiên là khác gạo thường vì nó rất cứng ngay cả khi đã được nấu”, một chuyên gia thực phẩm cho biết.

Một nhà hàng Trung Quốc cảnh báo nếu ai ăn phải lượng “gạo nhựa” tương đương ba bát cơm, họ đã cho vào bụng một túi nilông.

Trong khi đó, giới thương nhân cho rằng vì “gạo nhựa” rất rẻ nên có khả năng nhiều người hám lợi vẫn bán với khối lượng lớn dưới hình thức trộn cùng gạo thật.

Trước đó, truyền hình Trung Quốc từng cảnh báo một công ty ở Tây An, cũng thuộc tỉnh Sơn Tây, đã sản xuất gạo nhái một loại gạo nổi tiếng thơm ngon ở đây bằng cách thêm hương liệu hóa chất.

Hồi tháng 8-2010, tờ Nhật báo Thượng Hải cũng đưa tin Thái Lan tuyên bố điều tra một loại gạo nhái gạo thơm Thái Lan được bán ở Trung Quốc. Quan chức Đại sứ quán Thái Lan cho biết 90% gạo Thái là hàng Trung Quốc làm giả và được sản xuất chủ yếu ở tỉnh Giang Tây. Hai loại gạo này nhìn bề ngoài không phân được nếu chưa nấu.

PHAN ANH
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...