Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

31/7/11

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu

SGTT.VN - Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa hè thu đang ở mức 6.700 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay sau một thời gian ngắn giảm giá nhẹ. Giá gạo nguyên liệu cũng ở mức kỷ lục 10.500 đồng/kg.

Giá bán nhiều loại gạo đều tăng tại các chợ ở TP.HCM, 28.7.2011. Ảnh: Lê Quang Nhật

Sáng ngày 28.7, sau khi kiểm tra lại sổ sách, ông Nguyễn Thanh Long, giám đốc điều hành công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM) mới giật mình vì chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gạo nguyên liệu tăng gần 20%.

“Đón gió” giá thế giới

Ông Long nhớ lại: cơn sốt giá gạo thế giới, trong đó có Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 4.2008, gạo nguyên liệu xuất khẩu 5% tấm tại mạn tàu cao nhất cũng chỉ ở mức 9.700 đồng/kg, nhưng bây giờ đã vượt qua mốc 10.500 đồng/kg, tương đương hơn 510 USD/tấn.

Vài ngày gần đây, trong giới kinh doanh gạo xuất hiện thông tin cho rằng giá lúa gạo biến động là do có tình trạng đầu cơ, đón “gió” giá gạo Thái Lan được dự báo sẽ tăng. Trên thực tế, chỉ trong vòng khoảng 15 ngày đầu tháng 7.2011, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng gần 100 USD/tấn, lên 570 USD sau khi đảng Vì nước Thái thắng cử và sẽ phải thực hiện chính sách cam kết hỗ trợ mua lúa khô loại thường cho nông dân không dưới 15.000 baht/tấn. Mức giá này quy đổi ra VND khoảng hơn 10.000 đồng/kg.

Gạo Thái Lan tăng ngay lập tức kéo giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 30 – 40 USD, lên mức trung bình 500 USD trong khoảng 15 ngày đầu tháng 7. Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, chuyên cung ứng gạo nguyên liệu xuất khẩu ở Tiền Giang, cho biết tâm lý đầu cơ tích trữ gạo chờ giá tăng trong giới kinh doanh là có thật. “Ai cũng dự đoán giá gạo Thái sẽ tăng sau bầu cử chính trị nên dồn lực mua vào. Trong mười ngày đầu tháng 7, chúng tôi nhanh chân mua được 10.000 tấn, giá chỉ dưới 10.000 đồng/kg. Đến đầu tuần này công ty bán cho doanh nghiệp xuất khẩu, lãi 500 đồng/kg”, vị giám đốc trên cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), với mức lãi vay hiện nay thì chi phí tồn kho mỗi tháng khoảng 160 – 170 đồng/kg gạo. Thế nhưng, trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, gạo nguyên liệu nội địa tăng ít nhất 1.500 đồng/kg, gấp gần mười lần mức lãi vay nên kích thích doanh nghiệp cung ứng mua vào tích trữ.

Giá lúa gạo trong nước tăng nóng còn do doanh nghiệp mua vào nhiều để giao hàng xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu quý 3 sẽ là 1,9 triệu tấn, nghĩa là từ tháng 7 đến tháng 9 mỗi tháng phải giao gần 700.000 tấn gạo cho khách hàng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết, hơn hai tuần đầu tháng 7, do giá gạo Thái quá cao, nhà nhập khẩu chuyển sang mua gạo Việt Nam, nên doanh nghiệp tranh thủ ký hợp đồng và phải mua để giao cho khách. Theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, số đăng ký xuất khẩu gạo thương mại trong tháng này vượt 1 triệu tấn. Có nguồn tin còn cho hay Việt Nam lại vừa trúng thầu cung cấp thêm cho Indonesia số lượng vài trăm ngàn tấn gạo theo dạng hợp đồng tập trung.

Doanh nghiệp xuất khẩu lỗ

Ông Nguyễn Thành Long, giám đốc công ty Gạo Việt cho biết, do giá gạo nguyên liệu liên tục tăng mạnh nên hơn một tuần nay ông không dám ký hợp đồng thêm vì sợ lỗ. Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, đối với những hợp đồng ký được giá cao (từ 500 – 510 USD/tấn) trong hai tuần đầu tháng 7 vừa qua, nếu doanh nghiệp không mua ngay nguyên liệu vào thời điểm đó thì nay chắc chắn bị lỗ do giá tăng cao hơn 20 – 30 USD/tấn. Tình trạng thua lỗ còn nặng nề hơn dành cho những hợp đồng ký trong quý 2 với giá thấp (460 – 470 USD/tấn), thời gian giao từ tháng 7 cho đến hết năm 2011. Theo VFA, số lượng gạo ký hợp đồng trong quý 2 vào khoảng hơn 1,3 triệu tấn.

Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam thừa nhận giá gạo nội địa tăng cao hơn giá xuất khẩu khiến cho nhiều doanh nghiệp bị lỗ do ký hợp đồng vào thời điểm giá thế giới ở mức thấp. Ông Huệ cũng dự báo, trong trường hợp giá gạo Thái tiếp tục tăng, nhu cầu nhập khẩu sẽ chuyển hướng, dự báo Việt Nam sẽ là nơi hưởng lợi vì giá thấp hơn và có khả năng cung cấp, đáp ứng thị trường.




Đặng Hoàng

7/7/11

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL: Tổn thất hơn 365 triệu USD/năm

Một năm vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 20 triệu tấn lúa. Do đó, quy ra tiền, tổn thất sau thu hoạch mỗi năm lên đến 365 triệu USD.
 

Ngày 30.6, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra “Hội thảo về bảo quản lúa gạo cho ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT), Trường Đại học Nông lâm TP.HCM phối hợp tổ chức.
Theo thống kê của các nhà khoa học, nông dân thu hoạch lúa bị tổn thất từ 12-14% ở các khâu cắt lúa, sấy lúa, tồn trữ... TS Phạm Văn Tấn - Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết, 1 năm vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 20 triệu tấn lúa. Do đó, quy ra tiền, tổn thất sau thu hoạch mỗi năm lên đến 365 triệu USD.

Theo Nông nghiệp Việt Nam.

Giá lúa gạo tăng trở lại

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa gạo đã tăng trở lại nhờ nhu cầu thu mua xuất khẩu phục vụ các đơn hàng mới từ Bangladesh và Indonesia. Giá lúa thường ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm qua (3-7), dao động từ 5.750-5.850 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tuần trước; giá lúa dài khoảng 5.950-6.050 đồng/kg, tăng 250 đồng. 
 
 

Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm là 7.850-7.950 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm tăng cùng mức lên 7.700-7.800 đồng/kg; giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 9.350-9.450 đồng/kg, tăng 200 đồng; giá gạo 15% tấm là 8.750 - 8.850 đồng/kg, tăng 100 đồng và gạo 25% tấm khoảng 8.500 - 8.600 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Giá lúa gạo hồi phục sau thời gian dài liên tục giảm là nhờ các đơn hàng mới, Bangladesh đã ký hợp đồng mua 100.000 tấn gạo trắng 15% tấm với giá 525 USD/tấn, giao trong tháng 7; Indonesia đang thỏa thuận mua 400.000 tấn gạo của Việt Nam.

Theo Hà Nội mới

Nông dân phấn khởi vì lúa hè thu trúng mùa, trúng giá

Đến nay nông dân Hậu Giang đã thu hoạch được gần 13.000 ha trên tổng diện tích gieo cấy 78.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha, tăng hơn năm trước 2 tạ/ha. Hiện tại, mặc dù giá lúa có giảm hơn so với đầu vụ từ 500 đến 700 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức cao, dao động trên dưới 5.100 đồng/kg lúa khô. Giá lúa ướt thu hoạch ngay thời điểm mưa dầm được thương lái thu mua tại ruộng từ 3.800 đến 4.200 đồng/kg. Do phần lớn nông dân thiếu nơi phơi sấy nên bà con đều bán lúa ướt cho thương lái.
 

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Hậu Giang: do lúa năm nay vừa trúng mùa, trúng giá nên lợi nhuận của nông dân đạt khá. Với giá bán như hiện nay và chi phí giá thành trong vụ này là 3.200 đồng/kg (cao hơn vụ trước 400 đồng/kg), lợi nhuận thu được trong vụ này bình quân đạt từ 12 đến 15 triệu đồng/ha, chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư. Nông dân đã đầu tư tăng được 31 máy gặt đập liên hợp, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp trên địa bàn Hậu Giang lên 76 máy, giúp bà con thu hoạch nhanh, giảm chi phí hơn so với các năm trước. Khó khăn lớn nhất trong vụ này là chi phí cho phân bón, vật tư tăng cao, thiếu sân phơi, lò sấy trong khi hầu hết diện tích thu hoạch đều rơi vào giai đoạn mưa bão. Nhờ sản xuất có lãi nên ở một số huyện Châu Thành A, Vị Thủy… sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, bà con đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lại lúa vụ 3.

Nông dân huyện Càng Long (Trà Vinh) đã thu hoạch được gần 8.000 ha lúa vụ hè thu, chiếm trên 57% diện tích xuống giống. Năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với vụ lúa hè thu năm ngoái, cao nhất kể từ trước đến nay. Giá lúa tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện dao động từ 4.500- 4.600 đồng/kg, lúa phơi khô làm sạch đủ chuẩn chế biến xuất khẩu có giá từ 5.400- 5.500 đồng/kg. Theo các hộ nông dân cho biết, tuy chi phí sản xuất lúa vụ hè thu tăng hơn vụ đông xuân 2010- 2011 khoảng 15- 25% (tuỳ điều kiện đất) nhưng với năng suất và giá cả như hiện nay, bình quân mỗi hécta người trồng lúa thu lãi khoảng 12- 15 triệu đồng, riêng các hộ thâm canh tốt đạt năng suất 6- 7 tấn/ha có mức lãi cao hơn nhiều.

Càng Long là huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Trà Vinh, hàng năm sản xuất 3 vụ lúa gồm: đông xuân, hè thu và thu đông, với diện tích khoảng 14.000- 14.500 ha/vụ, trong đó sản xuất lúa vụ hè thu thường gặp nhiều khó khăn nhất. Năm nay cũng không ngoại lệ, vào thời điểm đầu vụ tình hình khô hạn, mặn xâm nhập diễn ra khá gay gắt, đe dọa trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu trên địa bàn huyện. Nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, quản lý chặt việc vận hành các công trình thủy lợi đầu mối trong việc ngăn mặn, tiếp ngọt một cách hiệu quả nhất; thực hiện xuống giống một cách đồng loạt, đúng lịch thời vụ theo hướng “né” rầy và hạn mặn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương... Trong chế độ canh tác, có khoảng 90% nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận, có sức kháng rầy cao, áp dụng chương trình “3 tăng, 3 giảm” một cách triệt để, đặc biệt là không sạ dày và bón thừa đạm cho cây lúa…

Ông Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh cho biết: Công ty đang triển khai mua tạm trữ 60.000 tấn gạo (tương đương khoảng 120.000 tấn lúa) trong vụ lúa hè thu theo chỉ tiêu phân bổ của Tổng công ty lương thực miền Nam. Vụ lúa hè thu năm 2011, nông dân tỉnh Trà Vinh xuống giống được khoảng 80.000 ha, với sản lượng ước đạt 400.000 tấn lúa. Để hoàn thành chỉ tiêu mua gạo tạm trữ và mua hết lúa hàng hóa trong dân, ngoài việc tổ chức 04 điểm mua lúa gạo tại các khu vực trọng điểm lúa vụ hè thu, Công ty lương thực Trà Vinh phối hợp chặt với khoảng 30 khách hàng là các đại lý, cơ sở xay xát lúa gạo trong tỉnh, triển khai mua tạm trữ 6 0.000 tấn gạo trong vụ lúa hè thu. Đặc biệt, Công ty vừa hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động kho chứa gạo tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, công suất 70.000 tấn/năm. Kho chứa gạo này được xây dựng theo hệ thống khép kín, với các trang thiết bị hiện đại từ khâu thu mua, chế biến, phân tích chất lượng và tạm trữ lúa gạo.

Năm 2011, Tổng công ty lương thực miền Nam giao chỉ tiêu cho Công ty lương thực Trà Vinh xuất khẩu 150.000 tấn gạo. Đến nay, Công ty đã mua vào được 82.000 tấn gạo, hiện đã ký kết hợp đồng được 70.000 tấn và xuất khẩu được 60.000 tấn, với tổng kim ngạch hơn 15 triệu USD./.

(Theo TTXVN)

Tạ mùa no đủ

(Dân Việt) - Chẳng biết tự bao giờ, tập tục biện lễ để dâng tạ mùa màng no đủ trước mỗi vụ gặt đã trở thành điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh của những người làm ruộng ở Văn Chấn, Yên Bái.

 

Tập tục còn ước định rằng, nếu chưa làm lễ tạ mùa thì dù cho gạo lúa đã thu về đầy bồ, chật cót, phơi phóng xong xuôi cũng không được xay xát, đun nấu. "Tạ mùa là để chúng ta tri ân với trời đất, ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, vụ lúa sau sẽ tốt hơn vụ này..." - những người già vẫn dặn dò cháu con như vậy.

Khi cái nắng trời bắt đầu gay gắt, lúa trên đồng làng đã đến độ vàng hươm chỉ chờ thu hoạch cũng là lúc mọi người, mọi nhà bàn nhau chọn giờ tốt, ngày tốt để làm lễ cúng cơm tạ mùa. Người ta thường chọn ngày bình an, tức ngày mùng 8 tháng Giêng và mùng 8.8 âm lịch để tổ chức lễ cúng.

Ngay từ sớm tinh mơ ngày đã định, khi mặt trời chưa ló rạng, chủ gia đình mang liềm ra ruộng lúa tốt nhất của nhà mình, chọn cắt một đon lớn gánh về. Tiếp theo, phụ nữ lựa ra những bông lúa đẹp, chắc, mẩy nhất bó thành một bó nhỏ rồi đặt lên bàn thờ gia tiên. Chỗ lúa còn lại được tuốt thành thóc, xay, giã, giần, sàng để có một mẻ gạo mới.

Gạo đó để trong buồng, đợi đến chiều muộn khi mặt trời đã lặn sẽ đem thổi cơm kết hợp với thịt một con gà trống tơ, một miếng thịt lợn luộc rồi tất cả được xếp lên mâm. Đến đúng đầu giờ Tuất (khoảng ngoài 7 giờ tối), lễ tạ mùa do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà chủ trì sẽ chính thức bắt đầu.
Trong lúc lễ diễn ra, cổng và cửa nhà phải đóng kín, toàn bộ các thành viên của gia đình phải tập trung trước gian thờ. Nếu chủ tế chưa cho phép không ai được mở cửa. Bởi theo quan niệm vía lúa và những điều may mắn đang ở cả trong nhà, chỉ cần hé cửa nó sẽ bay sang nhà khác.
Thắp 3 nén hương lên ban thờ, người chủ tế đọc lời khấn nguyện, vừa tạ ơn các bậc tiền nhân và các vị thần linh đã phù hộ cho lúa vụ này mẩy hạt sai bông, vừa cầu mong cho sự độ trì được tiếp tục để vụ lúa tới thời tiết cũng thuận hòa, mùa màng bội thu, đủ đầy, sung túc...

Lời cúng vừa dứt, mọi người thành tâm cúi đầu hành lễ. Đợi khi nhang tàn, bát cơm mới và các lễ vật được hạ xuống để cả nhà cùng nhau quây quần thụ lộc. Các thành viên trong nhà được chia một chút cơm mới để ăn lấy may.

Cũng có nhiều gia đình cẩn thận, khi chuẩn bị lễ vật tạ mùa còn đặt cạnh đĩa xôi, con gà, khổ thịt, một quả trứng vịt luộc. Khi nhang tàn, việc đầu tiên sau khi hạ lễ, người chủ nhà bóc quả trứng luộc ra xem. Nếu như lòng đỏ quả trứng càng lớn chứng tỏ lúa vụ tới càng được mùa.
Chia lộc cho hàng xóm láng giềng vào ngày lễ tạ mùa cũng là một tập tục đẹp của vùng quê này. Chẳng biết cái lộc đó đem đến may mắn như thế nào, nhưng điều đọng lại là tình cảm làng xóm ngày càng gắn bó, nồng ấm…

(Theo NNVN)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...