Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

10/9/12

Gạo Việt chảy sang Thái Lan, Trung Quốc

'Không ai kiểm soát được tình hình gạo tràn qua biên giới thì chỉ sợ khi giá xuất khẩu tăng cao, Việt Nam đã cạn gạo trong kho để bán', một chuyên gia nhận định.

Tình trạng gạo "chảy" sang Thái Lan, Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực Việt Nam
Ảnh: PL TP HCM

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng đã ký trong tháng 7 và 8 tăng mạnh. Đến ngày 31/8, kết quả hợp đồng đã ký lên đến 6,8 triệu tấn, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2011. Số hợp đồng còn lại giao từ tháng 9 gần 1,7 triệu tấn tương đương mức tồn kho trong doanh nghiệp xuất khẩu.

“Tuy nhiên, hiện VFA vẫn chưa thống kê được lượng gạo tồn kho trong nông dân, nhà máy và doanh nghiệp ngoài Hiệp hội, đặc biệt là lượng gạo tuồn qua biên giới Campuchia và Trung Quốc. Chính doanh nghiệp phải chủ động kiểm soát nguồn dự trữ gạo cho xuất khẩu của mình nếu không muốn mất uy tín với nhà nhập khẩu. Dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tăng do nguồn cung thế giới giảm. Vì thế, doanh nghiệp nói ký nhiều hợp đồng, tôi thấy đáng lo hơn là mừng” - ông Phong bày tỏ. 

Hiện nay, theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ký hợp đồng thương mại với các nhà nhập khẩu tư nhân chuyên mua đi bán lại để kiếm lời. Nếu doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, các nhà nhập khẩu này không đòi gạo mà đòi bồi thường đúng khoản lợi nhuận họ sẽ thu được, 40-50 USD một tấn gạo. Trường hợp xấu nhất là nhà nhập khẩu sẽ kiện làm mất uy tín ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

Về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: "Ngành xuất khẩu gạo cứ chạy theo thành tích. Doanh nghiệp thì quen kiểu 'ăn xổi ở thì', cứ thấy giá gạo xuống thấp lại sắp vào vụ thu hoạch (khoảng tháng 7, 8), có người mua là xuất khẩu ồ ạt. Không ai kiểm soát được tình hình gạo tràn qua biên giới thì chỉ sợ khi giá xuất khẩu tăng cao, Việt Nam đã cạn gạo trong kho để bán”.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, tình trạng gạo "chảy" sang Thái Lan, Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực Việt Nam. "Thương lái nước ngoài sang mua gạo giá cao thì nông dân bán thôi. Tuy nhiên, qua đây cho thấy chính sách thu mua tạm trữ của ta đang bị hạn chế tác dụng. Nông dân sản xuất hơn 10 triệu tấn mà tạm trữ 1 triệu thì thấm vào đâu", ông Xuân nói.

Bên cạnh đó, có thông tin lo ngại thương lái nước ngoài đầu cơ, găm hàng gạo chờ khi giá gạo thế giới tăng, nguồn cung Việt Nam cạn kiệt thì gạo lại chảy ngược vào Việt Nam.

Ở góc độ khác, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng gạo Việt Nam chảy qua Campuchia sang Thái Lan là do quy luật cung-cầu. Chính phủ Thái Lan trợ giá cho nông dân nên thương lái nhảy sang mua gạo Việt Nam để kiếm lợi nhuận. Chẳng hạn, họ mua gạo Việt Nam với giá 8.500-8.900 đồng một kg. Nếu tính cả chi phí thuê người, phương tiện thì giá cũng ở mức 480 USD một tấn, sau đó dùng nhiều hình thức để bán cho chính phủ 550 USD một tấn. Như vậy thương lái vẫn hưởng lợi hơn 70 USD một tấn. Do đó khó xảy ra chuyện gạo chảy ngược về Việt Nam.

(Theo Pháp luật TP HCM)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...