Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

23/1/12

Ngày tết chọn gạo như thế nào?

Ba ngày tết nhất định trong mỗi gia đình phải có vài ba ký gạo ngon. Cơm gạo ngon không chỉ là tấm lòng thành dâng hương cúng ông bà tổ tiên sau một năm phù hộ độ trì con cháu làm ăn, mà còn thể hiện sự hiếu khách của gia chủ trong những ngày tết. Thị trường hiện có hàng trăm thương hiệu gạo khác nhau, nên để chọn được một loại gạo ngon thì không phải là chuyện dễ chút nào. 

 

Để mua được gạo ngon ăn tết, người tiêu dùng cần chọn những loại gạo có thương hiệu, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng

Điểm qua các cửa hàng kinh doanh gạo, có thể nhận thấy cừa hàng nào cũng có bày bán các loại gạo ngon với những tên gọi quen thuộc như: thơm lài, thơm Thái, thơm Đài Loan, thơm đặc biệt; tài nguyên, tài nguyên đặc biệt; gạo một bụi, hai bụi; nàng thơm chợ đào, hương lài, jasmine, gạo sóc, gạo Châu Long, chín con Rồng Vàng, hương đồng, hương lúa, đồng xanh, hạt ngọc, quê Việt, gạo thơm Mỹ… Giá trung bình của dòng gạo thơm dao động từ 12.000đ cho đến 26.000-28.000đ/kg.

Tuy có sự chênh lệch về giá bán, tên gọi, nhưng nhìn chung hạt gạo khi nấu ra cơm chỉ xoay quanh ở bốn tính chất cơ bản đó là: cơm dẻo, thơm, mềm và xốp. Chính vì vậy, theo ông Huỳnh Tín Dũng, giám đốc kinh doanh công ty Minh Cát Tấn, mặc dù gạo thơm, ngon có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thật chất chỉ chế biến từ trên dưới 10 giống lúa thuộc dòng cơm dẻo, thơm... được trồng ở các tỉnh ĐBSCL.


Ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty lương thực TP HCM thì kể ra những loại giống thường thấy đó là: Jasmine, KDM (hương lài, thơm lài), Hommali (giống lúa nhập từ Thái - thơm Thái), giống lúa Đài Loan (VD - Việt Đài - gạo thơm Đài Loan) và một vài giống dòng ST, OM trồng ở Sóc Trăng. Còn một đầu mối cung cấp gạo ở TP HCM lại cho hay, thực tế có 15 loại giống chủ lực, giá gạo thấp nhất là 6.500đ/kg, cao nhất là 18.000đ/kg. Từ 15 loại gạo này, các điểm kinh doanh gạo phối trộn cho ra trên 80 loại tên gọi khác nhau.

Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh gạo, những giống lúa thơm nói trên sau khi chế biến thường cho ra hạt gạo dài, ngắn, đục hoặc trong suốt, nhưng đặc điểm chung nhất là khi vốc nắm gạo lên sẽ có mùi thơm. Ví dụ, nếu đúng là gạo nàng thơm chợ đào, thì hạt gạo dài, mãnh (không to), đục, và có mùi rất thơm. Gạo nàng thơm chợ đào trồng vào vụ mùa cuối năm ở 6/11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Mỗi năm cho ra sản lượng khoảng 1.200 tấn gạo, tiêu thụ đến sau tết nguyên đán là hết, nên việc loại gạo này lúc nào cũng có trên sạp bán là không đúng.

Do đó, để mua được gạo ngon ăn tết, người tiêu dùng cần chọn những loại gạo có thương hiệu, địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng. Theo tìm hiểu, tại TP HCM có một số thương hiệu gạo đang bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như: thơm lài, nàng thơm, tài nguyên, thơm Đài Loan của công ty Xuân Hồng; gạo kim kê của công ty Minh Cát Tấn; hương đồng, hương lúa, đồng xanh, hạt ngọc, quê việt, chín con rồng vàng của công ty lương thực TP; Pathumthani, Hommali (thơm thái nhập khẩu) của công ty Vạn Thịnh.. Những loại gạo thơm này, chí ít cũng được chế biến từ một giống lúa, mà không bị trộn lẫn nhiều loại giống như nhiều cửa hàng khác. Chẳng hạn, thương hiệu gạo Kim Kê (số hiệu từ 01-09), giá bán từ 18.000 - 21.000 đ/kg lấy từ các giống lúa trong nước như jasmine, tài nguyên, thơm Thái, thơm Đài Loan, hương lài. Trong khi đó, công ty Xuân Hồng, mỗi tháng tung ra thị trường 40 - 50 tấn gạo thơm lài, nàng thơm, tài nguyên, thơm Đài Loan mang thương hiệu Xuân Hồng thì chỉ bán trong hệ thống siêu thị, giá trung bình trên 19.200đ/kg…

Ngoài gạo sản xuất trong nước, thị trường TP còn xuất hiện gạo từ giống ngoại chính hiệu, như hai thương hiệu gạo Nhật Bản là Lovey, Fujisakura đang bán tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Metro, Citimart, Maximark, Lottemart, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn ở TP. Hai loại gạo này được chế biến từ bốn loại giống lúa thuần, gồm: Koshihikai, Akiatakomachi, Haranomai và Kinu. Những giống lúa này được công ty Angimexkitoku nhập từ Nhật Bản, đưa xuống cho nông dân trồng ở huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, An Giang, sau đó được đưa về TP.HCM tiêu thụ. Cơm gạo Nhật dẻo, có mùi gạo nhưng không thơm bằng một số giống trong nước, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu chuộng.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng thị trường TP tiêu thụ 50 - 60 tấn gạo Nhật. Ngoài gạo Nhật, thị trường TP cũng đang bán hai thương hiệu gạo Thái chính hiệu là Pathumthani, Hommali (thơm Thái) được nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện từ Thái, chứ không phải nhập về đóng gói. Gạo Thơm Thái chính hiệu nhập khẩu có cơm ngon, dẻo, mùi vị thơm của bắp non, còn gạo thơm Thái do nông dân trồng trong nước (giống hommali nhập từ Thái) chất lượng không bằng. Giá bán đối với gạo Pathumthani là 23.680 đ/kg, gạo Hommali 26.320 đ/kg, bán nhiều ở hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Một số cửa hàng chuyên bán thực phẩm Bắc còn có thêm một số loại gạo nương-trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hay gạo đặc sản của một số vùng lúa Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình…
 
Nguồn: gaonep.com

Điều chỉnh sàn giá xuất khẩu gạo

TT - Ngày 22-12, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã chính thức áp dụng mức giá hướng dẫn xuất khẩu mới đối với các loại gạo của VN. Theo đó, giá xuất khẩu tối thiểu loại gạo 5% tấm là 500 USD/tấn, gạo loại 15% tấm là 485 USD/tấn và gạo 25% tấm là 470 USD/tấn. So với mức giá sàn mà VFA đưa ra lần gần đây nhất (21-3) thì gạo 5% tấm tăng thêm 10 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm giá giữ nguyên.

Tuy nhiên, thực tế lần điều chỉnh này đã giảm giá xuất khẩu gạo của VN xuống khá nhiều nhằm tăng sức cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ấn Độ và Pakistan.

Theo VFA, hồi đầu tháng 11, giá gạo 5% tấm của VN là 570 USD/tấn, cao hơn gạo của Ấn Độ 100 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 120 USD/tấn.

Hiện giá lúa vẫn giữ nguyên ở mức 6.500-6.600 đồng/kg (lúa hạt dài, khô) hoặc 5.800 đồng/kg với lúa ướt. Lúa IR50404 tươi có giá 5.100 đồng/kg.

Theo VFA, tính đến ngày 15-12, xuất khẩu gạo của VN đạt 6,887 triệu tấn, trị giá 3,38 tỉ USD.

Nguon tuoitre.vn

20/1/12

Xuất khẩu gạo 2012: Cố gắng giữ thị trường truyền thống

Đó là một trong những giải pháp quan trọng mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 và đón nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất tổ chức hôm qua (6.1) ở TPHCM. Nguyên nhân, đầu năm 2012 này đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn...
 

Sẽ mất thị phần

Tại hội nghị, hàng loạt DN xuất khẩu gạo lớn đã không ngớt than thở khi đầu năm mới nhưng giao dịch gạo hết sức trầm lắng. Theo ông Lâm Anh Tuấn (GĐ Cty Thịnh Phát) nếu như cách đây một tháng giá lúa lên 7.500 đồng/kg hiện chỉ còn 5.800 đồng/kg. Còn giá gạo đã rớt trên 2.000 đồng/kg so với 1 tháng trước. Ông Lê Việt Hải (GĐ Cty xuất nhập khẩu Mêkông - Cần Thơ) khẳng định, lúc này, nếu DN có hạ giá bán xuống 400USD/tấn cũng không có ai mua.

Ở bên ngoài, theo VFA, thường vào thời điểm đầu năm mới, Việt Nam đã có hợp đồng lớn với Indonesia, Bangladesh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hợp đồng lớn nào được ký. Lượng hàng giao trong quý I/2012 được ký mới có 1,1 triệu tấn, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái lên tới 1,8 triệu tấn.

Đáng lưu ý, tại thị trường Châu Á và Châu Phi, nơi chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, theo VFA, khả năng năm nay Việt Nam có thể mất tới 20% thị phần gạo phẩm cấp thấp tại Châu Phi, do vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ. Hiện Ấn Độ đang tồn kho lớn, khoảng 60 triệu tấn nông sản các loại, trong đó trên 26 triệu tấn gạo. Nên khả năng 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ sẽ tăng cường cạnh tranh bán gạo ra với giá thấp.

Bên cạnh đó, Myanmar cũng tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp trong năm 2012 này.

Bởi vậy, theo ông Trương Thanh Phong (Chủ tịch VFA), nếu gạo cấp thấp tiếp tục tăng lên trong năm 2012 sẽ khó tiêu thụ, vì không thể nào cạnh tranh với giá gạo cấp thấp của nhiều nước có thế mạnh. Cần lưu ý rằng, năm 2011 vừa qua, xuất khẩu gạo cấp thấp Việt Nam đã bị giảm 61%, trong khi gạo chất lượng loại 5% tấm tăng gần 20% và gạo thơm tăng hơn 100%.

Giải pháp không mới

Trước tình hình này, hàng loạt các ý kiến đưa giải pháp vẫn... không mới. Các DN cho rằng, VFA cần đề xuất Chính phủ cho áp dụng biện pháp tạm trữ sớm để giá lúa không giảm xuống, làm ảnh hưởng đến nông dân.

Tất nhiên, đại diện VFA gật đầu cho hay, hiệp hội cũng đã có kế hoạch với 2 phương án để tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ nếu giá lúa trong nước xuống thấp. Trường hợp tiêu thụ lúa gạo chậm, giá lúa có giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, hiệp hội sẽ chỉ đạo các DN thành viên can thiệp ngay bằng cách tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ, để giá lúa không xuống dưới 5.000 đồng/kg. Nếu giá lúa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nông dân, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách để DN tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ. Hiện nay Bộ Tài chính tính giá thành bình quân sản xuất lúa của nông dân có tính cả yếu tố trượt giá (9%), thì giá thành 1kg lúa gần 4.400 đồng, nông dân sẽ có lãi 30%.

Giải pháp khác, nhiều ý kiến cho rằng, DN phải thống nhất giá bán, phải theo điều hành chung của tổ điều hành xuất khẩu gạo, thống nhất giá sàn và thị trường, tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của vài cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung. Tất nhiên đại diện Bộ Công Thương đồng tình. Hơn thế nữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Bộ sẽ xử lý thích đáng các DN đăng ký giá xuất khẩu một đằng bán một nẻo, kiên quyết không để giá xuất khẩu xuống thấp do các DN đẩy giá xuống không có lợi cho nông dân.

Cuối cùng, VFA cho hay, nhiệm vụ trước mắt của hiệp hội vẫn là... cố gắng giữ những thị trường truyền thống, đặc biệt là Philippines. Để “lấp chỗ trống” thị phần thị trường Châu Phi, các DN sẽ đẩy mạnh xuất gạo phẩm cấp cao, gạo thơm sang khu vực Tây Phi, Trung Quốc cùng một số nước Châu Á... Cần lưu ý rằng năm 2011 lượng gạo chất lượng cao đã tăng vọt, gạo thơm đạt 472.000 tấn - tăng gấp đôi so với năm 2010.

Theo báo cáo xuất khẩu gạo của VFA, năm 2011, cả nước xuất khẩu đạt 7,105 triệu tấn gạo với trị giá 3,507 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến trong năm 2012 sẽ xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo các loại. Theo VFA, trong năm 2011 người trồng lúa lãi tới 50%.

Theo Lao Động
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...