Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

25/2/12

Cảnh giác gạo thơm nhờ... hóa chất

Bốc nắm gạo hương lài ngửi, bà Hoàng, nhà ở đường Bùi Văn Ba, quận 7 thắc mắc tại sao không có mùi thơm, thì liền được chủ cửa hàng vác ra một bao gạo khác, giải thích: “Chậu đó gạo cũ. Đây là gạo mới có mùi thơm nè”. Bà Hoàng kiểm tra thấy có mùi hương lài thoang thoảng, bèn mua 10kg với giá 22.000 đồng một ký, mà không hề biết đó là gạo thơm... hoá chất.

Chủ một doanh nghiệp chuyên bán lẻ gạo cho biết: "Đã là gạo hương lài thì dù mới hay cũ vẫn còn mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được".

Thơm nhờ... hoá chất

Trường hợp bao gạo mà bà Hoàng mua, ông này khẳng định chủ cửa hàng đã độn vào gạo mùi thơm từ hoá chất công nghiệp mua ở chợ Kim Biên, quận 5.

Dạo quanh một vòng chợ Kim Biên, nơi đây có hằng hà các loại hoá chất, với đủ hương vị, từ dạng dung dịch nước cho đến dạng bột đóng trong can nhựa hoặc gói. Tại cửa hàng Hải Hà, bà chủ giới thiệu tên L., xách ra 1/2 can nhựa 10 lít chất dung dịch màu trắng đục. Bên ngoài can có dòng chữ "hương lài" ghi bằng bút lông nguệch ngoạc. "Hàng này nguyên chất, mùi hương lài, giá 350.000 đồng/lít", bà L. báo giá và nói: "Mấy chú pha loãng ra, cho vào bình xịt chút xíu là dậy mùi như gạo hương lài liền".

Đi bộ sang cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (đoạn hướng về cầu Chà Và), một người đàn ông trung niên xách ra hai chai dạng nước 200ml và một gói dạng bột màu trắng 1kg giới thiệu: "Nếu mấy anh mua hương lài loại nước thì giá là 220.000 đồng/lít, còn bột giá 440.000 đồng". Theo ông chủ cửa hàng này, ngoài hương lài, cửa hàng có bán cả hương nếp.

Chúng tôi thử hỏi mười cửa hàng kinh doanh gạo thì cả mười ông chủ đều trả lời có biết đến hai loại dung dịch này khi trộn vào sẽ tạo mùi hương giống hệt như mùi hương gạo nguyên chất.

Các cửa hàng kinh doanh gạo còn sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để bảo quản gạo. Chẳng hạn như loại thuốc có tên deltamethrin đang được dùng khá phổ biến để khử trùng kho. Đây là loại thuốc có độ lưu dẫn rất cao, hoà vào nước xịt trực tiếp lên bao gạo phòng ngừa mọt, dán, chuột. Ngoài ra, một số cửa hàng còn chọn cách dùng thuốc hút ẩm công nghiệp (không được dùng cho thực phẩm) để trực tiếp cho vào trong bao gạo hay dùng chất chống mốc trộn trực tiếp vào gạo để bảo quản...

Gạo thường bán giá gạo thơm

 
 
Không chỉ trộn hương liệu, hầu hết các loại gạo thơm đang bán trên thị trường hiện nay còn được các cửa hàng "lên đời" bằng cách trộn thêm vào một tỷ lệ nhất định loại gạo thấp cấp, có giá rẻ. Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc kinh doanh công ty gạo Vinh Phú, TP.HCM, cho biết tỷ lệ trộn phổ biến hiện nay là từ 10% trở lên tuỳ theo cửa hàng và tuỳ mức lợi nhuận mà chủ cửa hàng muốn có.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi ghé cửa hàng kinh doanh gạo trước cổng chợ Bắc Ninh, Thủ Đức. Từng chậu gạo thơm xếp ngay ngắn, gắn bảng hiệu gạo thơm đủ loại. Nhìn sâu vào bên trong, bốn thanh niên cầm xẻng, người nhễ nhãi mồ hôi đang cúi lom khom xúc từng xẻng gạo vun tròn lên đống gạo to tướng.

Một chủ cửa hàng am tường về cách trộn gạo nói rằng, những công nhân trên đang thực hiện công việc trộn gạo thường vào gạo thơm. Theo ông này, các loại gạo trộn với nhau thường có cùng đặc tính và hình dạng gần giống nhau, ví dụ thơm hương lài đặc tính hạt dài, cơm dẻo, mềm và thơm thường được trộn với những giống lúa như 4218, OM 4900... Các giống lúa này cơm cũng dẻo nhưng không mềm, không thơm, không ngọt bằng thơm lài chính hiệu và có giá thấp hơn năm bảy ngàn đồng mỗi ký. "Gạo 4218, OM 4900... có giá từ 13.000 - 16.000 đồng/kg, trong khi thơm hương lài chính hiệu là 22.000 - 23.000 đồng. Chỉ cần trộn tỷ lệ 50 - 50 để bán giá gạo thơm hương lài thì cửa hàng đã móc túi người tiêu dùng khoản tiền kha khá", ông này tính toán.

Một số cửa hàng còn lấy gạo này để đặt tên cho gạo khác để thu lời cao dựa vào việc không am hiểu của khách hàng. Ví dụ như thơm Đài Loan sữa có giá khoảng 16.000 đồng/kg thường được lấy làm gạo Tám Xoan, một giống lúa gần như tuyệt chủng ở Nam Định cho cơm ngon, rất thơm nhưng năng suất rất thấp và chỉ được nông dân trồng một ít để ăn và làm quà biếu dịp tết, giá bán là 22.000 đồng. Thơm lài sữa được mạo danh là Nàng Hương, Nàng Nhen, lúa Nương... Rồi gạo cùng loại được trồng ở vùng khác cơm không ngon lại gán cho vùng miền nổi tiếng cho gạo ngon, ví dụ gạo Nàng Thơm được trồng ở Trà Vinh, Bạc Liêu nhưng lại gán cho cái mác Chợ Đào, một vùng nhỏ ở Long An với 500ha và một năm chỉ trồng được một vụ duy nhất.

Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc kinh doanh gạo Vinh Phú, còn cho rằng, để giảm giá thành, các cửa hàng còn trộn thêm tấm vào gạo. Hiện nay, giá gạo tỷ lệ 5% tấm so với tỷ lệ 15% tấm thường chênh nhau khoảng 500 - 700 đồng. "Người tiêu dùng gần như không có khái niệm về chỉ tiêu này", ông Duy nói.

Theo SGTT 
 
Tác giả: Hoàng Bảy 

Xuất khẩu nhì thế giới, 90% dân ăn gạo kém chất lượng

(VEF.VN) - Việt Nam là nước xuất khẩu ở vị trí nhất nhì thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ quốc tế nhưng thị trường trong nước lại không được coi trọng, phân phối gần như bị buông lỏng cho tư thương. Hơn 90% người dân ăn gạo kém chất lượng và không nhãn mác, xuất xứ.

Mua gạo: Tin là chính

Nhà có 5 người, trung bình mỗi ngày đều ăn khoảng 2kg gạo, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Minh (Đoàn Thị Điểm, Đống Đa, Hà Nội) lại cho biết: "Tôi thường tiện mua gạo tại các cửa hàng ngay bên đường. Nhìn biển hiệu cắm trên các bao gạo thông báo tên gạo và giá là tôi chọn loại gạo nào đó thấy phù hợp. Thông thường là Bắc Hương, Tám Xoan... theo quảng cáo và lời đảm bảo của chủ hàng. Tôi chưa bao giờ đóng trong các túi sẵn có nhãn, mác".

Trong khi đó, rất nhiều các lái buôn, cửa hàng lớn kinh doanh mặt hàng gạo đều ghi nhận tình trạng này. Chị Trần Thị Thơ, bán gạo tại chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Mỗi ngày tôi bán từ 5 tạ tới cả tấn gạo. Nhưng hầu hết người dân đều mua gạo từ các bao tải lớn. Rất ít người mua gạo đóng trong các gói có sẵn, có tem mác. Nhiều người không hề hỏi hoặc có khi lệch giá so với gạo không tem mác chừng 3.000 đến 5.000 đồng nên họ không mua.

Nghiên cứu được Agroinfo thực hiện trong năm 2011 tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng. Kết quả điều tra cho thấy có đến hơn 90% người tiêu dùng tại các địa phương này đều sử dụng gạo tẻ không đóng gói.

Ông Nguyễn Bá Minh, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường nông sản (Agroinfo) cho biết: Mặc dù là quốc gia trong tốp đầu về xuất khẩu gạo nhưng việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo trong nước vẫn làm chưa "đến đầu đến đũa", vì thế lúa gạo của chúng ta vẫn chưa phải là sản phẩm hàng hóa thực thụ. Hiện nay nông sản có đăng ký và kiểm nghiệm chất lượng của nước ta vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, đẩy mạnh sản xuất nông sản có đăng ký truy xuất nguồn gốc."

Thực tế, thị trường bán lẻ gạo nội địa phụ thuộc lớn vào tư thương làm theo cách tư phát và truyển thống. Còn người mua thì theo thói quen là mua gạo tại các đại lý gần nhà với những loại gạo không kiểm chứng, không tên tuổi. Tất cả đều tin vào người bán và mua về thử mới biết.

Mặc dù là quốc gia trong tốp đầu về xuất khẩu gạo nhưng việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo trong nước vẫn làm chưa "đến đầu đến đũa". Ảnh minh họa

Theo các nhà kinh doanh lâu năm trên thị trường nội địa, tình trạng nhập nhèm trên thị trường gạo chất lượng cao là rất phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do cạnh tranh giá giữa các đại lý. Điều này, người làm trong nghề biết rõ, nhưng người tiêu dùng thì rất khó phát hiện.

Theo bật mí của một vài chủ đại lý gạo, khái niệm "gạo trộn" là chuyện đương nhiên, thường xuyên và không đại lý nào không làm để tăng thêm lợi nhuận. Gạo Tám xoan Hải Hậu là gạo có tỷ lệ trộn tương đối cao (lên đến khoảng 80%), vì đây là loại gạo rất hiếm, và nếu bán ra thị trường giá không thể thấp hơn 23.000 đồng/kg nhưng tại các đại lý, loại gạo này bán khá phổ biến với giá vừa phải chỉ 16.000 đến 18.000 đồng. Gạo Bắc Hương, Tám Điện Biên tỷ lệ trộn cũng lên tới 20-30%...

Mới đây, trên nhiều diễn đàn, người tiêu dùng cảnh báo nhau cẩn thận với gạo ướp hương liệu. Từ loại gạo thường, không có mùi thơm khi ướp hương liệu, chúng sẽ thơm lúc chưa nấu hoặc chỉ thơm trong mấy ngày đầu mới mua về, khi đã để lâu thì mùi hương gần như bay hết. Loại gạo này khi cho vào nấu chín cũng không còn mùi thơm như gạo thơm thật nữa mà mùi như các loại gạo thường. Đây là mánh của nhiều tiểu thương ham lãi, ăn chênh lệch tới - 6.000 đồng/kg khi bán gạo thường cao như gạo Thái, gạo Tám, gạo Bắc Hương... mà chỉ thêm vài nghìn hương liệu.

Chính vì thế, các chuyên gia cũng lo ngại, việc mua gạo chủ yếu qua hệ thống bán lẻ, không có nhãn mác sẽ dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, thậm chí còn bị ép giá. Thói quen của người Việt Nam ưa rẻ và thường những sản phẩm không nhãn mác rõ ràng, không có nguồn gốc thì giá thấp, vừa với thu nhập của người dân nói chung.

Tuy nhiên, cũng nên khuyến cáo để trở thành người tiêu dùng thông minh, biết chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Chất lượng là vấn đề quan trọng và sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng. Người sản xuất cố gắng xây dựng thương hiệu, để thương hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đánh mất thương hiệu truyền thống

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều loại gạo đặc sản nổi tiếng. Một số DN đã đầu tư sản xuất, phát triển bán hàng... phát triển các loại gạo này thành các thương hiệu gạo, được nhiều người ưu thích. Tuy nhiên, khi các thương hiệu mới nổi đã bị làm nhái, làm giả khiến cho các thương hiệu bị mất uy tín và DN chán nản bỏ cuộc.

Mấy tháng nay nhà chị Lê Thị Hằng ở ngõ 89 Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội đều ăn loại gạo Bắc Hương 7 của Thái Bình. Nhưng đợt gạo vừa mua, nấu cơm cứng và không còn thơm như trước. Cảm thấy bị lừa, chị đi tham khảo thì được biết, cửa hàng gạo đã pha các loại gạo khác và Bắc Hương để kiếm lời. Thậm chí, họ dùng cả hương liệu để đánh lừa khách hàng.

Còn Trần Thị Liên ở ngõ 82 Minh Khai, Hoàng Mai cũng mắc tình trạng tương tự. Sau một thời gian ăn loại gạo đặc sản Bắc Hương mua tại cửa hàng quen phát hiện có vấn đề chị đã chuyển sang ăn loại gạo đặc sản Tám Hải Hậu. Nhưng cũng chỉ một vài bữa đầu ngon, càng về sau mình thấy hạt gạo cứ vẩn đục mà nấu lên dần mất mùi, cơm cứng.

Lý giải về tình trạng này, anh Hoàng Văn Anh, chủ đại lý gạo ở đường Phùng Khoang, Hà Nội cho rằng, các chủ cửa hàng đã lợi dụng lòng tin của khách quen để pha trộn các loại gạo thường để kiếm lời.

"Các loại gạo đặc sản thường được sản xuất, chọn lựa và chế biến rất kỹ nên có giá thành cao. Nhiều đại lý pha thêm gạo kém chất lượng vào để kiếm lời. Hạt gạo mua về rất thơm nhưng khi nấu hoặc để lâu không còn thơm rất có thể bị dùng các loại hương liệu để ướp hương thơm lên hạt gạo nhằm đánh lừa người mua," anh Văn Anh cho biết.

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: "Lâu nay các thương lái vẫn thu mua gạo Thái bình, các loại gạo ở An Giang, Cần Thơ, Nam Định... đi nơi khác mà không cần biết đến thương hiệu tên tuổi. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng thương lái đã "sang tên đổi họ" trộn loại gạo không tên vào gạo có tên tuổi trên thị trường mang những cái tên nổi tiếng.

Hiện nay có một số thương lái của Nam Định sang Thái Bình mua thóc rồi đóng bao bì giả gạo Nam Định. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng bị thiệt hại và còn gây tổn hại uy tín của các đặc sản gạo nổi tiếng của Việt Nam. Đánh mất uy tín là đánh mất giá trị gia tăng trong tương lai của gạo Việt Nam.

Theo ông Trần Mạnh Báo, phó Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, hiện nay, các DN Việt Nam thu gom gạo chủ yếu tập trung số lượng, không phân biệt đó là loại lúa gì, các tiêu chuẩn sản xuất và chế biến ra sao. Có thể nói, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay các thương lái nhỏ lẻ đều thu mua theo kiểu "chạy sô" chứ không nghĩ đến việc tạo một thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường. Trong nhiều trường hợp, DN thu mua nhiều loại rồi trộn chung lại để cung ứng cho đối tác, đại lý.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện giống cây trồng Việt Nam cũng cho rằng, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu là do chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Vì Công ty xuất khẩu gạo thường thu mua gạo của thương lái ở khắp ngõ ngách, kéo theo thương lái lại thu mua từ nông dân cá thể ở nhiều cánh đồng với các giống lúa khác nhau. Với kiểu thu mua, chế biến như vậy, gạo Việt Nam không thể đảm bảo chất lượng đồng nhất và không có thương hiệu.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dẫn số liệu: Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm có thương hiệu với giá từ 360 - 380 USD/tấn, cao hơn gạo "không tên" trên 100 USD/tấn. Thấy hiệu quả cao, năm 2005, nông dân đã đổ xô trồng gạo thơm, từ diện tích chỉ 60.000 ha năm nhưng lại không quản lý được chất lượng. Nay tăng lên đến 180.000 ha thì chất lượng đi xuống tệ hại, có đến đến 40% bị lẫn nhiều giống khác. Hậu quả, khách hàng từ chối không mua.

Vì thế, chừng nào chưa giải được bài toán chất lượng cho hạt gạo thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và thậm chí cả người tiêu dùng trong nước.

Thương hiệu cho gạo Việt: Quá khó

(VEF.VN) - Là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng thương hiệu của gạo Việt vẫn còn mập mờ trên thị trường. Ngay cả thị trường nội địa điều này cũng trở nên khó khăn.

Đó là những chia sẻ của GS Bùi Chí Hữu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam về vấn đề định vị thương hiệu cho gạo Việt.

Theo ông, làm thế nào để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt ngày một mạnh hơn?

Chưa kể đến thị trường quốc tế, ngay cả thị trường nội địa, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt cũng trở nên khó khăn. Người dân trong nước vẫn khó tìm thấy gạo Việt khi trải khắp các chợ đều là tên gạo nước ngoài như gạo Thái và Đài Loan... Nhưng vẫn chưa ai đảm bảo gạo đó nguồn gốc ở đâu. Trong khi đó việc pha trộn nhiều loại gạo của thương lái cũng làm cho chất lượng gạo khó được đảm bảo.

Việc thiếu hụt kho dự trữ, phân phối lại qua quá nhiều khâu trung gian đã làm chất lượng hạt gạo Việt Nam bị giảm đi đáng kể. Đối với xuất khẩu, hiện chỉ có duy nhất ở Việt Nam mới thực hiện việc xuất khẩu từ hạt gạo, còn với các nước xuất khẩu từ hạt lúa vẫn là chủ đạo. Muốn định vị được thương hiệu của gạo Việt, đầu tiên các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp với quy trình xuất khẩu của thế giới.

Vậy việc cải thiện chất lượng gạo cũng như cây giống để tăng lượng xuất khẩu gạo cao cấp đang làm thế nào thưa ông?

Hiện Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu gạo trung cấp, nên tập trung vào phân khúc này. Đối với gạo cao cấp, thị trường chỉ chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của thế giới. Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu các loại gạo thơm cao cấp nhưng với phân khúc này thì gạo Việt Nam đang bước qua khe cửa rất hẹp vì tính cạnh tranh rất cao.

Việc đầu tư vào thị trường quá hẹp như vậy cũng không phải là giải pháp tối ưu. Tùy vào thế mạnh và phân khúc thị trường nào chiếm tỷ lệ cao nhất mà xây dựng chiến lược cụ thể và tập trung vào phân khúc có tính cạnh tranh mạnh mẽ..

GS Bùi Chí Hữu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam

Một yếu tố nữa tạo nên khó khăn cho việc lựa chọn giống để trồng là giá cả vẫn chưa cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa hai giống cao cấp khi thu mua của các thương lái. Chính vì vậy việc điều chỉnh giống lúa cũng không được nông dân chú trọng.

Hiện nay ngành nông nghiệp đang tập trung vào vấn đề an ninh lương thực trong nước theo hướng lâu dài. Như vậy mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm xuống?

Trong điều kiện hiện tại dân số tăng, diện tích và lượng nước bị giảm đáng kể thì vấn đề an ninh lương thực đang được coi trọng. Đó là mục tiêu hàng đầu của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên việc duy trì xuất khẩu không vì thế mà bị coi nhẹ vì đây được coi như là van điều tiết giá cho thị trường. Nếu xem nhẹ xuất khẩu thì giá gạo trong nước giảm đi đáng kể và người thiệt thòi vẫn là nông dân. Trong khi đó xu hướng xuất khẩu đang đi lên thấy rõ nên việc giảm ngay trước mắt là không thể. Hiện nay cách tối ưu nhất vẫn là việc duy trì tỷ lệ 3,8 triệu ha/100 triệu dân. Cần tổ chức lại việc canh tác trên các vùng miền canh tác và tập trung vào ĐBSCL cho thị trường xuất khẩu.

Vệc ứng dụng công nghệ như biến đổi gen nhằm tăng năng suất có được ngành nông nghiệp quan tâm hay không?
Đúng là việc ứng dụng công nghệ sinh học để đảm bảo năng suất cho nhiều mục đích cần được nghiên cứu. Đó cũng là vấn đề quan trọng trong việc chống chọi với biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng cũng cần phải có lộ trình, từng giai đoạn.

Hiện nay trong nước vẫn chỉ dừng lại việc ứng dụng trên các cây là thức ăn gia súc còn trên các giống lúa vẫn đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu. Nhưng cần lưu ý là việc sử dụng gạo biến đổi gen có thể làm gián đoạn xuất khẩu nên cần phải thận trọng.

Cám ơn ông !
 
Tác giả: Nam Phong 

20/2/12

Cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng quyết liệt

Thị trường gạo xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2011 cực kỳ khó khăn, giá gạo trong nước và quốc tế giảm nhanh, sự cạnh tranh trên thị trường này ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Gạo cấp thấp trong các tháng này hầu như không bán được, trên thị trường thương mại các doanh nghiệp chỉ bán được các loại gạo thơm, gạo nếp và gạo đồ.

Ban chấp hành Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, sang năm 2012, dự báo xuất khẩu gạo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, trong quý 1/2012 chắc chắn xuất khẩu sẽ giảm hơn so với quý 1/2011, trong quý 1/2011 các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn gạo nhưng trong quý 1/2012 có khả năng chỉ xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn và đặc biệt là sẽ xuất hiện “lỗ hổng” xuất khẩu gạo trong quý 2.

Về cách điều hành Tổ điều hành xuất khẩu gạo (Bộ Công Thương) cũng đã bàn nhiều giải pháp, tuy nhiên từ nay đến quý 2 còn khá xa nên cũng khó nói trước mà sẽ từng bước điều hành theo diễn biến thực tế của thị trường, ông Phong nói.

Cũng theo VFA, xuất khẩu gạo trong năm 2012 có 2 vấn đề lớn đáng quan tâm.

Thứ nhất, vào các tháng cuối năm 2011 đã xuất hiện những khó khăn trong xuất khẩu gạo, do sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường gạo cấp thấp.

Có 2 khu vực quan trọng để tiêu thụ gạo của Việt Nam. Một là thị trường châu Á, tại đây gạo Việt Nam đã chiếm gần 67% thị phần trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Hai là thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%. Cả hai khu vực này đã chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Hiện nay, gạo cấp thấp của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo cấp thấp của ấn Độ, Myanmar và Pakistan, do vậy loại gạo này có thể bị mất khoảng 20% thị trường ở khu vực châu Phi, chỉ còn lại 3% gạo chất lượng cao ở thị trường này là có thể giữ được.

“Đây là nguy cơ lớn đang đe dọa tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong số 20% này nếu Việt Nam vẫn tiếp tục với gạo cấp thấp 25% tấm thì sẽ rất khó, vì không thể nào cạnh tranh được với gạo cấp thấp của ấn Độ và Miến Điện”, ông Phong quan ngại.

Thứ hai, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo từ năm 2010 chuyển qua năm 2011 là 890 ngàn tấn, còn lượng hợp đồng xuất khẩu gạo của năm 2011 chuyển qua 2012 khoảng 850 ngàn tấn, so sánh lượng hợp đồng chuyển qua thấy có sự tương ứng không chênh lệch nhiều. Nhưng có một điểm khác biệt là trong 890 ngàn tấn gạo của năm 2011 thì giao hàng ngay trong quý 1, còn trong năm 2012 lượng gạo giao ngay quý 1 khá ít và giao hàng kéo dài tới tháng 8/2012.

Trong các tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng tiếp với Indonesia và Bangladesh nhưng 2012 thì không ký thêm được với Indonesia vì nước này đã đủ lượng gạo dự trữ, còn Bangladesh thì đã quay sang mua gạo của ấn Độ. Đầu năm 2012 xuất khẩu gạo Việt Nam đã mất 2 thị trường quan trọng nên xuất khẩu gạo trong quý 1 sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Trong điều kiện như vậy, theo Trương Thanh Phong, VFA sẽ tiếp tục tập trung xúc tiến thường xuyên để giữ cho được các thị trường truyền thống, trong đó thị trường truyền thống có khả năng nhập khẩu trong quý 1 và 2 là Philippines.

Hai là xúc tiến để bán gạo chất lượng cao vào các thị trường đã mở ở Tây Phi và các nước châu Á. Trong năm 2012 sẽ tiến hành thành lập câu lạc bộ kinh doanh xuất khẩu gạo giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, để 2 bên phối hợp đưa gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đây cũng là cách để xử lý khoảng trống còn lại trong quý 2.

Hiện nay Việt Nam đã từng bước xây dựng được thị trường vững chắc về gạo chất lượng cao và trong năm 2012 cũng là cơ hội để gạo thơm Việt Nam chiếm thị phần, vì năm nay gạo thơm của Thái Lan do chính sách của chính phủ mới sẽ được làm giá cao hơn nhiều so với giá gạo thơm của Việt Nam nên ta có khả năng chiếm được nhiều thị trường.

Ngoài ra, nếu năm 2012 chất lượng gạo của Việt Nam tốt thì có thể để cạnh tranh với gạo chất lượng cao, ví dụ như loại gạo 5% tấm và 4% tấm (tương đương gạo 100% B của Thái Lan)…, vì gạo Việt Nam có giá bán thấp hơn gạo của Thái Lan.

“Hiện nay trên thị trường giá gạo của Việt Nam đang đứng ở khoảng giữa của Thái Lan và ấn Độ, Pakistan và Myanmar, cho nên chúng ta cần phát huy lợi thế về thị trường và chất lượng gạo của Việt Nam và “né” điều kiện bất lợi, đó là làm thế nào cố gắng hạn chế gạo cấp thấp trong năm 2012, vì nếu ấn Độ chưa có kế hoạch dừng xuất khẩu thì gạo cấp thấp của Việt Nam sẽ “bị” khó”, Chủ tịch VFA nhìn nhận.

Theo TBKTVN

Gạo hữu cơ U Minh được quốc tế vinh danh

Lần đầu tiên trên vùng đất chín rồng, hạt gạo Việt Nam được vinh danh trên thị trường quốc tế bằng tính năng điều trị bệnh. Điều làm mọi người ngạc nhiên là nó được sản xuất tại vùng đất U Minh chứ không phải tại vùng trọng điểm lúa của ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp. Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á được cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho gạo và cá theo tiêu chuẩn quốc tế.

 
 
Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại (CP&TM) Viễn Phú – người Cà Mau vốn nặng ân tình với quê hương nên dù tha hương làm ăn tận thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn tìm về miền quê cũ – xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đầu tư sản xuất giống lúa hữu cơ.

Anh Khải cho biết: Quá trình trồng giống lúa hữu cơ này bắt đầu từ sản xuất thử đến hình thành cánh đồng thực nghiệm rồi mới triển khai trồng đại trà trên cánh đồng mẫu. Những vụ lúa đầu tiên tại nông trại Viễn Phú chỉ đạt năng suất chưa đầy 1 tấn/ha. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư cho việc sản xuất gạo hữu cơ, rau màu, cá lên đến hơn 30 tỉ đồng. 3 năm trở lại đây, gạo hữu cơ Viễn Phú trụ được trên thương trường và mới đây, ngày 3-2-2012, gạo hữu cơ chức năng của Viễn Phú được Công ty Control Union Vietnam (Cơ quan đánh giá và chứng nhận Hà Lan tại Việt Nam) trao chứng nhận nhãn hiệu Gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu Gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (organic product) của Hoa Kỳ. Lần đầu tiên trên vùng đất chín rồng, hạt gạo Việt Nam được vinh danh trên thị trường quốc tế bằng tính năng điều trị bệnh. Điều làm mọi người ngạc nhiên là nó được sản xuất tại vùng đất U Minh chứ không phải tại vùng trọng điểm lúa của ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp. Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á được cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho gạo và cá theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt được sự vinh danh này, cách đây 3 năm, tại vùng đất nguyên thủy ngập nước của huyện U Minh, Công ty Viễn Phú đã đầu tư xây dựng "cánh đồng mẫu” với diện tích 320 ha và trồng lúa nước theo quy trình khép kín tiêu chuẩn quốc tế. Cánh đồng mẫu được duy trì cho đến nay. Sản phẩm là các loại gạo hữu cơ chức năng như: Hoa sữa đen, hoa sữa tím, hoa sữa đỏ, hoa sữa trắng đạt chuẩn hạt gạo dài, mùi vị đặc biệt và có chức năng hỗ trợ điều trị tốt một số loại bệnh. Mỗi năm, Công ty Viễn Phú cung cấp giống cho 10.000- 20.000 hộ nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý canh tác và bao tiêu sản phẩm. Theo ông Khải, để sản phẩm được cấp chứng nhận gạo hữu cơ chức năng, quy trình sản xuất cũng như sản phẩm phải đạt các yếu tố: không chứa các loại hormon, không chứa thuốc kháng sinh, không lưu tồn thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, không chứa thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản... Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam thì canh tác giống hữu cơ này còn cao hơn canh tác theo qui trình Global GAP vì các yếu tố kỹ thuật hết sức nghiêm ngặt.

Gạo hữu cơ an toàn với người sử dụng, an toàn cho môi trường, đồng thời đem lại lợi ích cao về kinh tế cho người sản xuất. Về chất lượng dinh dưỡng, gạo hữu cơ cũng được các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá rất cao vì sự phong phú và hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất gấp nhiều lần so với gạo thông thường... So với gạo lứt "Huyết rồng” thì gạo hữu cơ chức năng "Hoa sữa” vượt trội về chất lượng, nhất là dinh dưỡng và các khoáng chất. Tại Hội nghị quốc tế về thực phẩm hữu cơ, nhiều nhà dinh dưỡng học, hữu cơ học và cả các nhà kinh doanh thực phẩm hữu cơ cũng rất ngỡ ngàng về các sản phẩm gạo hữu cơ chức năng Việt Nam của Công ty Viễn Phú. Họ cho đây là thực phẩm chức năng tuyệt vời cho tương lai. Hơn 4 năm qua, vừa đầu tư làm đất hình thành vùng thủy lợi khép kín, vừa xây dựng nhà máy chế biến, Công ty Viễn Phú đã sản xuất, cung cấp cho thị trường trung bình trên 1.000 tấn gạo hữu cơ Hoa sữa các loại mỗi năm với chất lượng quốc tế, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, đảm bảo môi trường xanh, sạch. Đặc biệt, theo báo cáo kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội nghị lần thứ 240 của Tổ chức nghiên cứu hóa học tại Boston - Hoa Kỳ, gạo hữu cơ đen/tím có tác dụng phòng ngừa được các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, thiếu máu, béo phì...

Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: tại huyện U Minh có thể nhân rộng ra các hộ nông dân với diện tích gieo trồng gạo hữu cơ chức năng khoảng 10.000 đến 20.000ha. Nếu mở rộng ra các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, diện tích có thể nâng lên 30.000ha. Tỉnh Cà Mau còn tiềm năng lớn để quy hoạch mở rộng diện tích canh tác theo quy trình Green Farm lên 50.000 đến 60.000 ha với điều kiện đầu tư thủy lợi theo tiểu vùng, theo liên hộ liền kề, liên kết nông dân với nông dân từ tổ chức lại sản xuất đến thực hiện mô hình kinh tế "cánh đồng mẫu”. Việc đầu tư cho "cánh đồng mẫu” cũng là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với xây dựng, phát triển nông thôn mới. Hiện nay, gạo hữu cơ được thị trường thế giới chấp nhận với giá cao. Lợi ích này sẽ rất lớn nếu như cả ĐBSCL có 10% diện tích sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Theo Đại đoàn kết

Thương lái đổ xô gom hàng, lúa chất lượng cao "sốt" giá

Trong khi người trồng lúa cấp thấp (IR 50404) đang đối mặt với nguy cơ tiêu thụ không được thì nông dân trồng lúa chất lượng cao vui mừng vì giá tăng lên từng ngày.

 

Thương lái thì ra sức tìm mua lúa chất lượng do được dự báo nguồn cung ít, nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Lúa chất lượng cao “sốt” giá

Nhu cầu xuất khẩu được dự báo sẽ tăng, lên con số 400.000 - 500.000 tấn gạo thơm, gạo chất lượng cao trong năm nay là nguyên nhân kéo giá của loại lúa này tăng lên. Theo cánh thương lái mua lúa tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp…, từ khi khởi động vụ lúa đông xuân sớm 2011-2012 đến nay, giá lúa chất lượng cao (OM 4900) liên tục tăng cao.

Cụ thể, nếu như trước tết thương lái mua lúa tươi tại ruộng của bà con nông dân huyện Tháp Mười, Đồng Tháp có giá 6.400 - 6.500 đồng/kg, thì hiện giá lúa đã tăng lên mức giá 6.700 - 6.800 đồng/kg. Ông Trần Văn Dũng, thương lái mua lúa tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang xác nhận, từ sau tết đến nay giá lúa chất lượng cao, chủ yếu là đối với giống lúa thơm nhẹ OM 4900 tăng rất nhanh, có ngày mỗi kg lúa tăng tới 50-100 đồng.

Tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu…, những địa phương đang thu hoạch lúa đông xuân sớm, giá lúa chất lượng cao được các thương lái thu mua với mức giá khá cao, từ 6.500 - 6.800 đồng/kg đối với lúa tươi; 7.300 - 7.500 đồng/kg đối với lúa khô.

Không chỉ lúa chất lượng cao sốt giá, gạo nguyên liệu lẫn thành phẩm của giống lúa này cũng đang đứng ở mức giá khá cao. “Gần đây các doanh nghiệp kinh doanh gạo chất lượng cao tăng cường gom hàng trữ vào kho chuẩn bị xuất khẩu là nguyên nhân kéo giá gạo tăng lên rất mạnh” - thương lái Nguyễn Văn Tạo, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói.

Trong khi đó, tính hình tiêu thụ lúa lúa thường (IR 50404) cũng như giá cả của giống lúa này rất là ảm đạm. Hiện lúa IR 50404 tại các tỉnh ĐBSCL được thương lái thu mua với mức giá chỉ 5.400 - 5.600 đồng/kg đối với lúa khô.

Nguồn cung ít, thương lái lùng tìm

Sản lượng lúa chất lượng cao ở vụ lúa đông xuân 2011-2012 này được dự báo rất ít, trong khi đó nhu cầu xuất khẩu loại gạo này lại tăng cao nên thương lái kinh doanh gạo chất lượng cao ai cũng tranh thủ gom hàng. Ông Tạo cho biết, từ sau tết đến nay, ông phải “đánh ghe” (ý nói chạy ghe) sang miệt Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và Long An để tìm lúa chất lượng cao mua đem về xay xát bán lại cho các doanh nghiệp.
Nếu như trước đây thương lái chỉ bỏ tiền cọc mua lúa cách ngày cắt (thu hoạch) 3-5 ngày, thì hiện nay lái mua lúa chất lượng cao sẵn sàng bỏ tiền cọc trước hơn cả 10 ngày để có được nguồn cung.

“Hiện vụ lúa đông xuân chỉ mới bắt đầu ở vài địa phương thôi, nguồn cung còn rất hạn chế nên cánh thương lái chúng tôi đã sang tận Campuchia mua mang về. Tuy đường hơi xa, nhưng được một cái là giá lúa ở Campuchia thấp hơn rất nhiều so với ở trong nước” - ông Nguyễn Văn Ngoãn, thương lái ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết.

Hiện tại, thị trường lúa gạo nội địa đang hình thành 2 khuynh hướng khác nhau, thương lái mua lúa chất lượng cao thì ra sức đi tìm nguồn cung còn cánh thương lái kinh doanh gạo chất lượng thấp thì chỉ hoạt động cầm chừng, không dám thu vào trong lúc này dù giá đang ở mức thấp.

Theo cafe

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết vụ đông xuân 2011-2012 đã vào vụ thu hoạch và sẽ thu hoạch rộ vào tháng 3-2012. Tuy nhiên, hiện nay giá lúa gạo đang giảm và dự báo khó tăng trở lại do xuất khẩu chậm.

  

VFA kiến nghị Chính phủ phê duyệt kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong thời gian ba tháng, thời gian mua từ ngày 15-3 đến 30-4. Tuy nhiên, thời gian cụ thể sẽ điều hành linh hoạt căn cứ vào thị trường.

Theo VFA, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân khoảng 3.400 đồng/kg nên đề nghị Chính phủ điều hành giá mua lúa tối thiểu 5.000 đồng/kg (lúa khô) và giá sàn xuất khẩu là 420 USD/tấn. VFA đề nghị Chính phủ giao 2-3 ngân hàng lớn cho doanh nghiệp vay để mua tạm trữ.

Theo Tuổi trẻ

3/2/12

Đối thủ cạnh tranh mới của gạo Việt Nam

Myanmar bước vào thị trường sẽ lấy đi một số khách hàng của Thái Lan và Việt Nam. Về lâu dài, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết.
 
  

Hiệp hội Lúa gạo Myanmar (MRIA) cho biết, xuất khẩu gạo từ nước này sẽ tăng gấp hơn 2 lần lên 1,5 triệu tấn trong năm nay, sau đó là 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015, so với 700.000 tấn của năm 2011.

Kỳ vọng kết quả như vậy là nhờ chương trình mua lúa gạo giá cao hơn thị trường tới 10% kể từ đầu năm nay của Chính phủ để khuyến khích nông dân trồng trọt.

Nguồn cung ra thị trường mạnh hơn từ Myanmar có thể giúp dự trữ lúa gạo toàn cầu gia tăng, trong khi các nước xuất khẩu quan trọng như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ lại bị cạnh tranh mạnh mẽ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nếu hoàn thành kế hoạch xuất 1,5 triệu tấn gạo thì Myanmar sẽ vươn lên vị trí thứ 6 thế giới trong năm nay – thành tích tốt nhất kể từ những năm 1960, thời điểm nước này đứng số 1 thế giới.

Vichai Sriprasert, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận xét, Myanmar bước vào thị trường sẽ “lấy đi” một số khách hàng của Thái Lan. Về lâu dài, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết.

Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng mạnh hồi tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái do Thái Lan có kế hoạch thu mua lúa gạo giá cao. Tuy nhiên, giá cũng chỉ ở mức cao 3 năm trong một thời gian ngắn, sau đó đảo chiều lao dốc vì nguồn cung dồi dào và giá rẻ từ Ấn Độ và Pakistan. So với mức cao trên 600 USD/tấn của gạo 100%B Thái Lan hồi tháng 11, giá hiện thấp hơn 18%.

Mục tiêu về lúa gạo

MRIA cho biết, tiêu thụ gạo nội địa của Myanmar hiện khoảng 11,5 – 12 triệu tấn mỗi năm. Sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ tăng 11% lên 13,5 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2011 và sẽ lên 15,5 triệu tấn trong vòng 3 năm tới. Các thị trường mà nước này hướng tới để xuất khẩu nguồn dư thừa sẽ là châu Phi, Indonesia và Philippine.

Mới đây, Myanmar đã đạt được thỏa thuận bán 200.000 tấn gạo cho Indonesia– đơn hàng đầu tiên tới Indonesia trong hơn 10 năm qua. Nước này cũng vừa nhận được hồ sơ chào mua từ Toyota – tập đoàn ô tô hàng đầu của Nhật Bản – với khối lượng 300.000 tấn, thông qua một công ty kinh doanh gạo tại Myanmar.

Tiềm năng kinh tế
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar có tiềm năng để trở thành một "mặt trận" phát triển kinh tế mới ở châu Á nếu tận dụng được các tiềm lực về tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ và sự gần gũi với hai quốc gia tiêu thụ hàng hóa hàng đầu là Trung Quốc cùng Ấn Độ. Myanmar cũng hoàn toàn có khả năng tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay nhờ lợi thế có chung đường biên giới với hai nước đông dân nhất này.

Hiện Mỹ và châu Âu đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ độc tài quân sự cũ của Myanmar. Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ tới nước này vừa qua cho thấy cánh cửa đang mở ra với thế giới của Myanmar. Nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers nhận định rằng, Myanmar sẽ là đất nước có “triển vọng nhất” ở châu Á nhờ những cải cách về chính trị.

Theo TTVN/Bloomberg

Trung Quốc nâng giá sàn thu mua lúa gạo

Hôm nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cho biết cho biết sẽ tăng giá sàn thu mua gạo trong năm 2012 nhằm khuyến khích nông dân tăng cường trồng trọt. 

  
Đây là năm thứ 5 liên tiếp nước này tăng giá sàn thu mua gạo để tăng thu nhập cho người nông dân.


Mức giá sàn mua gạo indica đầu vụ sẽ tăng 18 nhân dân tệ (NDT), lên 120 nhân dân tệ (19,01 USD)/50kg. Giá thu mua gạo indica trung và cuối vụ sẽ tăng lên 125 nhân dân tệ (19,8 USD)/50 kg, tăng 18 nhân dân tệ so với năm trước.

Ngoài ra, giá lúa japonica sẽ tăng 12 nhân dân tệ, lên 140 nhân dân tệ/50 kg.

Gạo và lúa mỳ là 2 mặt hàng lương thực chính tại Trung Quốc. Sản lượng lúa gạo đã tăng lên 571,21 triệu tấn trong năm 2011, là năm thứ 8 tăng liên tiếp.

NDRC cho biết trong chính sách đầu tiên của nước này năm 2012, sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư và trợ cấp cho nông nghiệp nhằm ổn định sản lượng lúa gạo.

Gạo indica và japonica là 2 loại gạo chất lượng cao, gạo Indica có hạt dài, được sản xuất ở các nước nhiệt đới và gạo japonica có hạt tròn, sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh. Gạo japonica phổ biến ở miền Nam Trung Quốc, còn gạo indica phổ biến ở miền Bắc.

Nguồn DVT.vn/Chinadaily
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...