Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

23/6/10

Hạt gạo Việt Nam: Muốn có thương hiệu, chất lượng phải cao

Nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, song chưa giải được bài toán chất lượng thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. 


Từ những năm 1990, gạo Việt Nam có xuất xứ từ Cần Thơ đã được các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu đi nhiều nước dưới thương hiệu ARI, với giá lên đến 300 USD/tấn. Trong khi cũng cùng chủng loại, các doanh nghiệp Việt Nam bán với giá chưa tới 200 USD/tấn, thậm chí còn không bán được!”.

Thông tin trên được GS. Võ Tòng Xuân đưa ra tại hội thảo “Gạo Việt Nam - vấn đề chất lượng, thị trường và thương hiệu” do Cậu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tổ chức vào ngày 30/5 tại Cần Thơ. GS. Võ Tòng Xuân kết luận: “Đây chính là giá trị của thương hiệu. Bởi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu gạo Việt Nam với thương hiệu nổi tiếng ARI, còn doanh nghiệp Việt Nam thì ngược lại”.
Lợi thế của gạo có thương hiệu

Từ năm 1995, Nông trường Sông Hậu là đơn vị đã ý thức được vấn đề xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc nông trường, cho biết Nông trường Sông Hậu đã tự thiết kế mẫu mã, bao bì và thương hiệu gạo Nàng thơm Sông Hậu để giới thiệu trên thị trường. Tiếp theo đó là các thương hiệu gạo Hoa Hồng, Hoa Sứ. Mới đây nhất là thương hiệu gạo Sohafarm của Nông trường Sông Hậu đã được giới thiệu và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã xuất khẩu được trên 1 triệu tấn gạo mang thương hiệu Việt là Sohafarm. Mặc dù giá bán chỉ cao hơn gạo “không tên tuổi” chỉ từ 2-3 USD/tấn, nhưng bù lại là chưa có một khách hàng nào than phiền về chất lượng-điểm yếu mà các doanh nghiệp khác thường gặp phải”, bà Sương nói.

Không hướng đến mục tiêu xuất khẩu, Công ty Minh Cát (TP.HCM) nhắm đến thị trường nội địa với 80 triệu dân. Năm 2004, Minh Cát bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo Kim Kê. Chưa đầy một năm, từ chỗ không ai biết đến doanh nghiệp Minh Cát, nay Minh Cát đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định với 15.000 hộ gia đình, mỗi tháng doanh nghiệp cung ứng ra thị trường 150 tấn gạo mang thương hiệu Kim Kê.

Chất lượng kém, làm sao xây dựng thương hiệu!

GS. Võ Tòng Xuân cho rằng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam không phải là vấn đề mới, bởi từ lâu đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi nước ngoài với thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn của gạo xuất khẩu Việt Nam là thường xuyên bị lẫn lộn nhiều giống, tạp hạt có màu và thời gian giao hàng cho khách thường chậm trễ, nên thương hiệu gạo Việt Nam khó tồn tại trong lòng người tiêu dùng lâu.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc kinh doanh Công ty Minh Cát, cho biết đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt vấn đề nhập khẩu gạo Kim Kê, khách hàng đã đồng ý về bao bì, quy cách, nhưng khi so sánh với chất lượng gạo của Thái Lan, khách hàng đã từ chối không mua. “Chất lượng gạo của Việt Nam thường không ổn định, cùng một loại gạo đặc sản, nhưng độ đồng đều của hạt gạo không có, chất lượng thì vụ đông xuân khác vụ hè thu... điều này làm cho giá trị hạt gạo Việt Nam thua xa Thái Lan” - ông Dũng bức xúc.

Liên quan đến vấn đề chất lượng gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đã nêu ví dụ làm nhiều người phải thầm tiếc. Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu được trên 100.000 tấn gạo thơm với giá từ 360-380/tấn, cao hơn gạo “không tên” trên 100 USD/tấn. Thấy hiệu quả cao, năm 2005, nông dân đã đổ xô vào trồng gạo thơm, từ diện tích chỉ 60.000 ha năm rồi, nay tăng lên đến 180.000 và chất lượng gạo thì có đến 40% bị lẫn nhiều giống khác.

Hậu quả, khách hàng từ chối không mua và dự định năm nay lượng xuất khẩu chỉ còn trên 20.000 tấn. Ông Phong kết luận: “Chừng nào chưa giải được bài toán chất lượng cho hạt gạo thì khó có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Đột phá từ khâu giống

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam, Nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý xây dựng những thương hiệu mạnh cho một số sản phẩm gạo đặc sản của Việt Nam, như gạo thơm An Giang, Tám Xoan, Hải Hậu...

Ông Phong cho biết, kinh nghiệm từ Thái Lan khi bắt tay xây dựng cho thương hiệu gạo của họ là từ khâu giống. Nông dân Thái Lan hầu hết đều sử dụng giống xác nhận, không giống như Việt Nam nông dân thường sử dụng lúa thu hoạch để làm giống cho vụ sau, nên thường lẫn nhiều loại giống.

TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng để phát triển giống lúa có phẩm chất gạo ngon, tăng cường khả năng cạnh tranh cho gạo Việt Nam, phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: sử dụng giống lúa đặc sản có mùi thơm, giống lúa có hàm lượng cao về protein; phát triển công nghệ hạt giống và phát triển công nghệ sau thu hoạch.

(Theo Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...