Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

9/11/11

Nét độc đáo tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II

07/11/2011 
 
KTNT- Ngày 08/11/2011, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Sóc Trăng sẽ chính thức khai mạc. Nhìn toàn cảnh, Festival lần này có nhiều ý tưởng độc đáo mà các nhà thiết kế đã đưa ra giới thiệu với du khách khi về dự lễ hội lúa gạo lần này…
 


Trước hết, khi vừa đặt chân tới ngã ba Trà Men, cửa ngõ vào trung tâm thành phố Sóc Trăng, du khách sẽ thích thú khi chứng kiến ngay sau cổng chào hình bông lúa thật to với tạo hình chữ “V” mang hàm ý về một sự thành công là đường Hùng Vương, con đường chính dẫn vào TP Sóc Trăng được thiết kế và trang trí đầy màu sắc. Đoạn đường này có độ dài khoảng 1.200m chạy dài đến cổng Trung tâm văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt được Ban tổ chức sử dụng làm khu triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” với khoảng 47.000 chậu lúa được trưng bày trên dải phân cách, theo qui trình từ khi lúa còn xanh đến lúa làm đòng, lúa trổ bông và chín.

Hạt lúa khổng lồ.

Kết thúc Khu triển lãm Con đường lúa gạo ở trước cổng vào Hồ nước ngọt là mô hình một chiếc thuyền lớn, mang ý nghĩa tượng trưng về một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Dọc hai bên đường Hùng Vương là hình ảnh những bó lúa, những chiếc xuồng chở đầy lúa và nhiều hình ảnh khác nữa.

Ấn tượng thứ hai với mọi người là đài phun nước trong Hồ Nước Ngọt là mô hình một hạt lúa vàng cao 10m, được trang trí thật đẹp để tạo điểm nhấn. Nhiều người dân ở Sóc Trăng rất thích thú khi chứng kiến công trình độc đáo này.

Sau khi kết thúc “Khu triển lãm Con đường lúa gạo”, một khu triển lãm mang tên “Vinh danh hạt ngọc Việt” nằm bên trong Hồ Nước Ngọt sẽ giới thiệu với du khách về sự phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ. Khu vực này nhằm mục đích giới thiệu các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu ở các địa phương bao gồm các giống lúa mới, các giống lúa nguyên chủng, giống lai tạo… Bên cạnh đó là triển lãm các mô hình trồng lúa của các vùng miền, các phương pháp canh tác hiện đại, số liệu và hình ảnh biểu đồ về năng lực và tiềm năng thị trường lúa gạo Việt Nam.

Khu triển lãm này cũng sẽ giới thiệu với khách tham quan về các giống lúa hoang, lúa mùa, lúa cao sản, lúa lai của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó là sa bàn trưng bày các mô hình canh tác lúa như: Lúa cạn với giống lúa Nàng Nhen, OM6840 của Việt Nam và khoảng 6 giống lúa của thế giới. Lúa nước sâu được gieo trồng trong điều kiện nước từ 0,5 - 1m, với gần 20 giống lúa các loại. Lúa nổi, là giống lúa sống trong điều kiện mực nước sâu có thể lên đến 4m. Đặc biệt, tại đây, cảnh đồng quê Nam Bộ cũng được tái hiện thật sinh động với nhà rơm, cầu tre, trâu cày, gàu tát nước, cảnh giã gạo…

Du khách sẽ không thể nào quên sau khi tham quan khu triển lãm nông cụ từ thời khẩn hoang đến hiện đại, đó là những nông cụ như cày, bừa, cào cỏ, cuốc, gầu guồng tát nước, máy cày, máy cấy đến các dụng cụ máy móc dùng để thu hoạch như máy gặt, máy suốt, cối xay, nong nia, dần, sàng…

Nhưng, ấn tượng nhất với du khách gần xa là sân khấu nổi trên mặt hồ tại Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, nơi phục vụ lễ khai mạc, bế mạc Festival và các hoạt động văn hóa văn nghệ, có hình dáng như một chiếc thuyền. Sân khấu được trang trí bằng những họa tiết thể hiện nền văn minh lúa nước Việt Nam và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng. Mặt sàn của sân khấu nổi có tổng diện tích gần 900m2; khu sân khấu biểu diễn rộng 300m2. Riêng khu khán đài được thi công bằng khung thép, có sức chứa tối đa 1.500 người, trong đó khu khán đài VIP 200 chỗ.

Một số hình ảnh về công tác chuẩn bị tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II PV Kinh tế nông thôn ghi lại:


 
Con tàu mang hạt ngọc Viêt vươn ra thế giới.

 
Hạt lúa khổng lồ.

 
Hình ảnh về người trồng lúa


 
Khu triển lãm con đường lúa gạo VN
 
Sân khấu chính mang hình chiếc thuyền

 
Triển lãm máy nông nghiệp trên con đường lúa gạo

Theo kinh tế nông thôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...