Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

3/11/10

Chóng mặt vì nhiều mặt hàng tăng giá cuối năm

Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu bình ổn giá cả những tháng cuối năm, tuy nhiên thị trường thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu vẫn tăng giá khiến các bà nội trợ không khỏi lo lắng. 
 
 
Chóng mặt vì giá

Chị Mai - nhà ở phố Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở, bình thường đi chợ chỉ khoảng 50.000 đồng là có thể đủ cho cả nhà ăn. Nay bữa nào đi chợ cũng phải mất trên dưới 100.000 đồng, trong khi đó đồng lương vẫn dậm chân tại chỗ đã khiến cuộc sống gia đình khá chật vật.

Cùng chung quan điểm với chị Mai, chị Vân ở làng Mễ Trì, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, đi chợ bây giờ cứ như bị... móc túi. Giá rau xanh, giá thịt, dầu ăn, đường sữa đua nhau tăng giá nghĩ mà sợ.

Theo khảo sát của chúng tôi những ngày qua tại nhiều chợ lớn của Hà Nội như Nghĩa Tân, Hà Đông, Chợ Xanh… giá các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng cao nhất với mức tăng phổ biến từ 10- 20% tùy từng mặt hàng.

Giá các loại thịt lợn 3 ngày nay tăng đột biến và tăng mỗi ngày một giá. 1 kg thị dọi trước chỉ có giá 55.000 đồng giờ lên tới 65.000 đồng/kg, thịt thăn tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Thịt bò tăng từ 12.000đ/lạng lên 14.000 đồng/lạng. Nhóm hàng hải sản tăng thêm 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Các loại rau xanh có mức giá tăng cao nhất. Bắp cải trước đây là 8.000 đồng/kg thì hiện tăng lên 12.000 -13.000 đồng/kg; rau muống trước đây 2.000 đồng bây giờ 4.000 đồng/mớ .

Giá gạo cũng không thua kém khi tăng khoảng 10%. Anh Bình - chủ cửa hàng gạo ở chợ Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gạo Bắc Hương hiện có giá bán 15.000 đồng/kg, Tám thái 25.000 đồng/kg, Tám sữa 20.000 đồng/kg, Tám Hải Hậu 15.000 đồng/kg và Xi dẻo 12.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ cửa hàng gạo, giá gạo tăng là do đợt lũ tại Miền Trung nên không chuyển ra được.

Tại một số siêu thị như Intimex, Big C và cả các cửa hàng hợp tác huyện ngoại thành, giá các loại thực phẩm như: thịt, rau củ quả, dầu ăn... cũng tăng cao hơn.

Giải mã nguyên nhân

Theo số liệu công bố ngày 23/10 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung. Nhóm giáo dục tiếp tục dẫn đầu tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất là 3,9%. Tiếp đến là hai nhóm có mức tăng trên 1% gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%, trong đó lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 1,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%; Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,04%.

Các nhóm có mức tăng dưới 1% gồm đồ uống và thuốc lá; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa giải trí và du lịch. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục nhiều tháng liên tiếp giảm 0,07%.

Ngày 27/10 vừa qua, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức cuộc họp tìm biện pháp ghìm giá do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì. Đánh giá về thị trường hàng hóa tháng 10/2010, Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, do đang vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất, chuẩn bị cho các dịp lễ, tết đã bắt đầu gia tăng, cùng với giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng tăng hoặc tiếp tục duy trì ở mức cao đã ảnh hưởng đến mặt bằng giá một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường như phân bón, lương thực, gas, đường.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân đẩy CPI tháng 10 tăng cao, đó là do vừa qua DN tăng cường thu mua gạo xuất khẩu, đẩy giá gạo trong nước lên, vì thế CPI nhóm lương thực đã tăng 1,89%. Trận lũ lụt tại miền Trung vừa qua gây ra khan hiếm hàng hóa tại khu vực này. Giá thịt lợn tại một số địa phương đã hồi phục sau dịch heo tai xanh làm tác động tăng CPI nhóm lương thực tăng lên 1,22%. Lộ trình tăng học phí của các trường dân lập vẫn tiếp tục nên CPI nhóm giáo dục vẫn tiếp tục cao, gần 4%. Tỉ giá ngoại tệ trong tháng tăng mạnh, tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu và lan sang các mặt hàng tiêu dùng.

Như vậy, mục tiêu kiềm chế thành công CPI cả năm dưới 2 con số đang là một bài toán rất khó. Qua báo cáo về các mặt hàng cho thấy, có một số nhóm hàng giá cả tương đối ổn định, tuy nhiên một số mặt hàng như đường, phân bón nếu không nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu thì có khả năng sinh thiếu hàng. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tổ điều hành nhận định, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa còn chịu tác động của các yếu tố cầu kéo do nhu cầu hàng hóa tăng cao theo quy luật những tháng cuối năm (nhu cầu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu) và do yếu tố chi phí đẩy khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu và tỉ giá có xu hướng biến động cao hơn. Ngoài ra, tâm lý lo ngại về kỳ vọng lạm phát trước diễn biến CPI và giá vàng tăng mạnh sẽ gây tác động tới tâm lý tăng giá trên thị trường nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt.

Theo Giao thông vận tải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...