Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

26/3/11

Việt Nam - Ảrập Xêút: Thúc đẩy hợp tác an ninh năng lượng và lương thực

Phái đoàn gồm quan chức và doanh nghiệp Ảrập Xêút do hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp dẫn đầu cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam thảo luận vấn đề thiết lập đối tác an ninh năng lượng và an ninh lương thực giữa hai nước.
 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Công thương Arập Xêút.

Nội dung trên được thảo luận cụ thể trong cuộc tọa đàm ngày 25/3 với thành phần hỗn hợp bao gồm cả quan chức và doanh nghiệp hai nước. Chủ trì cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang , cho rằng: “Đây là lợi thế của hai nước bổ sung cho nhau tạo ra sự bền vững cho mỗi bên”.

Theo đó, Việt Nam cung cấp ổn định cho Ảrập Xêút các loại lương thực, thực phẩm với giá cạnh tranh và chất lượng tốt, ngược lại Ảrập Xêút cung cấp cho việt Nam dầu thô và sản phẩm hóa dầu với số lượng ổn định.

Ảrập Xêút là quốc gia hàng đầu về năng lượng, nắm giữ 17% sản lượng của thế giới trong khi Việt Nam là nhà cung cấp chủ đạo nhiều mặt hàng nông sản. Việc hợp tác giữa Việt Nam và Ảrập Xêút trong hai lĩnh vực này không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho nhau mà còn thúc đẩy thương mại, đầu tư và lao động.

Bộ trưởng Công Thương Ảrập Xêút Abdullah A. Alizira khẳng định: “Chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Việt Nam là thiết thực, tạo dựng sự ổn định và phát triển. Đó cũng là mục đích quan trọng cho chuyến thăm của chúng tôi”.

Là quốc gia rộng lớn với diện tích gần 2 triệu km2 nhưng chỉ có khoảng 2% đất canh tác, điều đó đặt ra sự bức thiết của vấn đề an ninh lương thực cho Ảrập Xêút dù là một quốc gia giàu có. Nhà vua Abdullah của Ảrập Xêút đã đưa ra chương trình đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài để giải quyết vấn đề này. Việt Nam được Ảrập Xêút lựa chọn trong danh sách 24 nước trên thế giới cho chương trình này. Các mặt hàng chiến lược nằm trong chương trình này gồm gạo, lúa mỳ, lúa mạch, ngô, đậu tương, đường, dầu thực vật, thức ăn gia súc…

Ông Hasan Mustafa Al-Shehri- Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Ảrập Xêút, chuyên đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp- nói: “Đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo thêm hàng hóa cho thương mại. Việt Nam có nhiều tiềm năng. Trong chuyến đi này, tôi tìm kiếm những đối tác cho các dự án của mình”.

Hợp tác năng lượng Việt Nam- Ảrập Xêút đã thiết lập được nền tảng vững chắc với Nghị định thư hợp tác về dầu khí ký tháng 4/2010 và hai bên đã có nhiều cuộc thảo luận chi tiết về lĩnh vực này. Hợp tác giữa doanh nghiệp dầu khí giữa hai nước cũng đi vào những thỏa thuận cụ thể. Petrovietnam đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Ảrập Xêútamco nắm 95% sản lượng dầu mỏ của Ảrập Xêút về việc cung cấp nguyên liệu dài hạn cho nhà máy lọc dầu tại Việt Nam, tham gia các dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Ảrập Xêút và các dự án lọc hóa dầu, xây dựng nhà máy điện...

Ngoài nông nghiệp và năng lượng, Việt Nam và Ảrập Xêút có không gian hợp tác rất rộng. Bộ trưởng Công Thương Ảrập Xêút Abdullah A. Alizira cho biết, ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam có nhiều lợi thế đầu tư vào Ảrập Xêút. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nỗ lực mở thị trường Ảrập Xêút cho những mặt hàng mới như đồ điện gia dụng, điện tử, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, cáp điện, gốm sứ, điện thoại di động…

Dù thiết lập quan hệ mới hơn 10 năm nhưng Việt Nam và Ảrập Xêút đã có bước tiến vượt bậc về giao lưu kinh tế. Ảrập Xêút hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Tây Á. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 744 triệu USD, tăng 64% so với năm 2009. Con số này vượt xa chỉ tiêu 660 triệu USD vào năm 2015 đặt ra trong chương trình hành động thúc đẩy quan hệ với Trung Đông 2008- 2015.

Xu thế tăng trưởng trong thương mại song phương tiếp tục trong đầu năm 2011 với kim ngạch 125 triệu USD. Hiện các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Ảrập Xêút là hải sản, chè, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, dệt may, đồ gỗ… và nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu, khí hóa lỏng, hóa chất, phân bón…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhận định: “Với quyết tâm của chính phủ và doanh nghiệp giữa hai nước, quan hệ kinh tế Việt Nam- Ảrập Xêút sẽ hướng đến những đích giao thương nhiều tỷ USD”.

Theo Công Thương điện tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...