Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

2/9/11

Xuất khẩu gạo: Lượng tăng, giá cũng tăng

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu 4,982 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,361 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo và đạt được kim ngạch hơn nhiều năm trước, bởi gạo của ta đang được mùa trong nước, được giá trên thị trường quốc tế…

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình huệ - TTXVN

Cân đối giữa sản xuất và xuất khẩu

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, các hợp đồng đã ký và đăng ký xuất khẩu từ đầu năm đến nay của các doanh nghiệp (DN) đều tăng, nhưng mức tăng hoàn toàn hợp lý so với kết quả sản xuất do sản lượng lúa năm nay tăng cao. Ngành chức năng dự tính, sản lượng lương thực của cả nước năm 2011 sẽ đạt khoảng 41,6 triệu tấn, tăng khoảng 7,5 triệu tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân chính là do thời tiết thuận lợi, diễn biến phù hợp với quá trình sinh trưởng của cây lúa. Mặt khác, chất lượng gạo năm nay cũng khá tốt. Đây là thực tế đáng mừng, cho thấy giá trị và sức mạnh khi DN tham gia xuất khẩu, cũng là một sự khẳng định về khả năng can thiệp vào thị trường thế giới của hạt gạo Việt Nam. Bộ Công thương đánh giá, hiện các thị trường truyền thống vẫn duy trì "ăn" gạo của ta, đồng thời xuất hiện thêm một số thị trường mới, thị trường ngách và DN Việt Nam hoàn toàn đủ nhạy bén để tận dụng.

Thời gian qua cũng ghi nhận việc điều hành xuất khẩu gạo của cơ quan quản lý khá linh hoạt, mang lại kết quả tốt, tăng về lượng, về giá trị... Đại diện nhiều DN cho biết, những kết quả và động thái trên cho thấy sự điều hành kịp thời và có hiệu quả của cơ quan quản lý cũng như sự nhạy bén, chủ động của các DN. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tập trung theo dõi tình hình, cung cấp thông tin và chỉ đạo các DN tiếp cận thị trường mới, kết hợp hài hòa và cân đối giữa thực tiễn sản xuất, dự trữ và xuất khẩu để đạt hiệu quả cao nhất.

Vẫn còn nhiều cơ hội


Yếu tố "thiên thời" đã góp phần quan trọng vào sự thành công của sản xuất và xuất khẩu gạo những tháng qua. Trong đó, riêng giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 473 USD/tấn, tăng 43 USD so với giá cùng kỳ năm 2010. Nhờ hoạt động xuất khẩu diễn tiến thuận lợi, nên DN và các đầu mối đại lý đều tập trung thu mua theo phương thức "làm đến đâu, mua đến đó" đồng thời có chính sách giá thỏa đáng với nông dân. Trên thực tế, giá lúa đầu vào tại các tỉnh/vùng sản xuất lúa đều tăng so với năm trước và điều này cho thấy cả DN và người trồng lúa đều thu được hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, với người nông dân "một nắng, hai sương" thì đó chính là sự bù đắp công bằng. Đó cũng là cái đích mà các cơ quan quản lý, chính quyền nhiều địa phương nhắm tới để bảo đảm giá trị và sự phân phối quyền lợi hài hòa giữa các bên, nhất là giữa DN và người nông dân. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, xét về lâu dài, cần hướng tới sự ổn định, bền vững trong chuỗi hoạt động sản xuất - thu mua - xuất khẩu bởi lâu nay đã nhiều lần xảy ra tình trạng khi được mùa thì người nông dân bị ép giá hoặc chính các DN nảy sinh việc "tranh mua, tranh bán"; hoặc có khi DN xuất khẩu lại bị đối tác nước ngoài ép giá, buộc phải chấp nhận bán gạo với giá thấp, thiệt đơn, thiệt kép về kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, từ nay đến cuối năm DN xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều cơ hội và hoạt động này sẽ tiếp tục sôi động. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và DN để đạt hiệu quả cao nhất. Trước hết, cần theo dõi sát sự thay đổi về giá gạo trên thị trường để căn chỉnh giá gạo của ta một cách linh hoạt, không để xảy ra tình trạng bị thua thiệt về giá, nhưng cũng không khiến nhà nhập khẩu e ngại, đắn đo khi ký hợp đồng với DN Việt Nam. Công tác dự báo cũng phải được nâng tầm, để có thể đưa ra dự báo dài hơi hơn, nhằm hỗ trợ DN về thông tin và định hướng phân bổ nguồn cung ra thị trường một cách hợp lý.

Các chuyên gia cũng lưu ý, tâm lý đầu cơ gạo đã xuất hiện và là một thực tế, gần đây còn có sự tham gia của DN ngoài ngành nên có thể gây "nhiễu" trên thị trường. Việc này cần được can thiệp và khuyến cáo chấm dứt để ổn định về tâm lý và ngăn chặn sự phức tạp, biến động bất ngờ về giá bán trên thị trường nội địa. Dự báo, trong các tháng cuối năm và quý I-2012, các nước nhập khẩu gạo vẫn có nhu cầu khá cao trong khi các nước sản xuất - xuất khẩu gạo khác cũng sẽ được mùa. Cơ quan quản lý và DN phải làm sao để hạt gạo của Việt Nam đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Theo HNM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...