Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

18/7/10

Dẻo ngon hạt gạo miền Tây

Người dân Nam Bộ đang trăn trở, lo toan để đưa hạt gạo Việt Nam hội nhập, vươn xa, đưa cuộc sống của người trồng lúa hướng tới mùa Xuân no ấm.


Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Mỗi năm diện tích gieo trồng bình quân ở đây hơn 3,8 triệu ha lúa. Đây là nơi sản xuất ra gần 55% sản lượng lúa cả nước và cung cấp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Chính vì vậy, ĐBSCL luôn có một vị trí rất quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh lúa gạo của Việt Nam. Cũng vì thế mà cây lúa, hạt gạo vùng sông nước miền Tây luôn được Nhà nước quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhất là việc tổ chức sản xuất lai tạo các loại giống lúa gạo dẻo ngon và có giá trị kinh tế cao.

Vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Việt Nam, hiện nay, gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm thị phần quan trọng trong thị trường gạo toàn cầu. Riêng năm 2009, sản lượng lúa trong cả nước đạt 39 triệu tấn; xuất khẩu đạt hơn 6 triệu tấn đạt giá trị gần 2,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đạt tổng sản lượng 22,6 triệu tấn. Tuy nhiên, gạo Việt Nam chỉ mới tăng về năng suất, sản lượng mà chưa coi trọng đúng mức về chất lượng, nên giá trị chưa cao.

Trước thực trạng này, ông Trương Thanh Phong đề nghị: “Phải giải quyết cho được khâu thu hoạch lúa. Vì hiện giờ thu hoạch bằng máy mới được 28% và sấy mới được 25%. Nhà nước phải có chương trình, chính sách đặc biệt để đầu tư giúp bà con nông dân”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cũng thẳng thắn thừa nhận, sản xuất, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu chưa được liên kết thành một hệ thống thống nhất. “Do vậy, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tạo sự liên kết, bảo đảm sản xuất lúa gạo là một chuỗi thống nhất từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, xuất khẩu…”- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

Cũng theo ông Bùi Bá Bổng cho biết: Kết quả của sự tìm tòi, trả giá của ĐBSCL đã giải được bài toán khẩn hoang Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên của Đảng và Nhà nước ta. Bởi vì, trước đây người Pháp, sau này là người Mỹ, người Nhật, Hà Lan... đều bó tay vì cho rằng đây là vùng đất xấu. Giải pháp đúng đắn là "dẫn ngọt, ém phèn". Một biện pháp đơn giản mà tăng được cả triệu ha đất canh tác, biến ĐBSCL thành một công trường lớn xây dựng giao thông, thủy lợi. Cả Nhà nước và nhân dân cùng làm, tìm ra nhiều cách "sống chung với lũ".

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: Các chuyên gia nghiên cứu giống lúa Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao chất lượng các loại giống lúa trong vùng, trước hết là tăng chiều dài, độ trong cho hạt gạo. Hiện tại, một bộ giống chủ lực "dẻo cơm thơm hạt" như IR64, OM1490, OM2031, MTL250, VND95-20, Khao39... có phẩm chất gạo cao, hạt dài trong, không bạc bụng, thơm ngon đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang được nhân rộng sản xuất đại trà. Riêng Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa cao sản ngắn ngày không những thơm ngon mà còn kháng được sâu rầy, cho năng suất cao, trong đó hơn 30 giống đã được thuần chủng gieo cấy đại trà và được người dân đón nhận.

Cũng chung mục tiêu này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho biết: Một loạt các biện pháp được thực thi tại ĐBSCL để giúp bà con nông dân và nâng cao giá trị lúa gạo; trong đó, chương trình quốc gia IPM hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và bón phân hữu cơ làm tăng phẩm chất gạo, lúa vẫn trúng mùa, giá thành hạ, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, nếu dùng máy sấy đạt tiêu chuẩn chất lượng, dù lúa thu hoạch ở thời điểm nào cũng tốt hơn phơi.  Do đó, đòi hỏi các nhà khoa học cùng góp sức để sản xuất ra các loại máy sấy đa dụng loại nhỏ, rẻ tiền, phù hợp với quy mô nông hộ, hoặc các kiểu máy sấy lớn đi liền với các nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu. Vấn đề quy hoạch cũng cần phải tính đến chuyện trồng bao nhiêu diện tích và trồng lúa xuất khẩu ở đâu để vừa nâng cao giá trị sản xuất lúa vừa bảo đảm an ninh lương thực cả nước, để giá cả không bị thả nổi, ổn định và có lợi cho người trồng lúa...

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Ngoài bộ giống lúa "nàng thơm" Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ðồng Tháp Mười và tỉnh Long An đã thực hiện thành công dự án khôi phục giống lúa Huyết rồng, một giống lúa đặc biệt, quý hiếm của Ðồng Tháp Mười có cách đây hàng trăm năm, gạo có mầu đỏ như huyết và hương vị thơm ngon béo ngậy, cho năng suất cao, thích hợp với chân ruộng mặn phèn.

Sau 21 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, hạt gạo Việt Nam đã lập nên những kỳ tích trên trường quốc tế. Nhờ đó mà cùng với bà con nông dân cả nước, người dân nơi đây đã được đổi đời, đồng ruộng, thôn ấp từng ngày thay da đổi thịt Tết này, người dân Nam Bộ đón một cái Tết vui tươi, đầm ấm nhờ cây lúa, hạt gạo ngày càng dẻo, càng thơm. 

(Theo VOV News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...