Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

25/7/10

Giá lúa tăng nhẹ: Tín hiệu vui?

Giá lúa ở ĐBSCL tại thời điểm này đã nhích lên từ 200 - 400 đồng/kg. Tuy ở mức giá này, người dân vẫn chưa đảm bảo lợi nhuận như những mùa vụ trước nhưng qua đó, đã phát đi những tín hiệu tích cực từ chỉ đạo mua tạm trữ gạo của Chính phủ.

Nhiều nông dân ở ĐBSCL cách đây chỉ một tuần còn không thể biết được những hạt lúa sau khi thu hoạch của mình sẽ được định đoạt ra sau. Nay thì khác hẳn, giá lúa đã phát đi những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp công bố thu mua lúa gạo tạm trữ.

Hiện giá lúa hè thu tăng 200 - 300 đồng/kg. Cụ thể, lúa hạt dài tăng từ 3.800 đồng/kg lên 4.000 đồng/kg; lúa IR 50404 từ 3.300 - 3.400 đồng/kg lên 3.500 - 3.600 đồng/kg. Mặc dù ở mức giá này chưa đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân, nhưng phần nào đã giúp họ có thể trang trải những khoản nợ phân bón, thuốc sâu mua trả sau với lãi suất cao của các đại lý.

Ông Trần Văn Thơ, một nông dân trồng lúa phấn khởi: “Bây giờ lúa cũng đã có người vào mua rồi. Nhưng với giá này thì vẫn còn thấp. Tôi cũng đã bán một ít. Chờ lên nữa thì bán hết để làm vụ mới”.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu mua 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu năm 2010, thời hạn mua tạm trữ tính từ ngày 15/7 đến 15/9/2010. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp Nhà nước đã và đang có những động thái tích cực cùng với “đòn bẩy” hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Do vậy, hoạt động thu mua lúa gạo nguyên liệu tại vùng sản xuất lớn nhất nước này có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn chậm so với sản lượng lúa tồn đọng lớn.

Năm nào cũng vậy, khi lúa hè thu sụt giảm, khó tiêu thụ, Chính phủ lại “dang tay” đưa ra chính sách tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân tiêu thụ lúa, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu về dài, cần có sự điều chỉnh trong sản xuất, thời vụ gieo cấy; đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống kho chứa, phơi sấy lúa gạo và mở rộng thị trường xuất khẩu. Có như vậy hạt gạo “một nắng hai sương” của người nông dân mới không bị xuống giá, bấp bênh như hiện nay.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay: “Giá lúa gạo đã có nhích lên. Dân bắt đầu được thu mua lúa nhiều hơn. Họ cũng có phấn khởi. Tuy nhiên, mong muốn của tỉnh cũng như người dân là làm sao giá lúa được từ 5.000 đồng trở lên thì nông dân mới có lời”.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là hầu hết việc mua gạo nguyên liệu dự trữ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty lương thực được giao chỉ tiêu. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì vẫn chờ hoặc chỉ thu mua có hạn để cung ứng gạo cho thị trường nội địa. Lý do họ đưa ra là, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn, chưa giải phóng hết và đang phải xoay xở để trả lãi suất ngân hàng. Do vậy, với mức giá lúa như hiện nay vẫn chưa đủ để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và cho cả nông dân sau một mùa vụ khó nhọc. Và thực tế là đại đa số nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn chưa được đảm bảo lợi nhuận sau một mùa vụ khó nhọc.

Ông Trần Văn Trung ở tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: “So với giá vật tư, phân bón thì giá lúa còn thấp. Vì vậy, nông dân chúng tôi tiếp tục kiến nghị tăng cường hơn nữa việc thu mua lúa và có những chính sách đồng bộ để nông dân phấn khởi và đầu tư lâu dài hơn.”

Doanh nghiệp và người dân cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng triển khai các biện pháp đồng bộ hơn. Qua đó, hỗ trợ nông dân ở vựa lúa vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho một vụ mùa mới./.

(Báo TNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...