Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

25/7/10

Tình hình thu mua tạm trữ lúa hè thu tại Đồng bằng sông Cửu Long

 Giá thấp, sức mua chậm

Trong hơn 10 ngày qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chỉ đạo cho 48 doanh nghiệp thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đến thời điểm này tình hình thu mua lúa tại các tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
 
Trồng được hạt lúa đã khó, bán được hạt lúa còn vất vả hơn nhiều

Tiến độ thu mua chậm

Lãnh đạo một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp thu mua tạm trữ không thiếu nhưng tình hình thu mua vẫn không khả quan hơn. Điển hình như Tiền Giang đã chủ động được nguồn vốn 500 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ. Nhưng, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tại tỉnh đăng ký tiếp nhận nguồn vốn này.

" Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu đề xuất:

“Việc thu mua tạm trữ gạo nên công bố từ đầu năm, chứ không để đến khi giá lúa gạo rớt mới can thiệp”. Đề xuất này được nhiều doanh nghiệp đồng tình. Việc công bố mua tạm trữ từ đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp và cả nông dân chủ động trong mua - bán lúa gạo hàng hóa. "

Ước tính vụ hè thu năm nay, tỉnh Hậu Giang thu hoạch khoảng 200.000 tấn gạo nhưng chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ được 15.000 tấn gạo. Mặc dù, chủ động được nguồn vốn 100 tỷ đồng nhưng đến cuối tuần qua doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang mới thu mua vẻn vẹn 200 tấn gạo với giá lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 3.500-3.800 đồng/kg. Trước tình hình tiêu thụ lúa hè thu khó khăn, giá thấp, ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho rằng, do chất lượng gạo thấp, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cộng với tình hình suy giảm kinh tế thế giới, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu gạo. Không riêng gì Hậu Giang mà hầu hết ở các tỉnh, thành ĐBSCL tình hình tiêu thụ lúa gạo thời gian qua phụ thuộc vào sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành TƯ. Trước hết, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xúc tiến tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.  Đồng thời sớm triển khai xây dựng và đưa dự án kho chứa lúa tại huyện Châu Thành A vào hoạt động. Tăng cường chỉ đạo Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang chủ động hơn trong việc thu mua lúa tạm trữ, đảm bảo giá thu mua cho nông dân có lãi tối thiểu 30%... Tỉnh Cần Thơ cũng có tình trạng tương tự ở khâu tiêu thụ lúa gạo hè thu. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cần Thơ cho biết: “Cần Thơ đang cố gắng chỉ đạo 8 doanh nghiệp thu mua khoảng 95/200 ngàn tấn lúa trong vòng từ 3 đến 4 tháng cho bà con nông dân với giá sàn theo quy định là 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu có thực hiện đúng chỉ tiêu đề ra thì con số thu mua trên chỉ mới được 1/2 số lượng lúa mà nông dân Cần Thơ đang tồn kho”.

Thị trường ít dấu hiệu khả quan

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo vụ hè thu 2010 và hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa, gạo tạm trữ trong 2 tháng (từ 15-7 đến 15-9) đang tác động đến thị trường lúa gạo ở ĐBSCL và cả nước. Thực hiện chỉ đạo trên nhiều địa phương đã triển khai tiêu thụ lúa cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa bán được lúa do sức tiêu thụ của thị trường còn chậm, giá vẫn còn thấp... Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định: “Giá thu mua lúa gạo đã cao hơn trước. Hiệp hội đang điều phối để doanh nghiệp thực hiện thu mua ngay chứ không chần chờ gì nữa. Nhưng do tiến độ mùa vụ rộ hơn trước nên tình hình thu mua của mỗi địa phương ở các tỉnh miền Tây là khác nhau”. Mặc dù theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình thu mua lúa gạo tạm trữ có dấu hiệu khả quan nhưng theo ghi nhận của chúng tôi và phản ánh của nhiều lãnh đạo địa phương thì việc đẩy mạnh thu mua để kéo giá lúa gạo hè thu hầu như không thể thực hiện được. Bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp đều phải tự cân nhắc để không phải chịu lỗ trong việc thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ này.

 Để có thể giảm bớt nỗi lo cho nông dân, trong thời gian tới Cần Thơ sẽ thành lập đoàn kiểm soát tình hình thu mua lúa gạo xem các doanh nghiệp có thu mua với giá hợp lý cho bà con nông dân hay không? Một mặt, cố gắng động viên doanh nghiệp thực hiện thu mua theo chỉ tiêu được giao, mặt khác, tỉnh Cần Thơ tiếp tục động viên nông dân cấy thu đông. Do số lượng vụ lúa hè thu đang tồn kho nên nông dân phải chịu áp lực với nợ vay và nợ vật tư ứng trước. Mọi khó khăn vẫn đè lên vai người nông dân và nông dân sẽ lại đắng lòng xoay sở trong mùa vụ mới.

(Theo Đại đoàn kết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...