Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

21/8/11

Giá lương thực tăng cao gây bất ổn xã hội

Stephen Pincock

Các nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo nếu chính phủ các nước không có những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả để kiểm soát giá lương thực thì nó có thể khiến cho bất ổn xã hội lan rộng trong tương lai gần.

Giá lương thực gia tăng ảnh hưởng lớn tới những người dân nghèo. (ABC)

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, tình hình bất ổn về chính trị và xã hội tại các nước trên thế giới hiện nay xảy ra trùng hợp với thời điểm giá lương thực toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất.

Giáo sư Yaneer Bar-Yam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hệ thống Phức hợp New England , và các đồng nghiệp đã tìm hiểu sự liên quan giữa ngày xảy ra bạo loạn trên khắp thế giới với sự thay đổi giá lương thực từ số liệu của Liên Hợp Quốc.

Họ tìm ra bằng chứng cho thấy thời gian xảy ra bạo loạn ở Bắc Phi và Trung Đông trùng hợp với thời điểm chỉ số giá lương thực của tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Liên Hợp Quốc, tăng lên mức đỉnh điểm. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy sự mất ổn định xã hội và bạo loạn xảy ra khi chỉ số giá lương thực ở mức trên 210 đô-la/tấn.

Trước đó, vào ngày 13/12/2010, các nhà nghiên cứu đã gửi báo cáo tới chính phủ Mỹ nhằm chỉ ra mối liên hệ giữa giá lương thực toàn cầu và tình trạng bạo động. Bốn ngày sau, tại Tunisia xảy ra sự kiện một người đàn ông tên là Mohamed Bouazizi đã tự thiêu để phản đối chính phủ và điều này đã châm ngòi cho các cuộc bạo loạn ở Trung Đông.

Cảnh báo về bất ổn xã hội

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng giá lương thực còn có thể tăng nhanh vượt quá ngưỡng cho phép và đây chính là chất xúc tác gây ra tình trạng rối loạn xã hội chung trên toàn thế giới.

Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên trang web trực tuyến arXiv.org, họ cũng cho rằng mặc dù các vụ bạo loạn là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thất bại của các chính phủ đã tồn tại trong một thời gian dài, tuy nhiên, sự gia tăng giá lương thực cũng chính là ‘giot nước làm tràn ly’.

“Các nguyên nhân gây rối loạn xã hội có thể tồn tại trong nhiều năm mà không gây ra các cuộc biểu tình ở mức độ như phiến loạn và các cuộc cách mạng. Tuy nhiên, khi giá lương thực lên tới một mức độ nhất định nào đó thì nó có thể đảo lộn trật tự xã hội”, ông Bar-Yam nhận định.

Trên thực tế, ở mọi đất nước đều có những bộ phận dân số nghèo và bất mãn với chính phủ nên việc gia tăng giá lương thực có thể khiến cho tình trạng rối loạn xã hội lan rộng. Một ví dụ điển hình là ở London trong thời gian gần đây, ngay cả những người tương đối khá giả và không phải lo lắng về việc có đủ ăn hay không, cũng bị lôi cuốn vào những hoạt động gây rối loạn xã hội và lợi dụng tình trạng rối ren để ‘đục nước béo cò’.

Có hai yếu tố chính đẩy giá lương thực tăng cao. Thứ nhất là việc bãi bỏ quy định về thị trường hàng hóa, đặc biệt là ở Mỹ, Anh và Nhật Bản, khiến cho giá cả dao động trên diện rộng. Thứ hai là việc sử dụng ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol.

Nếu hai yếu tố trên không được kiểm soát thì chúng có thể tác động tiêu cực đến an ninh lương thực trong tương lai gần.

Theo ông Bar-Yam, một câu hỏi đặt ra là liệu thế giới liệu có phản ứng một cách tích cực với điềm báo về nguy cơ lan rộng tình trạng bất ổn xã hội hay không.

“Đến bao giờ thì các chính phủ mới chịu nghe những lời cảnh báo? Càng ‘phớt lờ’ chúng thì càng khó để thay đổi và càng khiến cho xã hội phải chịu nhiều tổn thất to lớn”, ông kết luận. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...