Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

14/8/11

Về miền Tây thăm đất Hậu Giang


Miền Tây được biết đến với những con sông chạy dài xa tít tắp, chiếc cầu khỉ chênh vênh bắc qua nhiều con rạch ngoằn nghèo. Miền Tây - “tình phù sa tuy đục mà trong”. Về miền Tây thăm đất Hậu Giang. Miền Tây, đến một lần rồi say mình trước những dòng sông thương nhớ. Để nhớ, nhớ mãi rồi lại tìm về!

Sau đây là cảm nhận của bạn Trần Thị Giao Thủy sau 1 chuyến về Miền Tây.

Về miền Tây thăm đất Hậu Giang


Miền Tây hiện ra với hai bờ sông san sát những căn nhà mái tôn đơn sơ, nằm chông chênh trên những cây cọc tràm hoặc xi măng. Dưới bến, những đứa trẻ đen nhẻm vùng vẫy trong dòng nước màu xám, toe toét cười, vẫy vẫy tay chào khách với những nụ cười rộng mở, vô lo.

Đến với vùng đất này, du khách lên thuyền rồi lướt qua những rặng cây, những làng nghề, vườn ăn trái. Mỗi chỗ, dừng chân một chút để thưởng thức cái đặc sắc của đặc sản miền Tây cũng như sự tiếp đón ân cần, niềm nở của người dân nơi đây.

Một trong những thú vui của du lịch miền Tây là thăm các làng nghề, các lò bánh, lò cốm. Cơ sở sản xuất bánh giấy của chị Nguyễn Thị Út lúc nào cũng có khách ghé thăm. Những cái bánh giấy hình bán cầu vàng nhạt, bánh khoai hình tròn vàng nâu, lấm tấm mè, trông thật hấp dẫn. Thử một cái, bánh nóng hổi, dòn rùm rụm, nhanh chóng tan trong miệng, để lại vị ngòn ngọt của đường cát, vị beo béo của nước dừa và mùi thơm ngào ngạt của vani, của mè.

Lò cốm của anh Phạm Văn Hồ gần đó. Cả đoàn đứng quanh xem anh thợ trẻ tên Ba làm việc. Chỉ với khoảng 2 lon thóc nếp, sau khi rang với cát nóng, thóc nở bung ra thành một rổ bỏng trắng bóc. Sàng cát và vỏ trấu, bỏng được ngào đường trộn nước cốt dừa rồi ép khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật.

Xưởng sản xuất kẹo dừa của anh Trần Văn Minh nằm trên một nhánh nhỏ của sông Tiền. Nước cốt dừa được cô trong những cái chảo to đến khi đặc sánh rồi đổ ra khay chờ khô, cắt thành viên rồi gói giấy, đóng bao…Những đôi mắt thán phục nhìn con dao trên tay chị Vui, vợ anh Minh, lướt trên những mảng kẹo, chia ra thành những viên nhỏ đều tăm tắp...

Rừng tràm, đặc trưng sông nước miền Tây. Ảnh: Giao Thủy

Thuyền tiếp tục lướt qua những rặng sú, rặng bần, những vườn nhãn trĩu quả để cập bến cù lao An Bình, với mầu xanh ngút ngàn của những vườn cây ăn trái. Chúng tôi mê mải ngắm những chùm chôm chôm đỏ lấp ló sau những tán lá xanh, hỏi chú Bảy Râu, chủ nhà: “Sao chú không hái, để chín, lỡ rụng, uổng!”. Chú Bảy cười hồn hậu, lắc đầu: “Hái chi! Để khách dùng cho thoải mái! Đáng bao nhiêu!”. Phía sau nhà là vườn sầu riêng rậm rạp. Gió từ dòng kênh thổi tới, đưa mùi hương đặc trưng của trái chín lan tỏa khắp không gian làm ngất ngây du khách.

Bữa trưa dọn ra dưới bóng râm của những tàng cây trĩu quả. Chỉ là những món ăn bình dân miệt vườn: Canh cải xanh nấu gừng, cá kèo kho khô, đậu cô ve xào, tôm rim…Vậy mà thật ngon! Có lẽ nhờ nguyên liệu “tại chỗ” tươi rói? Tôi nói ý này với chú Bảy, chú gật đầu: “Miệt vườn này năm nào cũng có lũ. Cực thì cực thật nhưng nhờ lũ mà cù lao được bồi đắp phù sa. Nên cây trồng ở đây thứ gì cũng ngon ngọt!”.

Sau bữa trưa, chúng tôi được nằm nghỉ ngơi trên những cái võng trong vườn. Vừa đu đưa, vừa lắng nghe chim hót, cũng là một cái thú khó tìm ở thành phố. Đâu đó vọng lại tiếng gáy của cu cườm. Tiếng kêu thân thuộc kéo tôi về thời thơ ấu đầy ắp tiếng chim cu. Dạo đó, tôi hay cùng bọn trẻ trong xóm lội qua con sông nhỏ trước nhà mùa nước cạn, sang bờ bên kia hái sim. Những trái sim chín mọng, đen bóng, ngọt lừ…

Sống ở thành phố, rất lâu rồi tôi không được nghe tiếng cu gáy. Những quả sim và dòng sông cạn, nước trong vắt, lơ thơ chảy, cuốn theo những viên sỏi trắng phau dưới đáy thường trở về, khắc khoải trong nỗi nhớ của tôi về một miền đất kỷ niệm. Thật kỳ lạ, là ngay ở đây, trên miền Tây xa xôi này, tôi lại được trở về với tuổi thơ qua tiếng chim gù, sống động và tươi rói.

Thuyền lại tiếp tục len lỏi giữa những làng nuôi cá bè sầm uất trên sông Hậu. Mỗi nhà bè là một thế giới thu nhỏ với mọi hoạt động của cuộc sống từ: ăn uống, tắm rửa, học hành, yêu nhau và sinh con đẻ cái…

Vào nhà của anh Hưng, cả đoàn quây lại ngắm những đàn cá ba-sa, cá điêu hồng, cá rô phi… tranh nhau nhảy lên đớp mồi. Dưới ánh nắng, vảy của chúng óng ánh như pháo hoa trong đêm hội. Một cảnh tượng hiếm hoi mà nếu không đến miền Tây, sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy.

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Chăm cũng là điểm đến lý thú. Không chỉ để chọn lựa vài thứ trong số đủ loại thổ cẩm về làm quà, mà còn có thể ngắm các cô gái Chăm duyên dáng bên khung dệt, nghe tiếng lách cách vui tai của thoi đưa.

Thành phố Cần Thơ, thủ phủ miền Tây, nơi sầm uất nhất vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trải dài 65km bên bờ sông MeKong huyền thoại. Một đêm ở lại “Tây Đô”, tôi đã lang thang khắp thành phố trên chiếc xe đạp lôi đặc trưng miền Tây của ông Sáu Thơ. Và cảm thấy nơi đây cũng thật bình yên lạ, không thấy có chuyện bị cướp giật đêm hôm như các thành phố lớn.

Đến bến Ninh Kiều, một thắng cảnh của Cần Thơ, ông Sáu đưa tay chỉ ra sông: “Sắp tới đây, chính quyền sẽ cho xây một tuyến kè dài 10km, dọc theo hai bên sông, nối với bến Ninh Kiều”. Giọng ông đầy tự hào: “Mức đầu tư đến 575 tỉ đồng lận!”. Tôi thoáng chút ngạc nhiên, một người dân bình dị như ông Sáu mà cũng rành phương án qui hoạch vậy sao?

Ngày thứ 3, thuyền lướt qua những đám lục bình xanh ngắt đang lừ đừ trôi, những khu rừng tràm rậm rạp, những chiếc ghe chở đầy trái cây đủ màu, rau xanh đủ loại đang băng băng trên dòng sông, ngang qua những chiếc xuồng ba lá có những cô gái đang rướn người, gồng mình khoát mái chèo…, đến chợ nổi Cái Răng.

Buôn bán trên sông nước ở Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Ảnh: Giao Thủy

Chợ đang giữa buổi, san sát đủ loại ghe thuyền với cách giới thiệu sản phẩm độc đáo: một cây sào (cây bẹo) treo hàng hóa cắm trước mũi. Cứ nhìn vào những “cây bẹo” sẽ biết trên ghe bán gì: bầu bí, dưa hấu, hành củ, sắn nước, khoai mì, khoai lang... Ngoài ra, trong chợ còn có những chiếc ghe dịch vụ, như những cái quán di động, phục vụ các nhu cầu khác: đồ ăn, thức uống, thuốc men…, và cả nhu cầu làm đẹp: cắt tóc, gội đầu, mát-xa, xông hơi, bấm huyệt…

Không chụp giật, chèo kéo hay có bất cứ hành động chèn ép khách mà để khách đến tự chọn tự cảm nhận và tự thấy thích thú theo những cách riêng. Chỉ rất bình thường, bình dị từ hành động, lời nói, cách tiếp đãi ân cần, người dân vùng sông nước nơi đây đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách.

Tất cả những hình ảnh đó sẽ còn níu kéo chúng tôi trở lại vùng đất đã trở nên thân thương này không chỉ một lần nữa… Tạm biệt Hậu Giang, chào thành phố Cần Thơ yêu mến, chia tay miền Tây nhưng câu hát về một vùng đất Nam Bộ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn cứ vương mãi trong trí óc tôi, đan xen nhiều cảm xúc lẫn lộn.

“Về miền Tây thăm đất Hậu Giang.
Thương câu hát để ru bao đời.
Thương cây lúa lớn nhanh theo người.
Dầm mưa dãi nắng, tưới xanh ruộng đồng”.
Đời vui, nước trôi ngược dòng.
Tình phù sa tuy đục mà trong .
Trông con nước nó trôi lạng lùng.
Thương ôi chín nhánh sông quê mình.
Cần thơ gạo trắng, nước trong là đây”


(Trích “Đàn sáo Hậu Giang” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn)


Trần Thị Giao Thủy

Cảm tình của bạn về vùng sông nước Miền Tây, về đất và người Hậu Giang và về Festival lúa gạo Việt Nam xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: nttloan@haugiang.gov.vn. Điện thoại: 07113.500009. DĐ: 0987888826.

Nguồn: www.festivalluagao.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...