Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

27/2/11

Chủ động đối phó 'bão' lương thực

Việt Nam cần công nghiệp hóa mạnh mẽ nông nghiệp, giữ ổn định diện tích trồng lúa, không nên ồ ạt xuất khẩu khiến nguồn cung tăng, giá sẽ chịu áp lực giảm và đặc biệt, cân nhắc kỹ dùng nông lương làm nhiên liệu…
Thu hoạch lúa đông xuân trên cánh đồng huyện Đông Hòa, Phú Yên. Ảnh: N.Hữu.

Trước nguy cơ khủng hoảng lương thực có thể càn quét nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp phòng và chống “bão” ngay từ bây giờ.

Tăng mua, tích trữ, vẫn đảm bảo xuất khẩu

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mới đây tại Singapore, Ngân hàng Phát triển châu Á tuyên bố kỷ nguyên của lương thực giá rẻ đã qua, trong khi nhiều nhà nhập khẩu gạo trên thế giới lại tìm cách hạ giá lúa gạo ở Việt Nam khi Đồng bằng sông Cửu Long sắp vào vụ thu hoạch. “Ở một số nước như Nhật, Australia…, để đối phó khủng hoảng lương thực toàn cầu, họ hạn chế xuất khẩu nông lương sản, tăng cường nhập khẩu tích trữ. Thế nhưng, tôi nghĩ với Việt Nam, hiện chưa cần thiết hạn chế xuất khẩu gạo. Với năng suất và sản lượng gạo đạt 40 triệu tấn năm 2010, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo mà vẫn đảm bảo an toàn an ninh lương thực trong nước”, ông Thành cho biết.

Chuyên gia kinh tế cấp cao này cũng khẳng định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đảm bảo kiềm chế giá trong nước nhưng lại thu được giá cao ở nước ngoài, do đó không nên ồ ạt xuất khẩu khiến nguồn cung tăng, giá sẽ chịu áp lực giảm.

Cân nhắc dùng nông lương làm nhiên liệu

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng hiện một trong những nguyên nhân gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu là do một số nước (như Mỹ) dùng nông lương làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. “Tại Việt Nam, gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn cho mấy nhà máy sản xuất cồn sinh học từ sắn (khoai mì). Việc thu mua ồ ạt sắn cũng dẫn đến tình trạng tranh mua, bán và khuyến khích nông dân phá rừng trồng sắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn rừng và môi trường. Với tư cách Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, tôi thấy cần cân nhắc lại một cách cẩn thận và tham khảo ý kiến của các nhà sinh học, các nhà nông học trong và ngoài nước”, GS. Dũng nói.

Theo phân tích của GS. Dũng, cồn sinh học là loại nhiên liệu mới có thể thay thế một phần cho xăng dầu, nhưng xu hướng tiến bộ nhất phải là sản xuất từ việc thủy phân các nguyên liệu giàu chất xơ (cellulosse) hay từ rỉ đường (ở các nước xuất khẩu đường). Sắn là nguồn nguyên liệu chứa phong phú tinh bột – rất quý để sản xuất các sản phẩm công nghiệp vi sinh vật với giá trị thương mại cao hơn gấp rất nhiều lần so với cồn sinh học. Hiện, chỉ có các nhà máy sản xuất bột ngọt dùng tinh bột sắn, nên Việt Nam cần gấp rút xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp vi sinh vật để sử dụng hiệu quả cao nguồn nguyên liệu này.

Công nghiệp hóa mạnh mẽ nông nghiệp

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho hay để đẩy mạnh sản xuất và nâng cao sản phẩm nông lương, Việt Nam cần công nghiệp hóa mạnh mẽ nông nghiệp. Là một nước đi lên từ nông nghiệp với 70% dân số là cư dân nông thôn, Việt Nam cần chú trọng phát triển nông nghiệp và giải quyết vấn đề tam nông. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng; cải thiện cơ bản điều kiện sống của nông dân; bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường; do vậy, cần hoạch định một chiến lược phát triển vùng chuyên canh lúa hay các cây trồng quan trọng khác. Với nông sản xuất khẩu phải đầu tư thích đáng cho việc hỗ trợ nông dân khâu phơi sấy, đổi mới công nghệ xay xát, phát triển các kho bảo quản, lập quỹ thu mua dự trữ, quỹ xây dựng thương hiệu, quỹ dự phòng thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

GS. Dũng cho rằng, về lâu dài, nhằm đề phòng rơi vào khủng hoảng lương thực, Việt Nam cần giữ vững ổn định diện tích trồng lúa và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng gạo, đồng thời phấn đấu để có thể đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân.
Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myamar đã nhất trí thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo, tương tự mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, nhằm mục đích phối hợp hành động nhằm kiểm soát giá gạo trên thị trường thế giới trong bối cảnh cơn sốt giá lương thực kéo dài, đe dọa mất ổn định tình hình chính trị - xã hội. (H.Nhung).
Đông Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...