Xuân Giáp Ngọ 2014, Đại lý gạo Miền Tây BÌNH MINH kính chúc toàn thể gia đình các Quý khách hàng lời chúc: SỨC KHỎE & THÀNH CÔNG. GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC - AN KHANG - THỊNH VƯỢNG

12/2/11

Thế giới ngày càng khan hiếm lương thực

ABC

Việc đảm bảo nguồn lương thực là vấn đề mà toàn thế giới phải đương đầu gay cấn khi giá thực phẩm tăng cao nhất từ trước tới nay.


Theo các nhà nghiên cứu, trong vòng 40 năm tới thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực thực phẩm mới đủ khả năng nuôi sống người dân trên trái đất này. (Flickr: KevinLallier)

Khan hiếm và tăng giá lương thực

Cơn hạn hán nghiêm trọng vào mùa Đông đang đe dọa mùa màng ở Trung Quốc - nước sản xuất lúa mì nhiều nhất thế giới.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc FAO cho hay mật độ mưa dưới mức bình thường kể từ năm tháng qua tại Trung Quốc không những đe dọa nông dân trồng lúa mì mà còn khiến nguồn nước uống bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Ở Indonesia, quốc gia này mới đây đã phải nhập khẩu thêm gạo để nâng lượng gạo dự trữ lên hơn 1/3. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền nước này lo ngại giá thực phẩm tăng cao gây lạm phát lẫn nguồn cung cấp lương thực đang ngày càng giảm sút.

Theo Hãng thông tấn Reuters, giá lúa mì, bắp, đậu nành và những loại hạt có dầu trên thế giới đang tăng cao ở mức kỷ lục trong khi nguồn cung cấp những loại này đang ngày càng khan hiếm.

Ở Úc, trận bão Yasi mới đây khiến vấn đề lương thực, thực phẩm thêm nóng bỏng. Ông Alf Cristaudo, Chủ tịch tổ chức các nhà trồng mía tại Úc cho biết có tới một phần tư vụ mùa mía trong tiểu bang Queensland có thể bị thất thu vì bão.

Trong khi đó, bản báo cáo hàng tháng mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề ngũ cốc khiến nhiều người quan ngại về việc sản phẩm nông nghiệp ngày càng được sử dụng để làm nhiên liệu: vì bắp được dùng rất nhiều để chế tạo chất ethanol (chất xăng sinh học) nên bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiên đoán mức dự trữ bắp sẽ giảm 9%. Đây sẽ là mức dự trữ bắp thấp nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng tới nay.

Những khó khăn trong vụ mùa ở Úc cộng với tác động còn sót lại của nạn khô hạn hồi mùa Hè năm ngoái tại các nước trong khu vực Biển Đen đã khiến Hoa Kỳ tăng cường xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Chỉ riêng đối với mặt hàng gạo, người ta ít lo ngại hơn một chút vì có hai nguồn cung cấp dồi dào từ hai nước sản xuất gạo nhiều nhất thế giới là Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên các nhà kinh doanh gạo cho hay chẳng bao lâu nữa chính phủ các quốc gia trong vùng Châu Á sẽ tìm cách mua thêm gạo để tích trữ.

Đi tìm lối ra

Việc giá thực phẩm gia tăng khiến người ta quan ngại tình trạng lạm phát, bảo vệ mậu dịch và bất ổn xã hội cũng sẽ gia tăng.

Đài phát thanh Nhà nước Trung Quốc loan tin trong bối cảnh các nước đang ngày càng lo ngại về vấn đề cung cấp thực phẩm, Trung Quốc dự tính hỗ trợ đẩy mạnh sản lượng ngũ cốc vào năm tới.

Ngày 9/2, chính phủ Indonesia đã nhóm họp để thảo luận tình hình an ninh lương thực. Bộ trưởng Kinh tế Hatta Rajasa đề nghị nội các chấp thuận cho ký các hợp đồng nhập khẩu để nâng mức gạo dự trữ lên tới 2 triệu tấn so với mức 1,5 triệu tấn hiện nay.

Hồi tháng trước Indonesia đã khiến thị trường quốc tế ngạc nhiên khi họ mua gần gấp 5 lần số gạo dự kiến trước đó. Nước này cũng tạm ngưng đánh thuế nhập khẩu lương thực, cho thấy Indonesia có thể tiếp tục mua thêm gạo để tích trữ.

Những quyết định mới hoàn toàn khác với chính sách mua gạo tối thiểu từng được đề ra hồi năm ngoái tại Indonesia. Điều này cho thấy quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong vùng Đông Nam Á đang rất nỗ lực để giải quyết vấn đề lúa gạo.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kêu gọi người dân hãy tự trồng các cây lương thực tại nhà. Lên tiếng trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhóm họp tại Davos, ông Yudhoyono cho hay cuộc chiến tranh kinh tế kế tiếp có thể nổ ra vì người ta phải tranh giành các nguồn lương thực ngày càng khan hiếm trong khi dân số thế giới lại ngày càng gia tăng.

Chính quyền Bangladesh cho biết họ đang đặt mua 200.000 tấn gạo của Thái Lan và đây là hợp đồng mua ngũ cốc đầu tiên ở cấp độ chính phủ giữa hai nước.

Trong khi đó tại Philippines, các nhà hoạch định chính sách có vẻ như không quá lo lắng về tình trạng giá thực phẩm gia tăng.

Philippines đã không nhập khẩu thêm lương thực mặc dù một ủy ban chính phủ từng đưa ra khuyến cáo nên tích trữ trên 1 triệu tấn gạo trong kho dự phòng. Lý do có thể là vì chính phủ Philippines tiên đoán vụ mùa của quý 1 năm nay sẽ có thu hoạch tốt. Ngân hàng Trung ương nước này cho biết họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy giá hàng hóa gia tăng.

Giá gạo sẽ giảm?

Giá gạo Thái Lan giữa tháng 2/2011 đã tăng tới 545 đô-la/tấn so với tuần đầu tháng chỉ 540 đô-la/tấn.

Giá gạo trắng loại B của Thái Lan hiện nay là 540 đô-la/tấn và có lẽ sẽ tăng tới 550 đô-la vào cuối tháng Hai, thậm chí tới 567,5 đô-la/tấn vào cuối tháng Ba.

Lý do của việc tăng giá này là do các nước Indonesia, Bangladesh và Sri Lanka đều đặt mua thêm gạo của Thái Lan.

Hồi năm ngoái, giá gạo giảm 13% trong khi giá bắp và lúa mì tăng khoảng 50%. Trong năm nay giá gạo tăng 2% và vẫn còn xa mức giá kỷ lục là 1.050 đô-la/tấn hồi năm 2008.

Một số nhà kinh doanh gạo cho hay giá gạo có thể giảm sụt trong những tuần lễ sắp tới. Lý do là vì lượng gạo cung cấp cho thị trường thế giới sẽ dồi dào nhờ vụ Đông-Xuân, vụ gặt chính ở Việt Nam, sẽ diễn ra vào cuối tháng Hai.

Trong khi đó Thái Lan cũng sắp sửa gặt vụ thứ nhì, được cho là sẽ thu hoạch khoảng 9,5 triệu tấn. Đây sẽ là vụ thu hoạch lớn nhất từ trước tới nay và cao hơn hẳn vụ 8,8 triệu tấn hồi năm ngoái ở cường quốc xuất khẩu gạo này. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...